Trao đổi với PV chiều 24/12, PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: “Loài giun này chẳng gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe cũng như đời sống của người dân địa phương, dù nhóm giun này từ trước tới nay chưa được nghiên cứu.
Nếu đổ trực tiếp nước muối lên chúng, chúng sẽ chết |
Hiện nhóm chuyên gia đang tìm hiểu xem nó xuất phát từ đâu. Chắc chắn có sự thay đổi gì đó về mặt môi trường nên chúng mới xuất hiện như thế. Chúng tôi đang lấy mẫu để nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về sự xuất hiện ồ ạt của chúng.
Đến nay, chúng không còn bò vào nhà dân nhiều như trước nữa. Tuy nhiên, vôi bột không thể ngăn được chúng. Người dân nên dùng nước muối để tiêu diệt chúng. Nếu đổ trực tiếp nước muối lên, chúng sẽ chết”.
"Vôi bột không thể ngăn được chúng. Người dân nên dùng nước muối để tiêu diệt chúng. Nếu đổ trực tiếp nước muối lên, chúng sẽ chết" PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật- Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
Trước đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật -Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; nhóm các nhà khoa học do TS. Phạm Đình Sắc, trưởng phòng Sinh thái môi trường đất, đã vào Quảng Bình lấy mẫu "sinh vật lạ" để nghiên cứu.
Loài “sinh vật lạ” được xác định thuộc ngành giun dẹp (Platyhelminthes), lớp sán lông (Turbellaria). Lớp sán lông bao gồm hai nhóm là nhóm sống ký sinh trong cơ thể động vật và nhóm sống tự do trong nước và đất ẩm.
Loài “sinh vật lạ” xuất hiện ở Quảng Bình thuộc nhóm sán lông sống tự do. Cho đến nay, nhóm sán lông tự do ở Việt Nam chưa được nghiên cứu.
Sán lông có chiều dài cơ thể từ 4 đến 30 cm, tuỳ từng loài. Lỗ miệng của sán lông thường ở giữa mặt bụng. Cơ thể của chúng đối xứng hai bên; phân hoá thành đầu, đuôi, lưng, bụng thích hợp với lối sống bơi hay bò định hướng. Sán lông có khả năng tái sinh cao. Các loài sán lông sống tự do không chứa các độc tố gây hại cho con người.
Nhóm chuyên gia cho biết sẽ tiếp tục các nghiên cứu để xác định tên khoa học, cũng như tìm hiểu về nguyên nhân bùng phát số lượng loài sán lông tại Quảng Bình.
Theo VTC