8 chiếc trống cái, hàng chục trống con đi trước, dàn kèn đồng hơn 30 người tiếp sau thi nhau đánh trống, thổi kèn...
Xen kẽ giữa những vành khăn tang ít ỏi là đội múa sênh tiền với các bà, các cô, các thiếu nữ mặc áo dài, tay xách giỏ hoa tươi rắc dọc đường. Tất cả đều cố gắng phô ra để các tay phó nháy lăng xăng chạy quay phim, chụp ảnh.
Chứng kiến lễ tang “hoành tráng” trên đường phố Hải Phòng, chàng sinh viên với cặp kính cận dày cộm gật gù đầy chiêm nghiệm: Giá mà nhà văn Vũ Trọng Phụng - “vua” phóng sự đất Bắc - còn sống, chắc ông ấy sẽ viết được thiên phóng sự còn hay hơn “Số đỏ”.
Một “đám ma to” ở Hải Phòng. Ảnh: P.V.H |
Dịch vụ tang ma từ A đến Z
Ông ngoại tôi mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh viện trả về với lời dặn cố chăm sóc ông thêm được ngày nào hay ngày đấy. Đưa ông về nhà tối hôm trước, sáng sớm hôm sau nhà đã có khách. Vị khách mặc complet đen, tay xách cặp, sau vài câu chào hỏi liền vào thẳng vấn đề: “Chúng em ở công ty phục vụ mai táng PL, nếu gia đình có nhu cầu phục vụ...”.
Lịch sự tiễn vị khách không mời ra khỏi cửa, vừa vào nhà được chưa đầy 10 phút, lại có khách. “Chúng em ở công ty phục vụ mai táng TL...”. Cậu tôi nhảy ra cửa sừng sổ: “Đi ngay, bố tao đã chết đâu”. Có người chạy ra can ngăn “thôi, họ cũng chỉ là làm nghề tiếp thị thôi mà”. Thời bây giờ quả có nhiều thứ tiếp thị từ dầu gội đầu, bia, rượu, thuốc lá, giờ lại có cả tiếp thị dịch vụ tang lễ.
Trong vai một người đang có nhu cầu làm dịch vụ tang lễ cho người thân, tôi tìm đến cơ sở HS trên đường Võ Thị Sáu, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Phong cách rất chuyên nghiệp, chị chủ cơ sở đưa cho tôi cuốn Catalogue dày 18 trang, khổ giấy A4 ghi các khoản, mục phục vụ tang lễ kèm giá tiền. Tổng cộng có 25 mục lớn, hơn 70 mục nhỏ mà cơ sở này có thể phục vụ trong một đám ma từ cung cấp cây nến, bát cơm cúng cho đến phông bạt, máy ảnh, xe ôtô mui trần...
Chị chủ cơ sở khẳng định: “Cơ sở chị phục vụ chu đáo, tất tần tật những gì liên quan đến việc tổ chức đám tang, bọn chị đều có thể đảm nhận. Gia chủ chẳng phải động tay vào làm gì”.
Lân la gần chục cơ sở dịch vụ mai táng ở Hải Phòng, tôi nhận thấy đã hình thành một “ngành dịch vụ tang lễ” mới hái ra tiền ở cái thành phố này với một lực lượng lao động hùng hậu từ cho thuê ôtô, loa đài, trống, kèn rồi đội sênh tiền, thanh nữ, Phật tử, quay phim, chụp ảnh... Các cơ sở dịch vụ tang lễ có khi liên kết với nhau nhưng cũng cạnh tranh nhau khốc liệt để giành “thị phần”. Không chỉ tung lực lượng “tiếp thị”, các cơ sở còn tăng cường quảng cáo.
Vào mạng Internet, hỏi “anh Google”, lập tức sẽ hiển thị “một đống” kết quả như: “Chúng tôi là cơ sở dịch vụ việc hiếu TH. Chúng tôi từng phục vụ tại nhiều tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh được gia chủ đánh giá cao về sự nhiệt tình, tận tâm và phong cách chuyên nghiệp. Liên hệ...”.
Những “đám ma to”
Không chỉ có nhiều mục, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đám ma ở Hải Phòng còn có nhiều “gói dịch vụ” đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Khi tìm đến các cơ sở dịch vụ tang lễ, câu hỏi đầu tiên tôi nhận được là: Gia đình định làm mức giá nào? 30, 50 hay 100, 200 triệu?
Từ mức giá 100 triệu trở lên, đám tang được xếp vào hàng “đám ma to” ở đất cảng. Những đám tang này có đội nhân viên phục vụ tới vài chục người, có thêm nhiều “tiết mục” được cho là hay, mới lạ nhưng dưới con mắt của những người hiểu biết về phong tục thì lại bát nháo đến kệch cỡm.
Từ lâu, theo phong tục cổ truyền Việt Nam, nhạc tang dùng trong lễ viếng chủ yếu là phường bát âm. Ngày nay, trong xu thế “hòa nhập”, đám tang xuất hiện thêm đội kèn đồng với khoảng 20-30 người. Khi đưa đám, phường bát âm và đội kèn đồng thi nhau thổi kèn, đánh trống tạo nên màn kết hợp cổ - kim bát nháo.
Phường bát âm chưa dứt điệu “Hành vân” truyền thống thì dàn kèn đồng vang lên bài “Hồn tử sĩ” rồi đến “Tiến quân ca” đầy hùng tráng dù người mới mất chưa hề một ngày trong quân ngũ. Thật khó lý giải sự phô phang đối nghịch trong một đám tang lẫn lộn cả phường bát âm tò tí te với dàn nhạc kèn mặc sức diễn tấu.
Sự bành trướng của vòng hoa, câu đối tại những “đám ma to” ở Hải Phòng khiến không ít người lắc đầu ngao ngán. Đám ma mẹ vợ của một lãnh đạo cấp sở có tới gần... 300 vòng hoa.
Vòng đời của những bông hoa này thật ngắn ngủi: Từ quán hoa đến nơi phúng viếng sau đó chất lên xe, chở đến nghĩa trang rồi đổ thành đống ven đường. Với giá dao động từ 200 đến 300 nghìn đồng/vòng hoa, mỗi “đám ma to” tiêu thụ hết vài trăm vòng thì các chủ quán hoa thu được vài chục triệu là chuyện bình thường.
Một đám tang khác, người đi đường cảm động khi chứng kiến cảnh ông lão nước mắt đầm đìa bám vào quan tài nức nở: “Bà ơi, thế là từ đây đôi ngả cách xa, bà về nơi chín suối để cháu con bơ vơ thế này...”. Đến nghĩa trang, xong phần tang lễ, ông lão nọ không đi về cùng đám con cháu mà nhảy lên xe máy của một người khác, phi thẳng về quán bia làm vài cốc giải khát.
Hỏi ra mới biết ông là Nguyễn Văn X, một “thợ khóc” lâu năm ở phường Hoà Nghĩa và chẳng có dây mơ rễ má gì với “bà” vừa chết. Nghề khóc thuê đã “chết” từ sau năm 1945 nhưng thời gian gần đây nó lại được “hồi sinh”. Ở phường Hoà Nghĩa, quận Dương Kinh, Hải Phòng, hiện có cả một đội khóc thuê với gần 20 người chuyên hành nghề đau khổ giả tạo để kiếm cơm thiên hạ.
Thêm một “tiết mục” mà ngoài Hải Phòng ít nơi nào có là sư dẫn vong với sự cầu kỳ đặc biệt. Khởi mào từ chùa Vẻn gần chục năm nay, hiện tượng trên ngày càng lan sang nhiều chùa khác và hiện đang có nguy cơ bành trướng về quy mô, giá cả. Trọn gói dịch vụ dẫn vong này lên tới vài chục triệu đồng với đoàn xe ôtô đen, bên trên đặt đài sen, rồi lọng che đầu, ngựa giấy to...
Nhìn cảnh đưa tang trên đường phố Hải Phòng với đủ sự bát nháo, phô phang tốn kém hàng trăm triệu đồng, nhiều người lắc đầu thở dài: “Đám ma to” có thể hiện được sự hiếu nghĩa của con cái đối với người đã khuất?
Ai là người tổ chức “đám ma to”?
Chưa khi nào ở Hải Phòng chuyện đám tang - vốn là việc riêng của từng gia đình - lại được các cấp chính quyền quan tâm nhiều như giai đoạn hiện nay. Từ lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND tới các tổ chức đoàn thể chính trị liên tiếp tổ chức các đoàn công tác về từng địa phương để nghe và chỉ đạo chấn chỉnh.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - quả quyết: “Thành phố đang chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh vấn đề này”.
Ông Nam nói, thật ra từ năm 1997, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã có Chỉ thị 15 trong đó có nêu rõ những quy định thực hiện nếp sống văn hoá trong việc tổ chức tang lễ. Thời gian đầu các địa phương, đơn vị làm rất tốt, đã loại trừ nhiều hủ tục, tiết kiệm tiền của trong nhân dân. Tuy vậy, thời gian gần đây việc thực hiện chỉ thị này bị buông lỏng nên mới nảy sinh nhiều biến tướng của việc tang ma như đã thấy.
Tôi hỏi: “Ai là người có tiền để tổ chức những đám tang ma đình đám tốn kém hàng trăm triệu đồng?”, ông Lê Khắc Nam không ngần ngại: “Chắc chắn đó không phải là nông dân hay công nhân với mức thu nhập chỉ vài triệu đồng một tháng mà chủ yếu là cán bộ, đảng viên và lãnh đạo doanh nghiệp, tóm lại là những người có quyền, có tiền...”.
Một đề án quy định về mô hình tổ chức nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội đang được UBND TP. Hải Phòng manh nha, đề xuất để HĐND TP thông qua, ban hành nghị quyết.
Tang lễ tưởng như chỉ là việc của một nhà, nhưng những biến tướng của dịch vụ tang ma đi ngược thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tới cả cộng đồng khiến nó trở thành việc lớn, gây “đau đầu” của cả TP. Nhưng chỉ ra Nghị quyết chung chung không thôi thì vẫn chưa đủ.
Nói như ông Lê Khắc Nam: “Để chấn chỉnh tình trạng những cán bộ đảng viên cố tình tổ chức đám tang phô trương lãng phí, ngoài việc tuyên truyền, vận động phải có hình thức kỷ luật nghiêm minh”.
Áp lực từ gia đình. Ông H - một cán bộ cấp sở ở Hải Phòng - sau khi tổ chức “đám ma to” cho bố vợ đã bị cấp trên nhắc nhở. Ông thanh minh với tôi: “Khổ lắm, gia đình bên vợ cứ lời ra, tiếng vào bảo rằng cả họ mới có anh làm to. Nay bố vợ anh mất chẳng lẽ lại cứ làm èo uột như gia đình nông dân. Thế là tôi chặc lưỡi nghe theo, đám ma hết hơn trăm triệu. Còn mấy trăm vòng hoa phúng viếng thì đó là thông lệ mà. Ở Hải Phòng, tứ thân phụ mẫu của lãnh đạo một đơn vị qua đời, các đơn vị khác đều có vòng hoa phúng viếng. Đơn vị tôi đi phúng viếng nhiều đám tang nên nay bố vợ tôi mất, họ phúng viếng lại là chuyện thường tình”. (P.V.H) |
Theo Laodong