Đó là những câu hỏi “khó đỡ” dành cho các chuyên gia khi tư vấn giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh một số trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội.
Tại buổi tư vấn cho học trò bậc THCS ở Mỹ Đình, các chuyên gia đã dành một khoảng thời gian khá lâu để giải thích những thắc mắc của các em học sinh về những vấn đề tế nhị ở lứa tuổi vị thành niên. Trái với tâm lý e thẹn, rụt rè, phần lớn các em đều hào hứng, thích thú với những vấn đề “tế nhị” mà các chuyên gia giảng dạy.
Tại buổi giao lưu, các chuyên gia đã nhận được nhiều câu hỏi “ngô nghê” nhưng hết sức thú vị của các em về giới tính và sức khỏe sinh sản. Nhiều câu hỏi khiến cả các chuyên gia… “ngã ngửa” và phải chọn câu trả lời phù hợp với độ tuổi, tâm lý của các em.
Nhiều câu hỏi của học sinh cấp 2 về giới tính khiến các chuyên gia... "ngã ngửa". |
Một em học sinh nam lớp 7 hỏi: “Con thưa cô, thuốc tránh thai chỉ bạn gái uống, hay bạn trai cũng phải uống. Uống thuốc tránh thai chỉ có tác dụng ngay lúc uống hay uống một lần sẽ có tác dụng mãi mãi?”.
Trả lời câu hỏi này, cô Nguyễn Thị Giáng Hương – điều dưỡng trưởng phòng khám đa khoa V-Hope, người từng có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn giới tính cho thanh thiếu niên, nói: “Thuốc tránh thai chỉ dùng cho nữ giới. Có hai loại thuốc tránh thai cơ bản, một loại bạn gái bắt buộc phải uống hàng ngày, theo thời gian và liều lượng khuyến cáo của bác sĩ. Thường thì khi tránh thai bằng loại thuốc này, các bạn gái không được quên uống thuốc trong 3 ngày liên tục.
Loại thứ hai là thuốc tránh thai khẩn cấp. Với loại thuốc này, để có tác dụng, bạn gái phải uống thuốc muộn nhất là 72 giờ sau khi quan hệ tình dục. Nếu quá thời gian này, thuốc sẽ không có tác dụng tránh thai. Trong vòng một chu kỳ kinh nguyệt, bạn gái không được tránh thai bằng thuốc tránh thai khẩn cấp quá 2 lần”.
Cũng liên quan đến biện pháp tránh thai, một nam sinh khác thắc mắc: “Thưa cô, vòng tránh thai là gì và được đặt ở đâu?”.
Trước câu hỏi này, cô Giáng Hương giải thích: “Vòng tránh thai là một vật hỗ trợ tránh thai dùng cho nữ giới. Trước đây, nó được thiết kế có hình dáng giống một chiếc vòng nên được gọi là vòng tránh thai. Vòng tránh thai được được đặt trong ổ tử cung của nữ giới và sẽ ngăn quá trình thụ tinh khi có quan hệ tình dục, từ đó tránh được việc có thai ngoài ý muốn".
Trong quá trình tư vấn cho học sinh, các chuyên gia có nhắc đến cụm từ “quan hệ tình dục bằng miệng”. Một học sinh nam lập tức đặt câu hỏi: “Thưa cố, thế nào là quan hệ bằng miệng?”
Sau giây lát suy nghĩ, cô Giáng Hương giảng giải một cách dễ hiểu: “Khi quan hệ tình dục, nam nữ thường dùng tay kích thích cơ quan sinh dục của nhau để đạt được khoái cảm. Tuy nhiên, thay vì dùng tay, nếu các bạn sử dụng miệng để thực hiện việc này thì đó gọi là quan hệ bằng miệng".
Liên quan đến việc quan hệ bằng miệng, cô Giáng Hương cũng khuyên các em học sinh: Sau này khi bước vào đời sống tình dục, các em cần hạn chế hoặc không nên quan hệ tình dục qua đường miệng. Bởi nếu cơ quan sinh dục không được vệ sinh sách sẽ, quan hệ bằng miệng sẽ khiến các em dễ bị viêm nhiễm tại chỗ. Quan hệ bằng miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh tình dục rất cao.
Cô Nguyễn Thị Giáng Hương phải lựa chọn cách truyền đạt phù hợp với lứa tuổi học trò. |
Trong khi các học sinh nam quan tâm nhiều đến các biện pháp tránh thai thì các bạn nữ lại quan tâm đến những vấn đề như: Thế nào là quan hệ đồng giới? Vì sao lại có quan hệ đồng giới? Quan hệ tình dục lần đầu tiên như thế nào? Tại sao không nên quan hệ tình dục khi còn trẻ tuổi? Trong thời gian hành kinh thì có quan hệ tình dục được không?...
Trên đây chỉ là một số câu hỏi “khó đỡ” mà các em học sinh trường cấp THCS đặt ra đối với các chuyên gia. Đánh giá về buổi giao lưu, tư vấn, cô Giáng Hương cho biết: Những câu hỏi như vậy chứng tỏ các em ít được tiếp xúc với thông tin về vấn đề giới và sức khỏe sinh sản. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường và các đơn vị chức năng tổ chức thường xuyên hơn nữa các buổi giao lưu, tư vấn cho các em.
Về việc, một số bậc phụ huynh cho rằng, giáo dục giới tính cho trẻ em từ những năm cấp THCS là quá sớm. Thậm chí một số bậc phụ huynh còn tránh né, coi việc giáo dục giới cho con em mình là “vẽ đường cho hươu chạy”, cô Giáng Hương nói:
“Trẻ em ngày nay được ăn uống đầy đủ chất, cơ thể phát triển nhanh. Nhiều em đã bước vào tuổi dậy thì khi chỉ mới học lớp 5. Thêm vào đó, một thực tế phải thừa nhận là hiện nay nhiều bạn nữ nạo hút thai khi vẫn đang là học sinh cấp 2. Vậy giáo dục giới tính cho lứa tuổi này là thực sự cần thiết chứ không phải là sớm.
Quan niệm vẽ đường cho hươu chạy là một quan niểm cổ hủ của một số bậc phụ huynh. Chúng ta không vẽ đường thì hươu vẫn cứ chạy. Bởi vậy, chúng ta nên vẽ một con đường đúng đắn để hươu chạy còn hơn là để hươu chạy lung tung, rồi sau đó chúng ta lại phải chạy theo hươu để giải quyết hậu quả".
Cô Giáng Hương cũng khuyên các em học sinh không nên có quan hệ tình dục trước 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam. Bởi trong gian đoạn này, các em chưa phát triển toàn diện về cơ thể cũng như tâm lý. Nếu có QHTD sẽ dễ bị tổn thương cơ quan sinh dục. Thêm vào đó, QHTD còn tác động lớn đến tâm lý, làm ảnh hưởng tới việc học tập hiện tại và tương lai, hạnh phúc về sau…
Theo Nguoiduatin