Tên lửa đẩy VEGA mang theo 3 “hành khách” là các vệ tinh Proba-V (Bỉ), VNREDSat-1 (Việt Nam) và ESTCube-1 (Estonia).
Mục tiêu của VNREDSat-1 - vệ tinh viễn thám đầu tiên và cũng là vệ tinh thứ tư của Việt Nam - là chụp ảnh vệ tinh lãnh thổ Việt Nam phục vụ nhu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng khi từ trước đến nay, Việt Nam chỉ có thể mua ảnh vệ tinh của nước ngoài với giá thành rất đắt và thường phải chờ đợi 1-2 tháng sau mới nhận được ảnh vệ tinh.
Mô hình vệ tinh VNREDSat-1. Ảnh: TTXVN |
Vệ tinh VNREDSat-1 tại Trung tâm thử nghiệm của sân bay vũ trụ Kourou, Guyana thuộc Pháp trước khi được lắp đặt vào khoang chở hàng trên tên lửa đẩy VEGA (Ảnh: Ban quản lý dự án vệ tinh nhỏ - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cung cấp) |
Theo đó, tên lửa Vega sẽ “giải phóng” các vệ tinh theo quỹ đạo quay cùng chiều với mặt trời, trong đó, Proba-V sẽ hoạt động ở quỹ đạo 820km còn VNREDSat-1 và ESTCube-1 dự kiến hoạt động ở độ cao 665km.
Theo kế hoạch, tên lửa đẩy Vega sẽ mất 2 giờ và 48 giây kể từ khi được khởi động tại bãi phóng để lần lượt đưa ba vệ tinh nêu trên vào quỹ đạo.
Vệ tinh VNREDSat-1 nặng 115 kg của Việt Nam sẽ rời tên lửa đẩy sau khi cất cánh một giờ, 57 phút và 24 giây. Sau đó, VNREDSat-1 sẽ tự di chuyển đến quỹ đạo đã định để đi vào hoạt động.
Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt Trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và bốn kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là ba ngày. Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680 km. Độ phân giải mặt đất là 2,5 m (PAN) và 10 m (MS). Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.
Theo Tuoitre