Lời kể người may mắn sống sót sau vụ 11/9 và sóng thần 2004

Thứ năm, 04/12/2014, 07:15
Một người Mỹ liên tục thoát chết trong gang tấc trước những bi kịch chấn động như khủng bố 11/9, đánh bom đẫm máu ở các hộp đêm tại Bali năm 2002, và sóng thần Ấn Độ Dương 2004.
Mark Weingard, người 3 lần suýt chết trong những thảm kịch kinh hoàng nhất lịch sử. Ảnh: Independent

Mark Weingard, người ba lần suýt chết trong những thảm kịch kinh hoàng nhất lịch sử. Ảnh: Independent

Khi Mark Weingard lên 10 tuổi, bố của anh, một tài xế taxi ở Manchester (Anh) qua đời trong một vụ tai nạn giao thông trước khi ông ăn mừng sinh nhật 36 tuổi. Bị ám ảnh vì cái chết của bố, Mark tin rằng anh cũng không sống lâu hơn 36 năm. "Bố tôi, chị của bố và bà nội đều qua đời khi còn rất trẻ. Ông nội tôi phải chứng kiến người vợ đầu tiên và cả hai con mình lần lượt ra đi trước ông. Đó dường như là số phận của gia đình tôi", Mark nói trên Bloomberg.

Do vậy, phương châm sống của Mark là cố gắng dành hết thời gian để đạt được những mục tiêu mong muốn. "Chúng ta chỉ sống trên đời một lần, chúng ta phải sống thật có ích, không chỉ cho bản thân mình mà còn vì những người xung quanh", Mark nói.

Thoát chết nhờ trễ hẹn

Năm 1998, Mark rời ngành ngân hàng để mở một công ty riêng về Internet, sau đó sáng lập công ty môi giới trong lĩnh vực điện tử. Tháng 9/2001, anh đến Manhattan, New York, để trình bày sản phẩm của mình trước công ty đầu tư Fuji Capital Markets. Lúc này Mark đã 35 tuổi và tin rằng mình không còn sống được lâu.

Suốt cả ngày 10/9, Mark bù đầu giải quyết tất cả những giao dịch và tài liệu liên quan đến tận khuya. Sáng hôm sau, ngày 11/9, anh phải gọi điện tới văn phòng Fuji Capital ở tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới để xin đến chậm so với lịch hẹn. Đầu dây bên kia bất ngờ hét lớn: "Đừng đến đây, một chiếc máy bay vừa đâm vào tòa nhà".

Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công khủng bố trong ngày 11/9, nơi Mark lẽ ra đã có mặt nếu anh đến hẹn đúng giờ. Ảnh: Reuters

Tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới bị tấn công khủng bố trong ngày 11/9, nơi Mark lẽ ra đã có mặt nếu anh đến hẹn đúng giờ. Ảnh: AFP

Vài phút sau, phi cơ thứ hai đâm vào ngọn tháp còn lại và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, trong đó có nhân viên của Fuji Capital. "Nếu tôi đến đúng giờ với cuộc hẹn thì tôi đã là người quá cố từ lâu", Mark nhớ lại. Do vậy, anh quyết định dành lợi nhuận từ những giao dịch tài chính trong những ngày sau vụ khủng bố để quyên góp từ thiện. Điều kỳ lạ tiếp đến là lợi nhuận của anh liên tục tăng sau lần quyên góp.

Sống sót vì cãi nhau với bạn gái

Mark chuyển đến Bangkok, Thái Lan, sống cùng vợ chưa cưới, Annika Linden, từ năm 1999. Họ đã mua "một căn nhà cổ tuyệt đẹp" bên bờ sông tại huyện Sai Ma, tỉnh Nonthaburi, theo báo Bangkok Post.

Năm 2002, cặp đôi quyết định du lịch ở đảo Bali, Indonesia. Vài ngày trước khi kỳ nghỉ bắt đầu vào tháng 10/2002, Mark và Annika xảy ra tranh cãi gay gắt đến nỗi Annika lên máy bay sang Bali một mình.

Đêm 12/10/2002, nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan, Jemaah Islamiyah, tổ chức đánh bom ở những hộp đêm đông khách du lịch trên Bali. Annika là một trong số hơn 200 người chết trong vụ tấn công.

Vì cãi nhau với người yêu nên Mark không đến đảo Bali vào phút chót, tránh được những vụ đánh bom đẫm máu ở các hộp đêm. Ảnh: Globalsecurity

Vì cãi nhau với người yêu nên Mark không đến đảo Bali vào phút chót, thoát được những vụ đánh bom đẫm máu ở các hộp đêm. Ảnh: Globalsecurity

Khi hay tin về thảm kịch, Mark vội vã bay đến Bali. Anh mở từng bao lớn đựng thi thể nhưng không thể tìm thấy Annika. Phải mất một thời gian dài sau đó Mark mới được trao trả thi thể của Annika. Năm 2002, Mark 36 tuổi và anh thoát chết lần thứ hai.

Để tưởng nhớ người yêu, Mark thành lập một quỹ từ thiện mang tên cô và đặt trụ sở ở Bali. Quỹ chuyên giúp đỡ con em của những người thiệt mạng trong vụ đánh bom và nâng cao tri thức cho những hộ dân sống ở những vùng nông thôn các nước Đông Nam Á.

Sống sót giữa những ngọn sóng dữ

Tháng 12/2004, Mark có chuyến công tác kết hợp nghỉ ngơi tại tỉnh Phangnga ở miền Nam Thái Lan. Anh nghỉ tại căn nhà ở ven biển Natai cùng 17 người bạn và con cái của họ. Ngày 26/12/2004, Mark thức giấc khi nghe thấy rất nhiều âm thanh ồn ào bên ngoài cùng tiếng la hét của người dân.

"Âm thanh của biển nghe gần và to hơn vào ngày hôm đó. Bước đến cửa sổ, tôi trông thấy những ngọn sóng cuồn cuộn đổ vào bờ", Mark nhớ lại. Anh và tất cả gia đình bạn bè đều trèo lên mái nhà. Do ngôi nhà ở vị trí khá cao nên nước biển không thể "nuốt" trọn.

Khu dân cư ven biển nam Thái Lan hoang tàn sau sóng thần năm 2004. Ảnh: Reuters

Khu dân cư ven biển Nam Thái Lan hoang tàn sau trận đại sóng thần năm 2004. Ảnh: Reuters

Nước biển rút dần để lộ ra khu vực từng sôi động bỗng chốc trở nên hoang tàn. Ít nhất 5.000 người ở Thái Lan thiệt mạng trong đợt sóng thần. Tuy lần này Mark đối mặt trực tiếp với hiểm nguy vì vây quanh anh là những ngọn sóng dữ, nhưng cũng là lần thứ ba anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần một cách kỳ diệu.

Cảm thấy may mắn sau những lần suýt chết, Mark quyết định đẩy mạnh hoạt động từ thiện như để trả ơn. Trong thập kỷ qua, các công ty mà Mark đầu tư đã quyên góp hơn 10 triệu USD. Anh cũng xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp ngay trên nền ngôi nhà ở Phangnga đã giúp anh sống sót qua trận sóng thần. Đi vào hoạt động từ cuối năm 2013, khu nghỉ dưỡng dành 10% doanh thu (không phải lợi nhuận) hàng năm cho các hoạt động từ thiện, tổng số tiền ước tính khoảng 800.000 USD/năm.

"Tôi đã được cứu mạng nhiều lần. Tôi tin rằng mình có nghĩa vụ phải giúp đỡ lại những người khác", Mark nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích