>>Thị trường sách ôn thi, tuyển sinh 2012: Tràn lan sách dỏm
>>Tuyển sinh đào tạo thạc sĩ luật bằng tiếng Pháp
>>141 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh năm 2012
Đó là nhận định của một giáo viên đã có hơn 15 năm kinh nghiệm ở các lò luyện nổi tiếng trên địa bàn TPHCM.
Đủ kiểu “lò”, đủ mức học phí!
Hầu như đến lò luyện thi nào, người học (hoặc người đi tìm hiểu đăng ký học) cũng sẽ được giới thiệu rất đa dạng các hình thức lớp học. Theo đó, những lớp học này sẽ khác nhau từ chất lượng cơ sở vật chất, sĩ số học viên (HV) đến trình độ giảng viên. Có những lớp cả trăm học viên phải chen lấn nhau, phải đi học sớm cả nửa tiếng để “xí chỗ”, đến loại lớp khống chế số học viên hơn 40 - 50 người và lớp học cũng thoáng đãng hơn. Cao cấp hơn nữa, lớp chỉ 10 - 15 HV hoặc những lớp được liệt vào hàng VIP thì số HV chỉ vỏn vẹn 5 người. Ở những lớp học cao cấp, phòng học được trang bị máy lạnh, máy vi tính được sử dụng Wifi 24/7 và giáo viên giảng dạy đều là những người uy tín...
Nếu mùa tuyển sinh 2011, mức học phí vùn vụt tăng khiến nhiều HV đã “chóng mặt” như ở lò T.H.T, lớp luyện thi đặc biệt (40 HV/lớp có máy lạnh) học phí xấp xỉ 6,8 triệu đồng/khóa 3 tháng (cho mỗi khối) thì năm 2012 cũng “nhích” lên hơn 10%, với mức 7- 8 triệu đồng trọn gói khóa 3 tháng. Qua tìm hiểu “lò” C.V.A được giới thiệu: Học phí tính trọn khóa và theo từng môn, với lớp chất lượng cao (40 HV/lớp) mức 1,4 triệu đồng còn lớp đặc biệt (30 HV/lớp) giá 1,8 triệu đồng(!).
Cao nhất, có lẽ là mức học phí của lò GSTP, mỗi tuần chỉ học 2 buổi/môn và mỗi buổi chỉ 1h30 phút nhưng giá lên đến 900 ngàn đồng/tháng... Nếu “hầu bao” của người học không đủ “rủng rỉnh” để tham gia các lớp “chất lượng cao” thì đành phải chấp nhận tình trạng chen chân tại các lò. Ghi nhận thực tế tại những lò khá nổi tiếng như V.V thì vào thời điểm cao điểm luyện thi, tình trạng từ 150 - 200 HV phải chen chúc nhau trong một giảng đường cũng vẫn đang tồn tại... Và “cái được” của lò này là mức học phí chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/khóa.
101 chiêu “câu” học viên
Đánh thẳng vào tâm lý thi phải đậu của hầu hết các sĩ tử, các trung tâm còn đua nhau giới thiệu về “bề dày kinh nghiệm và tên tuổi” cùng hiệu quả “luyện gà” của giảng viên tại lò. Không ít nhân viên của các trung tâm nói “như đinh đóng cột”, rằng đảm bảo tỉ lệ đậu ĐH từ 80 - 90% (lò T.H.T) hay lò V.V thì cẩn trọng hơn với kết quả 60% đậu ĐH và 90% đậu CĐ.
Bên cạnh những chiêu quảng cáo về chất lượng đào tạo, do thực tế hiện nay tỉ lệ HV tham gia học ở các lò đại trà hầu hết là dân tỉnh, thành lân cận tìm đến, nên để thu hút HV, các lò đều sẵn sàng “bao sân” bằng những hình thức như cung cấp chỗ ăn, ở với chất lượng cao... Những kiểu câu HV như đã nêu thì còn có thể chấp nhận được, song trong thực tế, có lò “bí chiêu” đã tung ra những chương trình khuyến mãi kiểu “độc nhất vô nhị” không đậu sẽ dạy miễn phí cho đến... khi đậu(!?).
Khi nhìn nhận về thực trạng luyện thi tại các lò đại trà hiện nay, TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo Đại học KHXHNV TP.Hồ Chí Minh - cho rằng: Các lớp luyện thi cũng có một số tác dụng nhất định khi ở đó giảng viên có thể hệ thống lại những kiến thức cho HV, đưa ra một số phương pháp học, giải bài nhanh, hiệu quả... Tuy nhiên, nếu sĩ số HV quá đông thì khó lòng giảng viên có thể bao quát hết để có thể chỉ tường tận cho từng trường hợp. Riêng chiêu quảng cáo “bao đậu” hoặc tỉ lệ “đậu 80 - 90%” suy cho cùng đó đúng là “chiêu” của các nhà kinh doanh dịch vụ này. Những kiểu câu khách như vậy thì HV nên cảnh giác...
Theo Lao động