Nguyên Thứ trưởng bàn chuyện phụ huynh đạp đổ cổng Trường Thực nghiệm

Thứ hai, 14/05/2012, 06:54
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: "Việc chạy trường, chen lấn, xô đẩy cũng là bình thường khi phụ huynh đều mong những điếu tốt nhất cho con cái".


>> Hà Nội: Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1

>> Hà Nội: Bảo kê quán karaoke cưỡng hiếp tiếp viên 13 tuổi
>> Hà Nam: Clip học sinh đánh nhau như giang hồ
>> TP.HCM: Đi xe đạp lọt kênh chết đuối


Mấy ngày qua dư luận lại được một phen "choáng váng" khi xem những hình ảnh hàng trăm phụ huynh chen chúc xếp hàng từ nửa đêm đợi xin học cho con tại Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội. Những chuyên gia giáo dục hàng đầu cũng không khỏi băn khoăn về hiện tượng này. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh câu chuyện chạy trường cho con.
 
Thưa PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, là một người đã nhiều năm làm việc trong môi trường giáo dục, ông nghĩ sao về hiện tượng cha mẹ mang chiếu võng đến ngủ tại cổng trường từ đêm để xin học cho con?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ


PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi thấy đây là một hiện tượng bình thường mà cũng không bình thường. Bình thường ở chỗ, bậc cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Chính vì thế, chọn một trường có thầy tốt, môi trường tốt cho các con cũng là điều bình thường và hết sức dễ hiểu.

Không bình thường chính là mong muốn chính đáng đó của người dân lại chưa được đáp ứng. Chất lượng giáo dục của các trường không được đồng đều, nói chung là chưa thực sự cao. Chính vì trong cả một hệ thống hơn 35.000 trường học lại chỉ có một ít trường danh tiếng thì tất nhiên là các bậc phụ huynh phải chọn những trường tốt cho con em của họ nên mới xảy ra tình trạng chen lấn như ở Trường Thực nghiệm vừa rồi.

Trường Thực nghiệm này không phải là mới thành lập, không phải danh tiếng hão huyền, mà nó đã có được mấy chục năm nay, nên chất lượng chắc hẳn cũng được các bậc cha mẹ khẳng định phần nào. Những trường hay như vậy mà vẫn không hề được nhân rộng ra cả hệ thống chính là một điều không bình thường nữa. 
 
Theo ông, nếu đưa bất kì đứa trẻ nào vào trong ngôi trường danh tiếng thì liệu rằng đứa trẻ đó có thực sự phát triển toàn diện hay không, liệu rằng các em có tự kiêu rằng mình được học trường nổi tiếng?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi kể một câu chuyện này: Ngày xưa, cả liên khu 5 chỉ có một ngôi trường cấp 3 nên khi ai được vào học ở toàn là đứng nhất nhì của các lớp cuối cấp 2. Các em được vào học ở đây đều rất tự hào, tự kiêu về ngôi trường của mình. Nhưng ông thầy đã cho một bài tập rất khó cuối cùng cả lớp chỉ được 2, 3 điểm. Từ đó các em đều phải tập trung vào học tập. Do đó trường cần phải biết cách giáo dục đạo đức cho học sinh. 
 
Nếu như nhà trường không nghiêm túc giáo dục cho các em, khiến các em trở nên kiêu căng thì cũng khó tránh khỏi trở thành người hư hỏng.

Còn nếu một đứa trẻ được lớn lên trong một ngôi trường tốt thì chắc hẳn em sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mình một cách toàn diện hơn.

Thức trắng đêm, chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ cho con vào Trường Thực Nghiệm

Theo ông, môi trường sư phạm tốt cần phải chú trọng đào tạo về kiến thức hay về đạo đức cho học sinh?
 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, môi trường giáo dục tốt cần phải thực hiện theo câu nói từ xa xưa rằng: “Tiên học lễ hậu học văn”, cũng như Bác Hồ đã nói một người giỏi về kiến thức nhưng không có đạo đức thì cũng là người bỏ đi. Vì vậy, nhà trường cần phải dạy cho học sinh biết đạo đức, biết cách ứng nhân xử thế đó là điều quan trọng trước tiên. Với nền tảng đạo đức và suy nghĩ một cách đúng đắn, tích cực, chắc chắn học sinh sẽ biết cách học tốt nhất.
 
Bên cạnh đó, cần thay đổi phương pháp dạy giảng bài, giúp cho học sinh biết học một cách khoa học. Với sự phát triển khoa học như hiện nay thì khi biết cách học các em sẽ tự học suốt đời để trở thành những người có ích cho xã hội.
 
Từ việc chạy trường lớp, ông nghĩ sao về chương trình học hiện nay của học sinh cấp 1?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi rất không tán thành việc đi chạy trường, chạy điểm, đi đút lót. Việc đó không tốt cho nền giáo dục hiện nay cũng như cho xã hội. Thực tế là do chúng ta chưa hình thành được hệ thống giáo dục một cách hoàn chỉnh, xây dựng được những trường tốt nên xảy ra hiện tượng chạy trường, chạy điểm. Như vậy chính sự chưa hoàn thiện của hệ thống giáo dục, chất lượng giáo dục chưa đồng đều cũng là những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.
 
Hiện nay, chương trình quá nặng, quá nhiều, cách dạy không khoa học. Ngày xưa, chúng tôi vừa học, vừa có thời gian chơi, nhưng nay học sinh bị nhồi nhét học quá nhiều, chưa cần thiết cho các em. Vì vậy cần phải cải cách chương trình học, và cách giảng dạy để có thể giáo dục cho học sinh một cách tốt nhất.
 
Trở lại với câu chuyện thức đêm mua hồ sơ cho con vào hai ngày cuối tuần vừa qua tại Trường Thực nghiệm, vẫn có những phụ huynh lo lắng con học học ở trường này sẽ không được trang bị đủ kiến thức văn hóa để có thể thi tốt vào các trường THPT hay đỗ vào các trường ĐH hàng đầu. Theo ông, liệu có phải cách kiểm tra đánh giá bằng kiến thức trong sách giáo khoa đã không còn phù hợp? 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi cho rằng, chất lượng học sinh không đơn thuần là kiến thức văn hóa mà chính là đạo đức, phương pháp học tập rất cần thiết. Nhưng hiện nay nền giáo dục lại quá chú trọng đến kiến thức văn hóa. Vì vậy cần cải tổ việc thi cử hiện nay để có thể đánh giá được về cả nhân cách, hiểu biết vốn sống cũng như kiến thức văn hóa của học trò.

Đồng thời tôi thấy hiện nay chương trình đào tạo học sinh các lớp càng nhỏ lại càng nặng nề, quá tải, chạy theo thành tích, khiến các em phải gánh chịu áp lực nặng nề và quên đi mất tuổi thơ của mình.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!


Theo Giaoduc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn