"Đồ Sơn vẫn là điểm nóng về mại dâm"

Thứ bảy, 15/06/2013, 09:18
"Tôi đã công tác ở Cục này lâu năm nên biết rằng Quất Lâm thì mới có dịch vụ mại dâm nhưng Đồ Sơn đã nổi tiếng từ lâu", Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho biết.

mại dâm Đồ Sơn

mại dâm Đồ Sơn

- Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, cho biết Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định) nhưng kết quả báo cáo của hai địa phương đều khẳng định không phát hiện có mại dâm, ông bình luận gì về điều này?

- Qua báo cáo của địa phương thì thấy rằng họ còn lảng tránh vấn đề. Mại dâm tại hai điểm du lịch này đã được phản ánh rất nhiều và thậm chí khách du lịch nước ngoài còn biết Đồ Sơn có mại dâm.

Tôi đã công tác ở Cục này lâu năm nên biết rằng Quất Lâm thì mới xuất hiện dịch vụ mại dâm nhưng Đồ Sơn đã "nổi tiếng" từ lâu.

Tuy nhiên, vấn đề phòng chống mại dâm là của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ chỉ đạo chung và kiểm tra, đôn đốc. Chính phủ không thể đưa cảnh sát hình sự hay cán bộ xã hội xuống nằm vùng được.

Qua báo chí và thực tiễn, tôi cho rằng Đồ Sơn vẫn là điểm nóng về hoạt động mại dâm. Nó đã tồn tại rất nhiều năm. Chính phủ, Bộ, Cục đã chỉ đạo mạnh mẽ, truy quét, triệt phá, loại bỏ hoạt động mại dâm.

- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân có sự khác nhau giữa thực tiễn và báo cáo ở hai địa phương này?

- Có nhiều lý do như chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống mại dâm ở đây. Thứ hai, có thể chính quyền bất lực trước hoạt động mại dâm hoặc ở khía cạnh nào đấy làm ngơ cho mại dâm. Có thể chính quyền chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế ở khu du lịch, chưa thật quan tâm đến các vấn đề văn hóa xã hội.

Vấn đề này cũng có thể xuất phát từ nhận thức, nghĩ rằng mại dâm có từ lâu đời, một bộ phận có nhu cầu mua dâm chính đáng, nếu không có thì tăng hiếp dâm trẻ em, bóc lột tình dục, hoặc trông chờ nhà nước đến lúc nào đó hợp thức hóa mại dâm...

- Theo ông, cái lợi của hợp thức hóa mại dâm là gì?

- Việc hợp thức hóa không đem lại lợi lộc gì so với không hợp thức, có chăng là quản lý được một bộ phận gái bán dâm nhưng giúp đỡ cũng chỉ được một phần, và chưa chắc các cô đã không bị bóc lột. Tôi khẳng định hợp thức hóa mại dâm rất có hại.

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội có trách nhiệm giúp Bộ để giúp Chính phủ kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống mại dâm ở các địa phương qua hệ thống nguyên tắc quản lý nhà nước.

Chúng tôi yêu cầu địa phương thực hiện nghiêm túc chương trình hành động, cử các đoàn đi nắm tình hình trực tiếp, khi báo chí đăng tin về điểm nóng bức xúc thì Cục có công văn gửi ngành lao động xã hội của địa phương đó kiểm tra, báo cáo về Cục, Bộ, Chính phủ...

- Có giả thuyết rằng hai địa phương để hoạt động mại dâm nhằm thu hút khách du lịch, từ đó chính quyền sẽ có lợi, ông nghĩ thế nào?

- Thực ra, Cục đã nhiều lần có ý kiến cụ thể về vấn đề này. Đừng tưởng rằng phát triển hoạt động mại dâm mà thu hút được nhiều khách du lịch.

Việc này có thể thu hút được một bộ phận khách du lịch, ở một thời điểm nào đó, nhưng về lâu dài thì không ổn bởi hiện nay người ta đi du lịch xanh, sạch, đẹp, đến khu mang tính văn hóa, văn minh, sạch sẽ, giải trí lành mạnh.

Những cái đó mới là du lịch bền vững, có doanh thu. Đã có nhiều mô hình trong và ngoài nước làm rất tốt. Nơi du lịch đầy rẫy tệ nạn xã hội chỉ là dạng “ăn xổi ở thì”, không chấp nhận được và không thể tồn tại lâu.

- Ai sẽ chịu trách nhiệm khi có sự bao che, làm lơ cho hoạt động mại dâm, thưa ông?

- Về cơ bản trách nhiệm là ở địa phương, cấp ủy đảng và chính quyền vì phòng chống mại dâm đã thành nghị quyết, chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Chính phủ không dung túng và lơi là.

Nếu báo cáo không đúng sự thật tức là không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị kiểm điểm về thi đua, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ hàng năm. Nếu phát hiện ra cán bộ có lợi ích nhóm, bao che, dung túng, bảo kê thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Báo cáo của Cục có được là từ ngành lao động thương binh và xã hội, hoặc lấy số liệu từ ngành công an. Trên thực tế, việc xác định có bao nhiêu người bán dâm, bắt quả tang lúc họ đang hoạt động mua bán cũng không phải dễ dàng.

mại dâm Đồ Sơn
Một góc phố "đèn đỏ" Đồ Sơn. Ảnh: Người lao động.

- Vậy có biện pháp gì để xóa bỏ hoạt động mại dâm ở hai địa phương Đồ Sơn và Quất Lâm?

- Những vấn đề to lớn như xây dựng và bảo vệ tổ quốc, dẹp thù trong giặc ngoài dân tộc ta còn làm được chứ một, hai điểm bức xúc về mại dâm sao chúng ta không làm được?

Muốn làm được phải thống nhất cao về quan điểm phòng chống mại dâm trên cơ sở chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chính quyền phải ra tay mạnh mẽ, thực hiện tổng hợp các biện pháp về tuyên truyền giáo dục, vận động, bảo vệ an ninh trật tự, phát triển an sinh xã hội, tạo ngành nghề kinh doanh mới, xây dựng lối sống văn hóa...

Đặc biệt, phải quyết tâm dẹp hết chủ chứa, bảo kê, đồng thời vận động, hỗ trợ gái bán dâm trở về với cộng đồng có cuộc sống ổn định. Hai địa phương này phải nhất quán quan điểm lớn là xây dựng khu du lịch sạch.

Trong buổi tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi tổ chức sáng 13/6, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định), nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định không phát hiện mại dâm hoặc chỉ có vài trường hợp.

Chính quyền thành phố Hải Phòng, các quận đều khẳng định là không có hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn. Ông Dũng cho biết, muốn khẳng định có mại dâm hay không cần phải có chứng cứ. Nhưng quá trình kiểm tra cơ quan chức năng có phát hiện các tiếp viên nhưng họ có hợp đồng lao động với các cơ sở dịch vụ nên rất khó xử lý.

 

Theo VNE

Các tin cũ hơn