Hơn 100 hộ dân khu phố 4, P.12, Q.Bình Thạnh ngày nào cũng mang can, xô chậu đi mua nước dùng cho sinh hoạt. Nơi mua là ở tổ... bên cạnh, vì nơi này đã được cung cấp nước máy. Giá nước được bán 2.500 đồng/20 lít, mỗi hộ dùng từ 60 - 80 lít mỗi ngày, chủ yếu để nấu ăn.
Vì tốn nhiều tiền mua nước nên người dân khoan giếng bơm nước bị... nhiễm phèn để tắm rửa, giặt giũ… Nước bơm lên, đứng xa cũng cảm nhận được mùi tanh. Nhiều gia đình có con bị bệnh do dùng nước nhiễm phèn, quần áo nhuốm vàng, hư hỏng.
Sống ở trung tâm Sài Gòn, nhưng hằng ngày gần 100 hộ dân tổ 16 và 107, P.12, Q.Bình Thành vẫn phải mang can, bình đi mua nước sạch. |
Trung bình mỗi gia đình dùng 60 lít nước/ngày. |
Từ người trẻ đến người già rủ nhau xách can, thùng đi mua nước. Hình ảnh này quá quen thuộc từ hơn 20 năm nay. |
Những năm trước, người dân phải ra tận đầu đường Bùi Đình Túy mua nước, nhưng nay thì đoạn đường đi gần hơn bởi tổ dân phố bên cạnh đã có nước sạch. |
Mặc dù đoạn đường đi mua nước rút ngắn, nhưng nhiều hộ dân lại... bức xúc hơn khi ngay tổ bên cạnh có nước còn mình thì không. |
Ông Nguyễn Trường Xuân, đại diện tổ 106, nói: "Nhiều lần gửi kiến nghị, đơn vị cấp nước cử người xuống xem xét, nhưng rồi đâu lại vào đó". |
Gần 100 hộ dân vẫn phải mua nước máy với giá 2.500 đồng/20 lít. |
Nước sạch được dùng rất tiết kiệm, chủ yếu để nấu nướng. Trong ảnh, chị Huỳnh Thị Tuyết Trinh lấy nước nấu canh. Mỗi ngày nhà chị dùng hết 3 thùng nước loại 20 lít |
Còn gia đình chị Mai Thị Lan thì mua nhiều thùng phi để chứa nước, vì ngoài nấu nướng còn phải làm bánh giò để bán. |
Nước giếng nhiễm phèn nặng, nên chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ. Nhiều trẻ bị mẩn ngứa, quần áo mau hư do dùng nước này. |
Một thùng phi chứa nước vàng ố bên ngoài do phèn bám vào. |
Bao năm qua, mong muốn của các hộ dân giữa quận nội thành là không còn cảnh đi mua nước hàng ngày. Tuy nhiên, để có đồng hồ nước, họ phải đóng số tiền quá sức, nên mong ước vẫn chưa thành hiện thực. |
Theo ông Hà Văn Tiến, tổ trưởng tổ 106, đường ống cung cấp nước máy đã nằm ngay ở hẻm, cách khu này vài chục mét và đã kết nối vào tổ bên. Năm 2010, tổ có làm đơn lên công ty cổ phần cấp nước Gia Định xin lắp đặt đồng hồ nhưng công ty nói do khu vực này là hẻm đất, chưa bê tông hóa nên chưa thể làm đường ống.
Nghe vậy, các hộ dân góp tiền để bê tông hóa đường hẻm cho đơn vị cấp nước lắp đồng hồ. Giữa năm 2011, con hẻm bê tông đã làm xong nhưng đơn vị cấp nước lại cho rằng khu vực đang bị vướng quy hoạch nên... không thể đầu tư hệ thống cấp nước.
Đầu năm 2013, các hộ dân tiếp tục phản ánh thì đơn vị cấp nước muốn người dân và công ty cùng chung tay làm đường ống. Mỗi hộ dân góp khoảng 8 triệu đồng. “Đó là số tiền quá lớn vì ở đây đa phần là lao động nghèo. Tôi thấy nhiều nơi người ta còn đầu tư đồng hồ nước miễn phí cho người dân”, ông Tiến cho biết.
Vì thế, nên người dân từ trẻ con đến người già nơi đây vẫn phải tiếp tục cảnh ngày ngày 2 - 3 lần xách can đi mua nước vào sáng sớm hoặc chiều tà. Chuyện này đã diễn ra hơn 20 năm nay ở giữa một quận nội thành TP.HCM.
Theo Infonet