Nhà điêu khắc kể chuyện bán nhà, cầm đất làm tượng sao Việt

Thứ hai, 23/11/2015, 09:58
Để có tiền nuôi dưỡng đam mê, anh Nguyễn Văn Đông bán 2 căn nhà ở Phú Mỹ Hưng, TP.HCM, 3 miếng đất ở khu mới mở và nhiều mảnh ở Đà Lạt.

Anh Nguyễn Văn Đông và chị Nguyễn Thị Diện là giám đốc công ty Tượng sáp Việt. Họ trở thành những người tiên phong trong dự án làm 100 tượng sáp nghệ sĩ. Dự án không nằm trong chủ trương của đơn vị Nhà nước, chỉ đơn giản làm theo sở thích cá nhân nên họ gặp không ít khó khăn.

Vợ chồng anh Đông (50 tuổi) và chị Diện (40 tuổi).

Tự tìm đường đến nghệ thuật điêu khắc

Năm 2001, anh Nguyễn Văn Đông nhận ra niềm đam mê mãnh liệt dành cho bộ môn điêu khắc. Nhưng các nghệ nhân thường giấu nghề nên anh tự mày mò, tìm tòi để đặt viên gạch đầu tiên cho ước mơ. Vì gia đình khá giả, anh Đông có điều kiện du lịch khắp nơi. Mỗi lần chu du nước bạn, vợ chồng anh đều tìm hiểu công nghệ tượng sáp. Khi thành lập công ty Tượng sáp Việt, hai vợ chồng tự tạc tượng bản thân để lấy kinh nghiệm.

Nhưng rồi anh ấp ủ dự án mới, không đơn thuần là buôn bán cho người giàu. “Tôi nghĩ mình cần làm gì đó có ý nghĩa và to lớn hơn nên ý tưởng tạc 100 tượng sáp nghệ sĩ hình thành. Khi bắt đầu kế hoạch, mọi thứ khó khăn hơn tôi nghĩ. Song vì đam mê, tôi quyết tâm theo đến cùng”, anh Đông bộc bạch.

Hai vợ chồng anh mời những người có kiến thức và hiểu biết về showbiz để đưa ra danh sách 100 nghệ sĩ. Trong số này bao gồm NSND Thanh Tòng, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Hoài Linh, Thành Lộc, Quyền Linh, Lý Hải, Cẩm Tiên, Thúy Nga…

Tượng sáp Hoài Linh hoàn thành 80% công đoạn.

Lý Hải là nghệ sĩ đầu tiên nhận lời. Khi khởi động dự án, anh Đông và chị Diện đều lường trước được khó khăn bởi đây là việc tiên phong, nếu có người nghi ngờ, vợ chồng anh chị cũng không phiền lòng. Nhưng nam ca sĩ Trọn đời bên em nhanh chóng gật đầu đồng ý và còn nhiệt tình giới thiệu các đồng nghiệp. Nhiều nghệ sĩ cũng hồ hởi tham gia, tiếp thêm động lực cho 2 vợ chồng. Vì đã thử nghiệm trước đó nên trong dự án này họ không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì tạc tượng cho nghệ sĩ đòi hỏi sự khắt khe nên 2 vợ chồng khá cẩn trọng. Họ phải làm nhiều lần và sẵn sàng bỏ đi nếu chưa hài lòng với bản mẫu.

“Tôi khá tự tin và không ngại dư luận soi mói. Tôi xác định mình đi sau người ta nên phải làm cho bằng được hoặc hơn”, anh Đông nói chắc nịch.

Kế hoạch tạc tượng sáp 100 nghệ sĩ sẽ sớm hoàn tất vào giữa năm 2016. Vợ chồng anh đang gấp rút xin giấy phép để có buổi triển lãm, ra mắt công chúng sau khi hoàn thành.

Bán nhà, cầm đất đổ vào dự án

Vì dự án được khởi động mà không có bất cứ ai tài trợ nên 2 vợ chồng họ gặp không ít khó khăn. Trước đây, gia đình có tiềm lực về kinh tế nên họ yên tâm theo đuổi đam mê. Nhưng khi vào cuộc, số tiền rót vào ngày càng cao. “Từ khi bắt đầu, tôi phải bán 2 căn nhà ở Phú Mỹ Hưng và cầm 3 miếng đất ở khu vực mới để duy trì công việc. Thậm chí, một số đất đai trên Đà Lạt cũng phải bán đi mới có tiền làm. Trước đây, cả gia đình thường đi du lịch nước ngoài cả tháng. Nhưng giờ 2 vợ chồng cắm mặt ở xưởng từ sáng đến khuya, có nhiều khi không bước ra khỏi cửa”, anh Đông cười nói.

Chị Diện cho biết thêm, 2 vợ chồng có xưởng làm trái cây giả bỏ mối ở chợ Bến Thành và An Đông nên cũng có nguồn thu ổn định. Thỉnh thoảng cũng có người đặt làm tượng sáp nhưng số tiền này “như muối bỏ biển”. “Đôi khi chúng tôi cũng hoang mang nhưng sẵn máu liều nên cứ lao vào cuộc. Hy vọng dự án thành công để vợ chồng ổn định”, chị Diện cười nói. Khi được hỏi về đam mê tốn kém và mạo hiểm của chồng, liệu người vợ có lo sợ về tương lai hay không, chị lại nở nụ cười: “Tôi cũng thích phiêu lưu như anh ấy nên 2 vợ chồng mới đồng tâm hợp lực, góp vốn và bán hết tài sản vào dự án này”.

Anh Đông trăn trở khá nhiều về kế hoạch dài lâu.

“Vì 2 vợ chồng đều mạo hiểm nên tôi mới bảo cô ấy sinh con gái, đừng đẻ con trai. Chờ 2 cô con gái lớn lên, tôi sẽ gả chúng lấy chồng, không phải lo lắng về tài sản để lại”, anh Đông phá lên cười.

Vì nguồn thu chưa có nên vợ chồng anh không trả lương cho những người thợ. Ngoài việc bao ăn và chi 3 triệu cho tiền xăng xe đi lại, anh Đông không thể trả hơn nên số lượng người làm cũng vơi ít nhiều. “Những người theo tôi đều có chung sở thích và làm vì đam mê. Nhưng tôi cũng áy náy vì không đảm bảo cuộc sống cho họ”, anh chia sẻ. Nói đoạn, anh Đông chỉ qua người đàn ông trung niên và bảo, người này vốn có thu nhập ổn định từ công ty nhưng vì quá đam mê nên bỏ việc để trở thành nghệ nhân. Nhưng vì bấp bênh về kinh tế nên anh bị vợ bỏ, và hiện chuyển về xưởng để sống và làm việc.

Theo Zing

Các tin cũ hơn