Kỳ 1: Đi tìm nguyên nhân phát triển thần kỳ của điện ảnh Hàn Quốc

Thứ bảy, 21/11/2015, 10:57
Từ một quốc gia có nền điện ảnh èo uột, Hàn Quốc đã bật dậy thống lĩnh thị trường phim trong nước và xuất khẩu phim sang nhiều quốc gia, không chỉ tại châu Á. Đâu là "bí quyết" cho sự phát triển này?

Sự "vượt rào" của các nhà làm phim trẻ

Cuối những năm thập niên 1980, điện ảnh Hàn Quốc được giới làm phim quốc tế đánh giá cao nhưng vô cùng ảm đạm về mặt doanh thu vì khẩu vị khó xơi. Một năm, số phim ra rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay, khách đến rạp thưa thớt do tư duy làm phim cũ kỹ, xa rời cuộc sống hiện tại.

Cơn ác mộng ập đến với các nhà làm phim Hàn khi chính phủ, vào năm 1988, dưới áp lực của Mỹ, phải loại bỏ đạo luật cho phép các rạp chiếu trong nước chiếu phim nội địa ít nhất 106 ngày trong năm. Người Hàn xem đây là ngày "tang lễ” của điện ảnh khi 98% phim được chiếu tại rạp là phim Mỹ.

Thế nhưng, cũng chính động thái này đã giúp các nhà làm phim và cả chính phủ nhận thấy 2 yếu tố tích cực từ Hollywood: Tính giải trí của một bộ phim và loại bỏ hệ thống phân vùng, có thể gởi phim đi khắp nước.

Trong cái rủi có cái may. "Sự kết hợp của điều kiện thay đổi về xã hội - kinh tế cùng những nhà sản xuất và đạo diễn tham vọng đã giúp xoay chuyển tình thế. Nền tảng cho sự thay đổi đó là nền kinh tế tăng trưởng, chính phủ ngày càng dân chủ, tự do, và toàn bộ những thay đổi đi kèm hai sự kiện ấy.

Khi kinh tế Hàn Quốc phát triển, nói chung, cung cách làm ăn cũng được cải thiện, và cụ thể hơn đối với ngành công nghiệp làm phim, có định chế tài chính tốt hơn. Kết quả là một số người tìm cách áp dụng khả năng tài chính vào ngành điện ảnh. Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng chính khả năng quyên tiền, đem phim đến các rạp hát trên toàn quốc, trả tiền cho chủ nợ đàng hoàng đã hỗ trợ cho toàn bộ tiến trình", Mark Russell, tác giả cuốn Pop goes Korea: Behind the revolution in movies, music and internet culture, từng là phóng viên của Hollywood Reported và Billboard suốt 12 năm tại Seoul, lý giải trên tờ BBC.

Bước ngoặt cho sự phát triển này là chính sách cải tổ điện ảnh toàn diện của chính phủ từ giữa những năm 1990. Phương án tối ưu được lựa chọn là đầu tư vào con người, theo mô hình của điện ảnh Mỹ. Hơn 300 người từ 18 - 25 tuổi và biết tiếng Anh được chính phủ Hàn gởi sang Mỹ đào tạo bằng kinh phí quốc gia. Việc tiếp xúc với tư tưởng mới từ Mỹ và thế giới đã "khai thông" tư tưởng cho các nhà làm phim, thổi luồng gió tươi trẻ vào điện ảnh Hàn dẫu không phải mọi tên tuổi lớn trong công cuộc phục hưng điện ảnh đều đi học từ phương Tây.

Từ năm 1996, điện ảnh Hàn tăng trưởng liên tục về cả doanh thu nội địa và tỷ lệ phần trăm chiếm lĩnh của phim nội. Năm 1999 trở thành cột mốc lịch sử của điện ảnh Hàn với sự ra đời của Shiri (đạo diễn Kang Je Gyu) khi doanh thu phòng vé đạt 60 triệu USD, với 6,5 triệu lượt xem, vượt cả siêu phẩm Titanic 2 năm trước đó với 4,3 triệu lượt xem. Shiri là bộ phim tốn kém nhất thời điểm đó với kinh phí 8,5 triệu USD (phần lớn do Samsung tài trợ).

Shiri trở thành cột mốc lịch sử của điện ảnh Hàn Kỷ lục về lượng khán giả xem phim liên tục bị phá vỡ từng năm khiến nhiều quốc gia phải thèm thuồng, ngưỡng mộ (tăng đều từ 40% doanh thu phim nội địa vào năm 1999 lên 65% vào năm 2006). Bước sang thế kỷ XXI, điện ảnh Hàn "làm mưa làm gió” tại thị trường trong nước với hàng loạt phim vượt mốc 10 triệu lượt xem.

Tuy nhiên, một cách khách quan, Mark Russell cho rằng, sự hỗ trợ của chính phủ chỉ đóng vai trò gián tiếp trong sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc. Ông khẳng định chính sự sốt ruột, tham vọng và sự "bất kính" (chủ động thoát khỏi bảng phân vai, làm việc nhiều năm dưới trướng các đạo diễn thành danh) của các nhà làm phim trẻ đã áp đảo những nhà làm phim cũ và vượt qua sự cản trở của chính phủ. Ví dụ được Mark dùng để minh chứng cho lập luận này là thái độ tích cực của những người tìm cách thiết lập mô hình cụm rạp đầu tiên ở Hàn Quốc. Nhiều nhà đầu tư tiên phong đã làm việc không mệt mỏi với các quan chức để thay đổi hàng loạt quy định về rạp chiếu.

Sự thống lĩnh của các tập đoàn

Theo tờ The Korea Herald, Samsung là tập đoàn đầu tiên nhảy vào thị trường điện ảnh vào năm 1992. Năm năm sau, đối diện với cuộc khủng hoàng tài chính, Samsung rời cuộc chơi. Thế hệ thứ hai được tạo điều kiện bởi CJ, Lotte và Orion, bước vào thị trường thông qua các công ty con tương ứng là CJ Entertainment, Lotte Entertaiment, Showbox-Mediaplex và dần dần thống lĩnh thị trường. Năm 2008, Next Entertainment nổi lên với 2 siêu phẩm "oanh tạc" phòng vé với trên 10 triệu lượt xem là Micrale in cell No.7 và The Attorney.

Hiện tại, 4 công ty này chiếm trên 90% thị phần trong nước. Hai trong số đó không chỉ thâu tóm toàn bộ quá trình đầu tư, sản xuất, quảng bá mà còn điều hành chuỗi tổ hợp rạp chiếu lớn nhất nước là CJ CGV và Lotte Cinema. Sự hợp nhất theo chiều dọc này góp phần cải thiện hiệu suất, lôi kéo nhiều đầu tư vào ngành điện ảnh nội địa và hút một lượng khán giả cực kỳ lớn đến rạp.

Theo DNSG

Các tin cũ hơn