Sáng 23/12, tại TP.HCM, Hội người mẫu Việt Nam tổ chức buổi thảo luận mang chủ đề Người mẫu ở Việt Nam: thực trạng và đề xuất, nhằm mục đích tìm kiếm các giải pháp về đào tạo người mẫu chính quy với các cấp độ khác nhau, xây dựng tiêu chí đạo đức của nghề, đưa hoạt động của người mẫu vào khuôn khổ…
Hội thảo có hai phần: Phát biểu tham luận của 6 diễn giả và trao đổi ý kiến giữa các diễn giả và đại biểu tham dự.
Mở đầu hội thảo, chủ tịch Hội người mẫu Việt Nam - tiến sĩ Nguyễn Quang Minh - nhắc lại vai trò của Hội người mẫu Việt Nam như: Hội có nhiệm vụ định hướng, hướng nghiệp, đào tạo người mẫu; Xây dựng giáo trình đào tạo; Đề nghị nhà nước công nhận lao động người mẫu là một nghề; Tổ chức các sự kiện văn hoá,...
Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh. |
Người mẫu thuộc nhóm nghề nhạy cảm
Sau đó, tiến sĩ Nguyễn Quang Minh nêu một số tồn đọng mà Hội người mẫu Việt Nam chưa thực hiện tốt, đó là: Hội chưa phối hợp được với các đơn vị liên quan để hoàn hiện giáo trình nghề người mẫu; Chưa xây dựng được tiêu chí nghề nghiệp, trong đó có quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; Chưa xúc tiến được việc hợp tác với các hoạt động nước ngoài nhằm học tập, đẩy mạnh hoạt động trong nước.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại thực trạng không vui – hay nói chính xác là tiêu cực, xảy ra dai dẳng trong quá trình hình nghề người mẫu: Có những người mẫu thiếu tu dưỡng và thiếu bản lĩnh bị lôi cuốn vào các hoạt động vi phạm pháp luật như mại dâm và tổ chức mại dâm.
Đồng quan điểm, Trưởng khoa Đô thị học và Quản lý đô thị Đại học KHXHNV - phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà - nhắc lại quan điểm: Nghề người mẫu thuộc nhóm nghề “nhạy cảm”. Tuy nhiên, theo ông: “Thực ra nghề nào cũng có tiêu cực, kể cả nghề được coi là “phụ mẫu” là nghề làm quan. Cái chính là làm sao tạo ra một không gian hoạt động nghề nghiệp, hành lang pháp lý để giảm thiểu các tiêu cực, quan điểm cái gì không quản được thì cấm hay hạn chế đã lạc hậu trong thế giới phẳng như hiện nay”.
Người mẫu Lan Khuê và Ngọc Tình tham gia hội thảo. Ngọc Tình nằm trong ban chấp hành Hội người mẫu Việt Nam. |
Giáo trình tào đạo người mẫu cần đưa vào chính quy
Phó giáo sư, tiến sĩ - nhà giáo ưu tú Phan Thị Bích Hà - quan tâm đến vấn đề tào tạo người mẫu tại Việt Nam. Bà đưa ra vấn đề thảo luận quanh việc dạy nghề: “Hiện nay ở nước ta có một số trung tâm tư nhân, các nhà Văn hóa đào tạo người mẫu để cung cấp nguồn nhân lực cho các thương hiệu và các chương trình biểu diễn thời trang. Tuy nhiên hiện chưa có các cơ sở công lập đào tạo người mẫu chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong các trường Nghệ thuật công lập ở nước ta hiện nay chưa có Khoa Người mẫu đào tạo chính quy. Việc đào tạo người mẫu một cách bài bản, chuyên nghiệp yêu cầu mở Khoa đào tạo thêm về nguồn nhân lực".
Trưởng phòng Lao động - Tiền lương sở LĐTB & Xã hội TP.HCM - Thạc sĩ Nguyễn Tất Nam - cho rằng, cần thiết phải quan tâm tổ chức đào tạo nghề người mẫu để trở thành một nghề nằm trong danh mục giáo dục nghề nghiệp từ trình độ sơ cấp đến trung cấp. Người học phải tuân thủ việc học tập theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo ông Tất Nam, trên thực tế có nhiều cơ sở dạy nghề người mẫu đã không thực hiện việc đăng ký dạy nghề theo quy định, mặt khác các chương trình riêng rẽ, thiếu thống nhất dẫn đến mỗi nơi sẽ dạy khác nhau, không đánh giá được năng lực và trình độ đào tạo cũng như chất lượng học của người sẽ làm người mẫu. Do đó, Hội người mẫu cần phải làm bà đỡ cho các cơ sở dạy nghề người mẫu qua việc hình thành Bộ phận đào tạo của Hội.
Thạc sĩ nhắc lại, nội dung của bộ quy tắc phải nêu rõ trách nhiệm, tiêu chí đạo đức của người mẫu với những phẩm chất cơ bản như: Trung thực, chân thành, không lạm dụng, lợi dụng khách hàng, mối quan hệ với đồng nghiệp; phát triển chuyên môn và bảo vệ uy tín nghề nghiệp trước xã hội; đồng thời xác định những hành vi cụ thể người mẫu không được làm.
Hội sẽ có Bộ phận kiểm tra đạo đức để giám sát, kiểm tra đối với hội viên hay người mẫu hành nghề. Tiếng nói của Hội trong những trường hợp hội viên hay người hành nghề có tai tiếng hoặc vi phạm pháp luật kịp thời thể hiện được trách nhiệm cao của mình đối với người hành nghề khi có tai tiếng để minh oan hay thẳng thắng bày tỏ thái độ không chấp nhận người mẫu hay hội viên vi phạm pháp luật.
Ông Kim Sung Pil phát biểu ở hội thảo. |
Đại diện Hiệp hội Người mẫu Hàn Quốc - Kim Sung Pil - cho biết, tại Hàn Quốc, người mẫu cũng được quan tâm và đào tạo bài bản. Đào tạo chính quy trên hơn 10 trường đại học với khoá đào tạo 2 năm và 4 năm được Bộ Giáo dục chứng nhận. Và sau khi tốt nghiệp cử nhân cũng có khoá đào tạo sau đại học trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Thường thì, người mẫu sẽ có lợi thế hơn nếu đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành như ngành biểu diễn truyền hình, ngành diễn viên.
Người mẫu cần có thẻ hành nghề
Bên cạnh những vấn đề còn tồn đọng và định hướng phát triển, thành viên Hội người mẫu Việt Nam - tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà còn cho rằng: "Đã đến lúc nhà nước cần phải công nhận người mẫu là một nghề mưu sinh, ban hành cho nó Mã số, thẻ hành nghề, và người mẫu phải có bằng cấp có giá trị pháp lý không chỉ trong nước và quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã làm".
Ông cho biết, khi người mẫu có bằng cấp, được đào tạo tốt thì sau khi họ không còn đứng trên sàn diễn, họ vẫn có thể mưu sinh trong vai tró nhà tổ chức, đào tạo, truyền thông, nên nhớ tuổi đời của nghề người mẫu rất ngắn, có khi còn ngắn hơn cả cầu thủ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tất Nam nêu quan điểm: "Chúng ta không chờ đợi việc Nhà nước khẳng định nghề người mẫu có hay không trong danh mục quản lý của nhà nước. Điều quan trọng là nghề của chúng ta được hình thành có xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống và phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và tuân thủ theo quy định của pháp luật cũng như các quy luật của thị trường hay không".
Theo Zing