'Nhạc Việt lời Tây' - Cuộc tranh luận không hồi kết

Thứ năm, 07/01/2016, 09:18
Ngày càng nhiều ca khúc Việt sử dụng ngôn ngữ ngoại lai, chủ yếu là tiếng Anh để đặt tên và kể cả với ca từ. Đây đang là vấn đề gây nhiều tranh luận.

Khán giả nghe nhạc Việt Nam vẫn thường yêu thích những bài hát có ca từ đẹp, khuôn thức với hình ảnh và câu chữ trau chuốt. Tiêu chuẩn đó được duy trì từ nhạc tiền chiến cho đến nhạc trữ tình bolero hay nhạc trẻ trước năm 2000 với những sáng tác của Dương Thụ, Bảo Chấn, Quốc Bảo... Tuy nhiên, khi sự tiếp cận của thị trường nhạc Việt với xu hướng thế giới ngày càng gần lại, điều này bắt đầu có sự thay đổi. Không khó nhận ra những thể loại âm nhạc, mô-típ sáng tác mới và đặc biệt là sự "trộn" tiếng Anh trong các ca khúc Việt.

Xu hướng khó tránh của nhạc đại chúng

Những năm gần đây, nhiều nhạc sĩ và ca sĩ trẻ đã dùng tiếng Anh thay vì tiếng Việt để đặt tên những ca khúc do họ sáng tác, trình diễn. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng nhiều ca khúc nổi tiếng được khán giả nhớ đến được đặt tên bằng tiếng Anh. Chỉ riêng trong top ca khúc gây ấn tượng nhất năm 2015, không khó để "nhặt" ra những bài hát có tựa tiếng Anh như Say You Do, My Everything (Tiên Tiên); What's Love?, Destiny (Hồ Ngọc Hà); Bad Boy, Boom Boom (Đông Nhi)...

Hồ Ngọc Hà là một trong số những ca sĩ thường xuyên hát ca khúc có tựa đề và một phần lời tiếng Anh.

Nói về vấn đề sử dụng tiếng Anh để đặt tên cho bài hát, nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng chia sẻ: “Nhạc pop là đại chúng (popular). Đó là thể loại nhạc dành cho tất cả mọi người. Khi chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ, đặc biệt là về văn hóa, việc một bài hát có tựa tiếng Anh hay thậm chí sử dụng cả tiếng Anh trong ca từ không phải vấn đề lớn lắm. Nó chỉ là một hiện tượng mang tính chất xu hướng."

Xa hơn nữa, không chỉ có các ca khúc với tựa đề hay "gài cắm" ca từ tiếng Anh, nhiều ca sĩ còn làm hẳn một sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Hà Anh Tuấn từng thực hiện đĩa nhạc Cocktail hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mới đây, Đinh Hương cũng ra mắt sản phẩm âm nhạc tiếng Anh từ vỏ đến đĩa nhạc. Và họ cũng không phải những trường hợp duy nhất.

Tranh cãi về "nhạc Việt lời Tây"

Tuy nhiên không phải tất cả những ngôi sao nhạc pop trẻ đều đi theo hướng này. Sơn Tùng M-TP, hiện tượng Vpop 2 năm qua, liên tục tạo hit nhưng anh là trường hợp khá đặc biệt khi tất cả các bài hát thể hiện đều có tên bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, anh cũng là ca/nhạc sĩ gần như không sử dụng tiếng Anh trong sáng tác.

Từ trường hợp của Sơn Tùng M-TP cũng đặt ra vấn đề, việc sử dụng tiếng Anh trong các bài hát Việt là xu hướng hòa nhập hay lai căng?

Là ca sĩ có phong cách hiện đại nhưng các bản hit của Sơn Tùng M-TP lại không "trộn" tiếng nước ngoài.

Trên một tờ báo gần đây đăng tải chia sẻ về câu chuyện một khán giả truyền hình 70 tuổi hỏi con trai rằng: "Destiny là gì vậy con?" khi bà xem tiết mục biểu diễn của nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà với ca khúc Destiny. Bài viết này cũng làm nóng lại cuộc tranh luận xoay quanh câu chuyện "nhạc Việt lời Tây".

Những ý kiến trái chiều trong vấn đề này đến từ quan điểm khác nhau của những người thuộc thế hệ nghe nhạc khác nhau. Khán giả lớn tuổi khá khắt khe trong khi đó, lớp trẻ lại cảm thấy đây là xu hướng tất yếu.

Chia sẻ với Zing.vn, độc giả Mai Hương (50 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy việc đặt tên ca khúc hay viết lời bằng tiếng Anh rất khó chịu và phản cảm. Người Việt thì phải hát tiếng Việt cho mọi người nghe. Chưa kể nhiều khi họ còn dùng sai văn phạm, ngữ pháp khi sử dụng tiếng Anh trong sáng tác. Tôi thấy đó là một sự chắp vá thô kệch và thiếu cẩn trọng hơn là những mới mẻ, đặc biệt”.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến đồng tình với việc dùng tiếng nước ngoài để sáng tác, đặc biệt là đặt lời ca khúc. Thanh Thanh (25 tuổi, Hà Nội) phát biểu: “Tôi thấy việc dùng tiếng Anh để đặt tên không có gì phải đáng bàn. Tôi chủ yếu nghe Kpop, muốn tìm bài hát gõ tên tiếng Anh rất dễ dàng. Bài hát Việt như vậy sẽ thuận lợi hơn cho khán giả nước ngoài tìm kiếm. Phải tính đến hướng đi lâu dài chứ”.

Có rất nhiều ý kiến tương tự đến từ khán giả và tạo nên luồng dư luận trái chiều trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, Vpop cũng đang trong quá trình phát triển giống như các nước trong khu vực.

Nhạc Việt không phải là duy nhất tại châu Á sử dụng ngoại ngữ để đặt tên hay viết một phần lời bài hát. Các thị trường âm nhạc khác trong khu vực như Kpop (Hàn Quốc), Jpop (Nhật Bản), Cpop (Trung Quốc) hay các nền âm nhạc từ các nước Thái Lan đều dễ dàng bắt gặp những ca khúc đặt tên tiếng Anh.

Hàn Quốc là đất nước có nền âm nhạc đại chúng phát triển nhất châu Á trong những năm gần đây. Hầu hết các ca khúc đều được lấy là tiếng Anh có chú thích bằng tiếng Hàn Quốc. Kpop cũng đang dần vươn mạnh sức ảnh hưởng sang châu Âu và Mỹ. Rõ ràng, tên ca khúc bằng tiếng Anh là một "mã nhận biết" để khán giả quốc tế, nhất là các quốc gia sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh dễ theo dõi. Thông qua tên bài hát, khán giả quốc tế phần nào hiểu được nội dung hay chủ đề mà ca khúc đó hướng tới.

Trong một cuộc trao đổi với người viết, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng tiếng nào không quan trọng bằng cuối cùng chất lượng sản phẩm âm nhạc ra sao và liệu thị trường âm nhạc có một định hướng phát triển rõ ràng hay không. "Việc áp lời nước ngoài sẽ gượng ép nếu nó chỉ mang tính thủ công, "theo mốt". Nhưng ngược lại, khi người sản xuất cho tới ca sĩ thể hiện có mục tiêu rõ ràng và cảm hứng thực sự với ca từ hoặc tựa ca khúc thì tiếng Anh hay tiếng Việt chẳng còn quan trọng."

Nhạc sĩ trẻ nói gì?

Giới sáng tác thừa nhận viết lời ca khúc bằng tiếng nước ngoài đặc biệt là tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt rất nhiều. Lý do rất đơn giản: tiếng Việt có dấu và tiếng Anh thì không. Hẳn cũng một phần bởi lý do đó, các ca khúc tiếng Anh phổ biến khắp thế giới.

Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ để chuyển tải thông điệp ca khúc của mình vẫn tùy thuộc nhiều và sở thích cũng như sở trường của mỗi nhạc sĩ.

Tiên Tiên tự đặt quy tắc chỉ đặt tên ca khúc từ 2-3 chữ. Vì vậy, lựa chọn tiếng Anh là điều dễ hiểu.

Tiên Tiên từng chia sẻ, cô có một nguyên tắc đặt tên ca khúc không quá 3 chữ. Như vậy, việc lựa chọn tiếng Anh như tựa ca khúc Say you do là phù hợp nhất với cô ca sĩ trẻ này.

Tuy nhiên, Tiên Tiên vẫn có những ca khúc nổi bật với tựa rất thuần Việt như Sài Gòn nhớ, Giữ em đi, Gọi mưa. So với việc dùng tiếng nước ngoài để đặt tên, tiếng Việt vẫn giàu tính tượng hình và giàu chất thơ hơn.

Các nhạc trẻ trả lời Zing.vn đều cho rằng, sử dụng tiếng Việt trong nhiều trường hợp vẫn là tốt nhất. Phạm Toàn Thắng chia sẻ: “Âm nhạc Việt Nam muốn lan truyền rộng hơn, vươn xa hơn tầm khu vực, thế giới thì tựa ca khúc bằng tiếng Anh sẽ có lợi hơn. Người nước ngoài khó có thể viết, tìm và đọc được tiếng Việt. Tôi nghĩ các ca sĩ, nhạc sĩ nên tập cách dung hòa dù tiếng Anh đôi khi ngắn gọn hơn. Tôi thấy phương án có 2 tựa ca khúc là hợp lý”.

Anh chia sẻ thêm: “Tôi vẫn luôn thích dùng tiếng Việt để sáng tác và đặt tên đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, một vài từ hay câu tiếng Anh khi đặt vào bài hát rất phù hợp cả về âm thanh, giai điệu mà tiếng Việt lại không đáp ứng được. Tất nhiên việc này phải rất hạn chế và có tính toán”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích