2015 là năm nhiều tổn thất của làng nhạc Việt khi những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc kỳ cựu lần lượt qua đời. Đầu tháng 5, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75 vì bệnh ung thư phổi. Chưa đầy một tháng sau, khán giả nhận hung tin từ gia đình Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê. Ông qua đời rạng sáng 24/6 sau gần một tháng nhập viện vì suy tim, viêm phổi và thận hư. Giáo sư hưởng thọ 94 tuổi.
Nhạc sĩ Phan Nhân nối gót các "bạn già" về cõi vĩnh hằng sáng 29/6. Nghệ sĩ Phi Điểu - vợ nhạc sĩ Phan Nhân - cho biết ông nhập viện trước đó một tháng rưỡi. Trong 10 ngày cuối đời, ông bị biến chứng bệnh tim, phổi cùng nhiều căn bệnh tuổi già nên bác sĩ cho về nhà để gia đình chăm sóc. Nhạc sĩ Phan Nhân ra đi ở tuổi 85, trong vòng tay của những người thân.
Cùng ngày 29/6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời ở tuổi 91. Ông được đưa vào bệnh viện Thống Nhất trị bệnh từ 26/6. Đến khi xuất viện, nhạc sĩ rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu). Tuổi già sức yếu cộng với những bệnh tật khác khiến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không thể qua khỏi cơn nguy kịch.
Phan Huỳnh Điểu (trái) và An Thuyên là hai trong số những nhạc sĩ qua đời năm 2015. |
Nhạc sĩ An Thuyên bất ngờ ra đi vào chiều 3/7 vì nhồi máu cơ tim cấp. Trước khi mất ông chỉ bị đau ngực và gọi con gái Bông Mai đưa tới bệnh viện. Trên đường đi, ông vẫn còn vui vẻ, chỉ trỏ đường xá với con. Lên đến phòng bệnh, nhạc sĩ vẫn không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Tới lúc con gái chạy ra ngoài gọi bác sĩ và quay trở lại, nhạc sĩ An Thuyên đã ra đi từ lúc nào. Ông qua đời ở tuổi 66.
Đến cuối năm, hai nhạc sĩ Anh Bằng và Nguyễn Thiện Đạo lần lượt từ giã cuộc đời. Anh Bằng từ trần ngày 13/11 (giờ Hà Nội) tại nhà riêng ở Mỹ, hưởng thọ 89 tuổi. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo ra đi tại Paris, Pháp ngày 20/11 (giờ Hà Nội), ở tuổi 75. Cả hai đều mất vì bệnh ung thư gan.
Những nhạc sĩ ra đi năm qua đều có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà và sống trong lòng công chúng yêu nhạc. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích để lại cho các thế hệ người Việt những ca khúc thiếu nhi như Rửa mặt như mèo, Em đố mẹ em (cùng Văn Dung), Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Em bay trong đêm pháo hoa...
Phan Nhân đem lại cho nền âm nhạc Việt những ca khúc cách mạng nổi tiếng như Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Cây đàn guitar của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó...Ông cũng là cây viết cho thiếu nhi được yêu thích với các sáng tác Chú ếch con, Em là bông lúa Điện Biên hay Hàng cây ơn Bác.
Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam". Ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam ở thế kỷ 20. Sáng tác đầu tiên giúp tên tuổi ông được biết rộng rãi là Đoàn giải phóng quân (viết cuối 1945). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu đã viết một số ca khúc như Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam... khi gia nhập quân đội.
Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc TP.HCM. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, gồm Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu... Ông cũng sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi như Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác....
Tên tuổi An Thuyên gắn liền với những ca khúc trữ tình mang đậm âm hưởng dân ca như Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Hà Tĩnh mình thương, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác... Ngoài ra, nhạc sĩ An Thuyên còn viết một số vở nhạc kịch được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công nhưTrương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng và sáng tác khí nhạc.
Nhạc sĩ Anh Bằng nổi tiếng với số lượng sáng tác đồ sộ, khoảng 650 tình khúc. Trong đó, nhiều sáng tác đi vào lòng người như Chuyện tình Lan và Điệp, Anh còn nợ em, Chuyện giàn thiên lý, Khúc thụy du, Sầu lẻ bóng, Anh cứ hẹn, Bây giờ còn nhớ hay không...
Nguyễn Thiện Đạo từng được ghi tên vào "Từ điển danh nhân thế giới" Le Petit Larousse năm 1982, Le Petit Robert năm 1995 và giành nhiều danh hiệu cao quý của cả hai nước Việt, Pháp. Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã viết hơn 80 tác phẩm độc tấu, giao hưởng, opera... được biểu diễn trên toàn thế giới. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông gồm hoà tấu Bình minh cho 6 nhạc cụ dây, nhạc phim Đế chế lụi tàn, opera Mỵ Châu Trọng Thuỷ, giao hưởng Phù Đổng, nhạc phim Chuyện của Pao...
Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê là người đi đầu trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới. Từ nước ngoài, ông đóng góp nguồn tư liệu khổng lồ với hàng nghìn cuốn sách, công trình nghiên cứu, băng video... tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu cho nền âm nhạc Việt. Hiện chúng được lưu giữ tại Viện Bảo tàng TP.HCM. Bên cạnh đó, ông còn làm rạng danh đất nước khi là thành viên danh dự suốt đời của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO.
Với những cống hiến, sự ra đi của các nhạc sĩ khiến không chỉ gia đình, bạn bè mà công chúng cũng hụt hẫng và đau xót.
Trong đám tang của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê, đoạn đường Huỳnh Đình Hai trước nhà ông được lấp đầy với xe tang lễ và dòng người dân xếp hàng dài, ước tính tới 1.000 người. Khi xe tang di chuyển ngang Đại học Bình Dương - nơi Giáo sư Khê từng giảng dạy, hàng trăm sinh viên - giảng viên của trường đứng ở cổng, cầm trên tay những bông cúc trắng vẫy chào tạm biệt ông lần cuối. Gia đình, học trò dù cố nén nhưng không khỏi trào nước mắt trước giờ phút tạm biệt Giáo sư.
Hàng dài người tiễn đưa Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê. |
Đám tang nhạc sĩ An Thuyên quy tụ đông đảo anh em đồng nghiệp, những người bạn thân thiết, học trò và những người yêu mến ông. Từ nhạc sĩ Phạm Tuyên, Lân Cường, Phú Quang, NSND Thu Hiền, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Anh Quân... đều có mặt. Tình cảm họ dành cho An Thuyên không chỉ dừng ở ngưỡng mộ tài năng mà còn là trân quý nhân cách sống giản dị, cái tâm cống hiến cho đời và âm nhạc.
Trong dòng người tới viếng, có cả những người đơn thuần yêu mến nhạc của An Thuyên, yêu mến những ca khúc ngọt ngào, lay động về quê hương. Ở góc phòng của nhà tang lễ, một người hâm mộ làm nghề giáo viên lặng lẽ lau nước mắt nói lời tạm biệt nhạc sĩ Ca dao em và tôi.
Lễ tang các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Hàn Ngọc Bích cũng có mặt đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến. Ở nước ngoài, tang lễ của các nhạc sĩ Anh Bằng và Nguyễn Thiện Đạo khiến người hâm mộ trong, ngoài nước đều xót xa.
Không chỉ tiếc thương người đã khuất, khán giả còn cảm động trước nỗi đau của gia đình các nhạc sĩ, đặc biệt là những người vợ già trước sự ra đi của chồng. Tại đám tang của Phan Nhân, trong khi đồng nghiệp rưng rưng đi quanh linh cữu tạm biệt, vợ ông - nghệ sĩ Phi Điểu - chỉ đứng bên quan tài, tay bám chặt vào thành bàn, đôi vai gầy rung lên, môi mím chặt cố kìm nước mắt. Đến lúc đón nhận những vòng tay xiết chặt và tiếng khóc nức nở của bạn bè, bà mới bật khóc. Trước đó, bà giữ thái độ bình tĩnh để chu toàn cho tang ma của chồng. Không chỉ giữ bên mình chiếc gậy Phan Nhân yêu thích, đích thân bà còn chuẩn bị bữa cơm cuối trong lễ di quan với những món ăn kèm theo cà phê sữa nóng mà ông vẫn hay dùng.
Sức khỏe bà Phạm Thị Vân- vợ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - không tốt. Bà còn bị liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Chính vì vậy bà không được con cháu cho hay tin chồng mất sớm. Phải đến khi con trai út từ Australia về, bà mới được con đẩy xe đến viếng. Chỉ vài tháng sau đám tang, vợ Phan Huỳnh Điểu cũng ra đi theo ông.
Đám tang nhạc sĩ An Thuyên chứng kiến cảnh vợ ông - bà Ngô Huyền Lâm - dù cố giấu nước mắt cũng không tránh khỏi òa khóc vào giây phút chia lìa. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Thanh - vợ nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích - trong đám tang ông cũng khiến nhiều người rơi nước mắt.
Các nhạc sĩ ra đi nhưng âm nhạc của họ còn sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc. Đêm nhạc An Thuyên sau đó ít lâu chật kín khán giả đến xem để cùng tưởng nhớ ông. Những ca khúc của Phan Huỳnh Điểu, Anh Bằng, Phan Nhân... vẫn thi thoảng vang lên và sẽ còn gắn bó cùng đời sống tinh thần của nhiều thế hệ khán giả về sau.
Theo VnExpress