So với cơn sốt triệu view (lượt người xem - nghe) của ca khúc "Hongkong 1" (sau 10 giờ xuất hiện trên YouTube đã đạt nửa triệu view) thì "Ngừng mơ" (ca khúc vừa ra mắt hôm 7-5) cũng của Nguyễn Trọng Tài là một thất bại thảm hại. Bởi lẽ, sau 2 ngày ra mắt, ca khúc này vẫn chưa đạt con số 100.000 lượt xem - nghe.
Tụt hứng
Ra mắt trong lễ hội âm nhạc dành cho cộng đồng inide "Thơm music festival", ca khúc mới "Ngừng mơ" của Nguyễn Trọng Tài không gây được nhiều sự chú ý của công chúng sau đó, dù anh từng là hiện tượng trên thị trường nhạc số nửa năm trước. Khán giả mau quên Nguyễn Trọng Tài hay "Ngừng mơ" của anh không đủ sức hấp dẫn?
Hình ảnh quảng bá cho MV “Ngừng mơ” của Nguyễn Trọng Tài. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
"Ngừng mơ" là ca khúc thể loại nhạc Jazz theo phong cách Bossa Nova dễ nghe. Vẫn khai thác tối đa yếu tố cổ điển sở trường, "Ngừng mơ" được giới chuyên môn đánh giá là bước tiến mới đáng ghi nhận của Nguyễn Trọng Tài. Vẫn là một bài hát nghe dễ chịu, "Ngừng mơ" không yêu cầu kỹ thuật cao xa hay sự cầu kỳ trau chuốt trong cách thể hiện.
Với lựa chọn khá thông minh và thực tế, những tưởng Nguyễn Trọng Tài sẽ có những thành tựu mới vượt bậc, nhất là khi giọng ca này bắt đầu bước vào hướng đầu tư chuyên nghiệp như ca sĩ dòng mainstream (theo thị hiếu khán giả). "Ngừng mơ" không phải kiểu MV khiến cho người ta phải xem đi xem lại vì sự đặc sắc hay có "plot twist" (vòng xoay cốt truyện) để bàn luận nhưng vừa đủ minh họa chứ không lấn át ca khúc. Sự giản dị và đúng mực ấy lại nằm ngoài thị hiếu "thích sự bóng bẩy" có phần phức tạp của công chúng chăng?
Erik đã tự thay đổi bản thân trong âm nhạc và phong cách để tránh nhàm chán, không còn một Erik não tình đến thảm hại như trước, trở nên mới mẻ có phần chỉn chu, tích cực và gần với xu hướng thế giới. Nhưng, khán giả vẫn không thích. Sự quay lưng của khán giả đối với Erik lại chính là sự mới mẻ chăng? Ca sĩ Erik thẳng thắn: "Thật sự tôi cũng không thể hiểu khán giả đang nghĩ gì. Giai điệu của ca khúc "Đừng có mơ" cũng không đến nỗi tệ, nó bắt tai nhưng vẫn không hiểu sao lại không đến gần với nhiều người. Tôi nghĩ lý do có lẽ khán giả đã quen với một Erik ballad nên họ không thích ứng được khi tôi chuyển sang dòng nhạc mới".
Giọng ca trẻ Min cho biết năm 2014, cô chỉ cần 40-50 triệu đồng là đã có một MV đáng yêu. Năm 2017, cô bắt buộc phải đầu tư trung bình từ 400 đến 500 triệu đồng nếu muốn có một MV gây chú ý. Đến năm 2018, cô đã thẳng tay đầu tư số tiền ngang với 1 căn hộ nhỏ vào MV "Em mới là người yêu anh mất rồi". "Nhưng những con số đó chỉ là điều kiện cần để ca sĩ bước vào cuộc chơi của làng nhạc Việt. Có gặt hái thành công hay không, còn tùy thuộc vào định mệnh, hên hay xui" - Min đúc kết.
Không ít nghệ sĩ hoang mang trước những tín hiệu nhận được từ thị trường, như thể họ đang đứng giữa mê cung mà chưa định hướng được lối ra.
Hãy "đi cùng" khán giả
Thực tế chứng minh không phải cứ ca khúc được giới chuyên môn cho là hay, sản phẩm chất lượng là được công chúng chú ý. Trong khi đó, nhiều bài hát bị đánh giá chỉ mức bình dân vẫn trở thành ca khúc ăn khách. Nhiều người trong giới cho rằng đây là nghịch lý của thị trường và thường giải thích bằng hiện tượng "cày view" của người hâm mộ, được kêu gọi công khai, chỉ cần có mặt ở tốp đầu bảng xếp hạng thịnh hành của YouTube, nghiễm nhiên được đóng dấu sản phẩm yêu thích, bất chấp chất lượng thế nào.
Không phủ nhận có tình trạng fan (người hâm mộ) cày view cho sản phẩm âm nhạc mới của ca sĩ. Nhưng, nhiều ý kiến vẫn cho rằng công chúng yêu thích tác phẩm này và không yêu thích một tác phẩm khác của cùng tác giả vẫn có nguyên do của nó. Rõ ràng "Hongkong 1" của Nguyễn Trọng Tài gây sốt bởi dễ cảm đối với công chúng số đông hơn "Ngừng mơ" cũng của anh, nếu không nói hay hơn, theo nhận định của nhiều người. Ngay ca sĩ Thu Phương và nhiều ca sĩ khác cũng sử dụng bài hát "Hongkong 1" để làm mới phong cách trình diễn của mình. Con số nửa triệu lượt người nghe - xem sau 10 giờ ra mắt cho "Hongkong 1" của cái tên mới toanh trong làng nhạc Việt Nguyễn Trọng Tài lúc đó không thể nói là nhờ fan "cày view" được.
Phải thử làm điều mới mẻ nhưng vẫn có sự quen thuộc. Mình đi nhanh quá cũng không được, đi chậm quá càng không xong, mà hãy "đi cùng" khán giả, đó là một trong những giải pháp của những ca sĩ không đủ điều kiện thỏa hiệp với hiện tượng mua view hay cày view đưa ra và lựa chọn. Nhưng chính họ cũng nhận ra, "mỗi nghệ sĩ đều có một cá tính âm nhạc riêng biệt. Họ cần phải sáng tạo những cái mới, thể nghiệm những điều lạ. Chỉ có điều, con đường này lại quá chông gai, thiếu công chúng số đông đồng hành" - Ali Hoàng Dương nói.
Lượng view luôn bị nghi ngờ Thuật ngữ "number talks" (con số biết nói) ở thế giới hoàn toàn không thể ứng dụng được cho thị trường nhạc Việt. Bởi lẽ, những gì đang diễn ra và được minh chứng bằng con số cụ thể không đủ để phản ánh bản chất thật của nhạc Việt hiện tại. Thế giới nhạc số lên ngôi, thước đo về chất lượng của một sản phẩm được đo đếm bằng lượng người xem - nghe hiển thị trên thanh công cụ đếm của các bảng xếp hạng, kênh âm nhạc số. Con số được mặc nhiên là biểu đồ định lượng sự yêu thích đến từ khán giả. Khi bài hát đứng nhất bảng xếp hạng hay MV lọt Top Trending, đi đâu cũng nghe, điều đó chứng tỏ nó là một sản phẩm đang được công chúng quan tâm. Nhưng ở thị trường Việt Nam không phải ca khúc nào đứng nhất bảng xếp hạng hay lọt Top Trending YouTube cũng có được điều đó. |