Theo Variety, tại Liên hoan phim Cannes 2019 vẫn có 600 đại diện của các studio và công ty giải trí Trung Quốc có mặt. Tuy nhiên những người trong cuộc thừa nhận họ đến Pháp với mục tiêu đơn giản và ít tham vọng hơn nhiều so với những năm trước.
Bà Sally Yihua Li của nhà phát hành độc lập Time in Portrait - đã mua bản quyền phát hành tại Trung Quốc 3 tác phẩm tranh giải ở Cannes - cho biết công ty của bà “sẽ cẩn trọng hơn trong năm nay”.
Cổ Lực Na Trát kiêu sa trên thảm đỏ LHP Cannes, nhưng các studio Trung Quốc tỏ ra thận trọng tại lễ hội điện ảnh Pháp năm nay. (Ảnh: Sina). |
“Các studio Trung Quốc sẽ giữ cái đầu lạnh hơn ở Cannes trong năm nay”, ông Jiang Wusheng, CEO của nhà phát hành độc lập United Entertainment Partners, nhận định.
Variety cho biết sự khiêm nhường của các studio Trung Quốc tại LHP Cannes năm nay là hậu quả của chiến dịch truy quét thuế mà chính phủ nước này thực hiện gắt gao hồi năm ngoái. Cộng với các quy định mới về lĩnh vực giải trí, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc chấn động mạnh.
Tất cả bắt đầu từ bê bối thuế gây xôn xao của minh tinh Phạm Băng Băng. Sau khi bị tố cáo trốn thuế bằng chiêu “hợp đồng âm dương” hồi tháng năm, “nữ hoàng giải trí Trung Quốc” biến mất vào cuối tháng 7, và đến tháng 10 nhà chức trách xác nhận cô trốn thuế. Phạm Băng Băng phải công khai xin lỗi chính phủ và khán giả, đồng thời chấp nhận nộp phạt và đóng thuế tổng cộng 130 triệu USD.
Không chỉ phải nộp một khoản tiền khổng lồ, Phạm Băng Băng còn đối mặt với tương lai ảm đạm khi sự nghiệp tiêu tan, vị thế sụp đổ. Theo Bloomberg, cú ngã ngựa của Phạm Băng Băng khiến cả showbiz Trung Quốc choáng váng và run rẩy. Bởi họ không biết ai là người sẽ bị sờ gáy sau minh tinh họ Phạm.
Nguồn tin Sohu tiết lộ nhiều nghệ sĩ thu nhập cao lọt vào tầm ngắm của Tổng cục Thuế Trung Quốc. Bản danh sách các ngôi sao bị cơ quan thuế kiểm tra gồm hơn 10 cái tên, trong đó có Angelababy, Huỳnh Hiểu Minh, Lý Dịch Phong, Phùng Tiểu Cương. Kết quả là hàng loạt ngôi sao và công ty giải trí cuống cuồng đi nộp thuế. Nữ diễn viên Dương Mịch tuyên bố chấp nhận giảm 70% cát-xê.
Showbiz Trung Quốc rúng động mạnh sau vụ Phạm Băng Băng phải nộp thuế và tiền phạt 130 triệu USD. |
Tháng 1/2019, Tổng cục Thuế Trung Quốc thông báo các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng và hàng loạt studio, hãng giải trí đã nộp tới 1,7 tỷ USD tiền thuế cho chính quyền. “Một số ngôi sao và đạo diễn lớn nhất bị theo dõi chặt chẽ và điều đó là mọi người hoang mang, lo lắng”, Bloomberg dẫn lời Albert Lee, cựu giám đốc hãng Emperor Motion Pictures, giải thích.
Trước đó, South China Morning Post đưa tin hơn 100 công ty giải trí đặt chi nhánh tại Khorgos (Tân Cương) đã xin chuyển địa điểm. Khorgos được xếp vào danh sách khu vực phát triển kinh tế đặc biệt của Trung Quốc từ năm 2011 (giống Vô Tích), áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 0-6%. Do đó nhiều nghệ sĩ mở công ty, hãng giải trí đặt chi nhánh tại đây để hưởng mức thuế thấp.
Kết quả là hàng loạt dự án phim ảnh ở Trung Quốc bị đình trệ do thiếu vốn. Các nhà đầu tư cũng lo ngại nguy cơ “dính chấu” nên đã bỏ chạy. “Các cuộc điều tra thuế và tình hình kinh tế u ám đã chặn dòng đầu tư (vào phim ảnh). Tôi dự đoán giai đoạn trầm lắng sẽ kéo dài ít nhất 2 năm”, báo Financial Times dẫn lời một giám đốc studio ở Bắc Kinh.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho biết việc chính quyền Trung Quốc trấn áp tín dụng đen cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp phim ảnh nước này. Trước đây, tín dụng đen chính là một nguồn tài chính quan trọng của ngành công nghiệp giải trí Hoa ngữ. “Dòng tiền nóng đã rời bỏ ngành công nghiệp này”, một chuyên gia lĩnh vực phim ảnh khác ở Bắc Kinh nhấn mạnh.
Từ năm 2008 đến 2018, số lượng phim sản xuất tại Trung Quốc tăng gấp đôi lên 1.000 phim/năm, trong khi số màn chiếu tăng từ 4.000 lên hơn 40.000. Doanh thu phòng vé năm 2018 đạt 8,87 tỷ USD.
Lưu lạc địa cầu phá kỷ lục phòng vé của Trung Quốc vào dịp Tết 2019, nhưng các chuyên gia điện ảnh và truyền hình nước này tỏ ra bi quan về tương lai trước mắt. (Ảnh: China Film Group). |
Ngành truyền hình cũng bùng nổ. Quỹ CEC Capital ước tính từ năm 2014 đến 2018, khoảng 26 tỷ USD được đầu tư vào 400 công ty điện ảnh và truyền hình lớn nhất Trung Quốc.
Nhưng chiến dịch trấn áp thuế và tình hình kinh tế, tài chính quốc gia đã khiến mọi thứ đảo chiều. Chuyên gia Ran Wang, người sáng lập quỹ CEC Capital, nhận định với việc nguồn vốn bị hạn chế, ít nhất 25% trong số 12.000 công ty giải trí ở Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh phá sản trong năm 2019. Trên thực tế, từ đầu năm đã có hàng chục công ty giải thể.
Ngay cả Huayi Brothers, công ty sản xuất phim lớn nhất Trung Quốc, cũng gặp khó khăn. Cuối năm 2018, công ty này cho biết lần đầu tiên bị lỗ - khoảng 162 triệu USD - sau 10 năm làm ăn có lãi. Huayi buộc phải vay một khoản lớn từ Alibaba để trấn an các nhà đầu tư. Trong số 14 công ty phim và truyền hình niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ có 3 tăng lợi nhuận trong năm 2018.
Xem ra tương lai trước mắt của ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc cũng ảm đạm không kém bước sự nghiệp thời gian tới của minh tinh Phạm Băng Băng.
Theo Zing