Những câu chuyện đắng lòng trong phim Hollywood (P1)

Thứ ba, 04/09/2012, 08:22
Đằng sau những bộ phim bom tấn thành công của Hollywood là những câu chuyện về phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp và tình yêu.
1. Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire)

Bộ phim đình đám của đạo diễn Danny Boyle được dàn dựng và quay tại Ấn Độ - đất nước có sự phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo rất sâu sắc. Bộ phim kể về Jamal, một chàng trai trẻ có xuất thân từ khu ổ chuột ở Mumbai, tham gia trong trò chơi truyền hình Ai là triệu phú rất ăn khách tại đất nước này và giành chiến thắng với phần thưởng cao nhất. 

 

 
 
Xuất thân nghèo khó, thất học, hiện tại lại làm một công việc bình dân, sự chiến thắng của chàng trai trẻ khiến tất cả mọi người nghi ngờ. Cảnh sát đã bắt giam và tra tấn Jamal để bảo vệ định kiến về đẳng cấp của xã hội. Không ai biết rằng những câu hỏi trong cuộc thi Ai là triệu thú đều gắn với những dấu ấn cay đắng nhất trong quãng đời nghèo khổ của Jamal. 

Dù bộ phim kết thúc có hậu, và những diễn viên nhí từ khu ổ chuột đã có cơ hội được đứng lên bục nhận giải Oscar, nhưng có lẽ đằng sau bộ phim vẫn còn rất nhiều Jamal ở các khu ổ chuột khác không có dịp được kể câu chuyện cuộc đời mình. 

2. Titanic

Câu chuyện tình ám ảnh giữa chàng trai nghèo Jack và cô tiểu thư Rose bắt đầu trên chuyến tàu định mệnh Titanic. Dù chàng Jack may mắn thắng bạc và được đặt chân lên tàu tới Mỹ - thiên đường của những giấc mơ, con tàu này cũng vẫn chỉ là một xã hội thu nhỏ, với các tầng lớp và những cảnh đời tách biệt. 
 
Trên chuyến đi định mệnh, chàng Jack phóng khoáng, hào hoa đã hấp dẫn cô tiểu thư sống trong sự giàu sang, dối trá, giúp cô biết được đâu là cuộc sống và hạnh phúc thực sự của tình yêu. 

 


 
Khi thảm họa xảy ra, con tàu Titanic va phải một tảng băng, tất cả mọi người đều tranh nhau xuống thuyền cứu hộ. Những quý bà quý cô được nhường cơ hội sống trước nhất. Ở dưới hầm sâu, những người lao động vất vả, giới bình dân và những em nhỏ nhà nghèo bị khóa cửa, chịu cảnh nước tràn vào tàu lạnh buốt.

Vì khoảng cách giàu nghèo, vì sự khác biệt giai cấp, mãi mãi đôi tình nhân Jack và Rose không bao giờ tới được với nhau, ngay cả đến lúc tàu chìm, cái chết cũng vẫn chia lìa họ. 

3. The Help (Người giúp việc)

Nhiều tạp chí điện ảnh đã đánh giá rằng The Help là một trong những tác phẩm hay và gây xúc động nhất của năm 2011. Bộ phim mang tới cái nhìn tổng thể về nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ những năm kinh hoàng nhất.
 
 


 
Hình ảnh người giúp việc da màu xuất hiện trong bộ phim là những bảo mẫu dịu dàng, chăm chỉ, khéo léo, nuôi nấng nhiều đứa trẻ da trắng lớn lên khỏe mạnh, hiểu biết nhưng lại bị đối xử tàn tệ. Họ phải nhận đồng lương rẻ mạt, bị gọi là “mọi đen”, bị kỳ thị và sỉ nhục. 

The Help cũng có một kết thúc tươi sáng sau nhiều câu chuyện cay đắng, nhục nhã của những người da màu trong nạn phân biệt chủng tộc. Bộ phim đã phần nào lột tả được các mối nguy hiểm và sự đau đớn mà những người da màu đã phải chịu đựng trong quá khứ, nhưng sau 144 phút phim trên màn ảnh rộng, câu chuyện ở ngoài cuộc đời vẫn còn rất nhiều dang dở. 

4. The Dark Knight Rises

Ngoài nhân vật siêu anh hùng Người Dơi đã chiếm trọn trái tim người yêu điện ảnh từ nhiều năm nay, phần 3 của loạt phim Người Dơi – siêu phẩm của đạo diễn Christopher Nolan đã mang tới một nhân vật phản diện xuất sắc mới – Bane. Kẻ tù nhân trốn trại này sinh ra và lớn lên sau chấn song sắt nhà tù Pena Duro – là địa ngục, là vương quốc của bóng tối, cái ác. 

 
 


 
The Dark Knight Rises đã ám chỉ mạnh mẽ rằng chỉ những kẻ sinh ra từ cái ác và bóng đêm, như Bane hay Miranda Tate mới có thể trở thành kẻ khủng bố tàn độc không thể cảm hóa, còn triệu phú sinh ra trong nhung lụa như Bruce Wayne sẽ trở thành anh hùng giải cứu thành phố. 
 
Tuy vậy, người xem có lẽ sẽ cảm động với hai nhân vật phản diện này khi chứng kiến tình yêu thủy chung son sắt của Bane dành cho Miranda, hay quyết tâm thực hiện ước nguyện của người cha – chúa tể bóng đêm, dù phải đánh đổi bằng cả tính mạng của Miranda. 

Ở phần 2 Dark Knight trong loạt phim này, đạo diễn Christopher Nolan cũng đã rất nhân văn khi đưa ra lý giải về nguyên nhân tội ác của Joker. Có lẽ nếu không lớn lên trong một gia đình thiếu hạnh phúc, sống với người cha nát rượu và tàn bạo, thường xuyên bị đánh đập, hay nếu không bị mất người vợ do thiếu tiền... có lẽ Joker đã không trở nên bất cần, ranh mãnh, tàn độc và quái đản như vậy.
 


Theo TTVN 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn