* Vừa rời khỏi chương trình Chuyện không của riêng ai, NSƯT Việt Anh liền hóa thân thành bác Tư Phò trong chương trình Bác Ba Phì thời @ của HTV, điều gì khiến anh thích vào các vai “khoái cãi”?
- NSƯT Việt Anh: Tranh cãi là cách tốt nhất để hiểu về cuộc sống, cả hai chương trình đó đều mang lại cho tôi nguồn kiến thức phong phú. Tôi có cơ hội hiểu rõ hơn về pháp luật. Đối đáp, phản biện của chúng tôi trong chương trình ngắn nhưng sẽ mang lại cho khán giả xem đài kiến thức cơ bản về pháp luật.
NSƯT Việt Anh - Ảnh: Thanh Hiệp |
* Để tham gia tốt những dạng vai này, anh có buộc phải học luật để tranh cãi không?
- Tính tôi ngẫu hứng lắm! Tôi chỉ đọc qua những luật theo chuyên đề của từng câu chuyện. Các chuyên gia sẽ tiếp tục lý giải khi chương trình lên sóng và tôi tranh luận lại, chúng tôi phải tập trung làm thế nào để người dân hiểu luật và hành xử đúng trong cuộc sống.
Thời buổi hội nhập, người nghệ sĩ rất cần trình độ tri thức, tôi vẫn luôn nói với các học trò của mình như thế. Nếu diễn viên không có kiến thức, chuyên môn về ngành nghề mà mình phải diễn trên sân khấu, trên màn ảnh... hẳn nhiên không thể là diễn viên giỏi.
* Anh từng than thở đường nghề của mình đầy trắc trở và gian khó?
- Cái nghề diễn viên là phải thế, trắc trở, gian nan mới thể hiện hết được cái đau đớn, nghiệt ngã của những phận người trên sân khấu. Nghệ sĩ càng thuần thục nhiều cách diễn, trải nghiệm nhiều loại vai càng tốt. Tôi càng chiêm nghiệm càng thấy rằng cách mình hiểu, mình nhận định lúc còn trẻ khác xa với lúc tóc đã điểm bạc.
* Nghệ sĩ khi về già thường sống với quá khứ vàng son, anh có như vậy?
- Trong cuộc đời hơn 30 năm làm diễn viên, tôi chưa từng có cảm giác ỷ lại quá khứ, hào quang để lấp liếm hiện tại. Nếu tự hào, tôi khoái thời thanh niên xung phong hơn. Chỉ có ba lô và đôi chân đất, vào cuộc để xây dựng và đúc kết. Máu sáng tạo có được là nhờ vào những tháng ngày đáng quý đó.
Nhìn lại những nghệ sĩ thành danh ở các lĩnh vực, hầu hết đều phải khổ luyện đến 99%, còn 1% là yếu tố năng khiếu. Còn tôi thì ngược lại, tôi diễn hoàn toàn bằng ngẫu hứng. Ra sàn diễn có khi tôi quên mất tên vở diễn, hành động theo cảm xúc tự nhiên. Hôm gặp lại nghệ sĩ Thành Lộc, chúng tôi đã sống như ông Tư, ông Năm của vở kịch Dạ cổ hoài lang – vai diễn mang lại cho tôi Giải Mai Vàng. Lộc nói rằng chưa bao giờ nghĩ tôi đang diễn mà thấy tôi đang sống với nhân vật.
|
* Ngoài diễn xuất, anh được xem là thầy giáo tận tụy. Con đường đến với nghề giáo của anh hình như cũng đầy ngẫu nhiên?
- Trước khi nhận lời mời về dạy chính thức tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, tôi đã phụ trách nhiều khóa đào tạo và tập huấn diễn viên trẻ thuộc các CLB diễn viên và đạo diễn trẻ của Hội Sân khấu TPHCM. Nơi đây đã từng thành lập CLB Diễn viên và đạo diễn trẻ, tiền thân là CLB Sân khấu nhỏ 5B, sau đó nâng cấp thành Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. Gọi là ngẫu nhiên cũng đúng vì đó là duyên.
* Hầu hết các vai diễn của anh đều là vai tính cách, ít có vai kép chính. Điều này có làm anh bối rối khi đứng trên bục giảng truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn trẻ?
- Không! Họ có thể học được rất nhiều điều ở tôi từ kinh nghiệm sống đến cách diễn đa dạng trên sân khấu. Trải qua bao năm làm nghề, tôi cũng học từ các bậc thầy đi trước biết bao kinh nghiệm hữu ích để ứng dụng một cách biến hóa. Kinh nghiệm là điều không dễ dàng có được và không phải ai cũng biết cách truyền đạt nó để người khác có thể hiểu và áp dụng trong từng hoàn cảnh thực tiễn.
* Anh nói rằng làm nghệ thuật nhưng thần tượng của anh lại là nhà vật lý A.Einstein. Anh đọc sách ông ấy từ thời thanh niên và rất tâm đắc câu nói: “Phải biết nghĩ khác đi những gì người khác nghĩ...”?
- Tôi vẫn thường dạy học trò nếu mình cứ lặp lại cái của người khác tức là vùi dập cái duyên trời cho của mình. Mỗi nhân vật có số phận, tính cách khác nhau và mỗi nghệ sĩ sẽ có cách riêng để làm bật lên tính cách nhân vật mà mình thể hiện. Khi diễn, mình phải sống thật với nhân vật, thấu hiểu rõ từ nỗi đau cho đến niềm hạnh phúc mới có thể rơi nước mắt hay cười sảng khoái.
NSƯT Việt Anh và NSND Ngọc Giàu trong vở 41 đóa hồng |
* Sau những tất bật trên sàn diễn, nhiều người bắt gặp anh thường ưu tư một mình?
- Nhiều đồng nghiệp khi đó nghĩ tôi đang buồn nhưng thật ra, tôi đang suy ngẫm về cuộc đời. Dẫu đời tôi không trọn vẹn nhưng lại được bù đắp bằng nhiều điều khác. Nếu cứ khư khư giữ lấy chuyện quá khứ để rồi ưu tư, buồn bã mà không giải quyết được điều gì thì chỉ thêm đau khổ. Cái gì đã qua nên để nó trôi đi và con người nên sống vì hiện tại, tương lai. Quá khứ chỉ là trải nghiệm mà đôi lúc ta suy ngẫm để nhận ra cái sai rồi sửa chữa hoặc cảnh tỉnh những người khác không gặp phải tình huống giống mình.
* Anh đang nói đến chuyện gia đình?
- Có lúc, tôi dằn vặt mình đã không làm tròn trách nhiệm người chồng, người cha nên gây cảnh gia đình đổ vỡ, ảnh hưởng đến con gái. Niềm hạnh phúc duy nhất trong cuộc sống của tôi bây giờ vẫn là đứa con này. Mỗi ngày được nói chuyện điện thoại hoặc trao đổi thông tin trên mạng xã hội với con (đang sống cùng mẹ tại Úc) là tôi thấy thỏa nguyện. Hơn 8 năm rồi, tôi vẫn ở khách sạn, ăn cơm hàng cháo chợ, đụng đâu ăn đó. Giờ thèm những phút giây ở bên con gái.
* Dẫu có đau thương nhưng nhờ những “vết xước” ấy mà anh có được nhiều vai bi thành công…
- Khi gia đình tan vỡ, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm vì mình là đàn ông. Cá tính của tôi, nói như anh Lê Duy Hạnh - tác giả cũng là sếp trực tiếp của tôi hiện nay - do tôi ít khen quá. Tôi khó khăn và hà tiện lời động viên nên mất vợ là phải. Tôi nghĩ người diễn viên dùng nỗi đau chính bản thân mình để làm nguồn sáng tạo cho nhân vật cũng tốt, vì có trải nghiệm thực tế, nhân vật mình hóa thân sẽ sống động hơn.
NSƯT Việt Anh cho biết hoài bão hiện tại là làm một nghệ sĩ am hiểu về luật để sống tốt, để tư vấn cho học trò và làm việc với cảm xúc của người có năng lực. |
Theo Thanhnien