Được biết, Nghị định số 79/2012 do Chính phủ ban hành quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu… sẽ được thực thi từ 1/1/2013. Đồng nghĩa từ đó trở đi ca sĩ phải hát với ban nhạc sống mỗi khi lên sân khấu. Chưa hết, người mẫu cũng phải trình diễn thời trang trên nền nhạc sống.
Nhạc điện tử có nguy cơ phá sản vì quy định mới? Ảnh: NMH.
Chương 1, điều 6 Những quy định cấm, quy định tại mục d: Cấm “sử dụng bản ghi âm để thay giọng thật của người biểu diễn hoặc thay âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn”.
Việc cấm này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tổ chức: biểu diễn nghệ thuật, thời trang, thi người đẹp, người mẫu. Các loại hình ở đây rất rộng từ: ca, múa, nhạc tới xiếc, kịch nói, tấu hài, tạp kỹ…
Nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Huy Tuấn cười: “Sốc nhỉ!” Theo anh, quy định này không thực tế.
“Thời thế bây giờ khác, đã xuất hiện nhiều thể loại âm nhạc mới, trong đó cần rất nhiều đến công nghệ hiện đại liên quan máy móc, những dụng cụ làm ra âm thanh. Ví dụ: Đã gọi là âm nhạc điện tử thì không thể thực hiện bằng người. Nó phải phát ra âm thanh tổng hợp, thu sẵn”.
Nhạc sĩ khẳng định, việc cấm “sử dụng bản ghi âm để thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn” sẽ khó thực hiện: “Phải có quy định cụ thể hơn, đưa một câu chung chung như thế làm mọi người bối rối”.
Huy Tuấn cho hay những chương trình do anh thực hiện đều cố gắng sử dụng nhạc cụ thật.
Kể cả thể loại như nhạc dance, thường ca sĩ dùng nhạc thu sẵn để hát thì anh vẫn tìm cách phối hợp giữa nhạc cụ và âm thanh thu sẵn. Nhưng triệt tiêu âm thanh thu sẵn là không cần thiết.
NSƯT Tấn Minh đưa ví dụ: Phần dạo của một bài hát có một mẫu âm thanh trống điện tử mà trống thật không thể đáp ứng việc chỉ kéo dài trong vài khổ nhạc, sau đó ban nhạc chơi tiếp luôn. Giờ phải thay bằng trống thật sẽ mất tính hiệu quả.
Mà thực ra âm thanh thật hay thu sẵn trong trường hợp này rất khó để phát hiện và xử phạt. Nếu có phạt cũng vô lý vì âm thanh thu sẵn chỉ làm cho tiết mục hay hơn.
Tấn Minh phát biểu: “Quy định này hợp lý cho những chương trình ca nhạc mang tính kinh doanh, không hợp với chương trình lễ hội, mang tính sử thi, ở sân vận động. Ra sân vận động mà đánh live (sống) tất tần tật, Việt Nam chưa làm được.
Chương trình sự kiện ở khách sạn, công ty cũng không có điều kiện. Một năm Hà Nội có mấy chương trình chơi live, nếu cấm tiệt ca sĩ đói hết! Chương trình ca nhạc từ thiện vùng sâu vùng xa cũng không làm được luôn! Người ta tiết kiệm từng đồng cho người nghèo lấy đâu kinh phí cho ban nhạc và dàn âm thanh đi kèm, chưa kể tiền phối khí”.
Tấn Minh khẳng định, không phải bài nào cũng chuyển thành hát mộc với ghi-ta, để tránh dùng âm thanh thu sẵn: “Có những bài tổng phố phối như giao hưởng hoặc nhạc điện tử sao đánh ghi-ta được!”.
Với quy định mới này, NTK Minh Hạnh sẽ phải vừa tổ chức trình diễn thời trang vừa tổ chức hòa nhạc: “Tôi cho rằng hơi kẹt. Người mẫu đi trên nền nhạc do ban nhạc chơi trực tiếp thì quá tốt, chỉ có điều hiện nay một ban nhạc chơi cho thời trang phải cần 8-10 nhạc cụ. Trên thế giới cũng không thể làm điều đó.”
Được biết, ca sĩ hát trong chương trình thời trang do Minh Hạnh tổ chức đều phải hát live nhưng vẫn trên nền nhạc thu sẵn và sẽ rất ít chương trình đủ khả năng đầu tư mời cả ca sĩ + ban nhạc.