Trịnh Kim Chi: Nên đào tạo nhân cách sống cho nghề mẫu

Chủ nhật, 16/12/2012, 15:48
“Giá như các công ty chú trọng thêm vấn đề giáo dục về nhân cách sống, cách đối nhân sử thế cho nghề người mẫu thì tôi nghĩ những hệ lụy và những suy nghĩ "không tới" sẽ không phải là vấn đề đáng lo như hiện nay", diễn viên Trịnh Kim Chi chia sẻ.
Trịnh Kim Chi là một trong những diễn viên giữ được lửa nghề khá lâu so với những đồng nghiệp cùng thời. Trong khi nhiều bạn diễn đã bỏ cuộc chơi, hoặc đã lui về hậu trường, chị vẫn đắt show cả ở lĩnh vực điện ảnh và sân khấu. Vào độ tuổi ngấp nghé tứ tuần, chị bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời nghệ thuật bằng nội lực đầy sung mãn.

Trịnh Kim Chi
Diễn viên Trịnh Kim Chi

Nhiều người vẫn còn nhớ phim đầu tiên mà Trịnh Kim Chi ra mắt công chúng là "Khát vọng sống". Chị có thể chia sẻ đôi chút cơ duyên chị đến với bộ phim này và không khí làm phim cách đây gần 20 năm? 

Thật ra thì thời điểm đó, hãng phim ít và tốc độ làm phim chậm nên cơ hội để có vai diễn không đơn giản như hiện nay. Bộ phim Khát vọng sống của đạo diễn Nguyễn Đạt Hải do Sài Gòn video sản xuất.
 
Đây là một trong những trung tâm sản xuất phim nhiều nhất của TP.HCM lúc bấy giờ, nên khi được nhận vào vai chính tôi vui không thể tả được. Cho dù đó là phim video 45 phút nhưng tôi đã phải thử vai không dưới 5 lần, và phải mất hơn hai tháng để hoàn thành bộ phim vì chỉ quay bằng một máy. Vất vả và thiếu thốn nhưng tất cả đều rất nghiêm túc. 

Vì diễn viên thời đó không có nhiều cơ hội làm phim như các bạn bây giờ nên khi có vai chúng tôi hết mình với nhân vật, đam mê và trách nhiệm với tác phẩm. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rất quí trọng giá trị lao động nghệ thuật.
 
Còn phim ảnh bây giờ mang tính thương mại cao nên cũng khó trách được luồng suy nghĩ đơn giản hoá mọi vấn đề. Nhưng dù sao tôi cũng tin rằng những người có trách nhiệm với phim ảnh Việt Nam vẫn sẽ tìm ra hướng giải quyết vấn đề tốt nhất cho nền điện ảnh VN phát triển tốt hơn trong tương lai gần.

Ở nước ngoài diễn viên vào độ tuổi của Trịnh Kim Chi vẫn còn nhiều cơ hội giữ vai chính, nhưng ở Việt Nam, hầu như ít kịch bản dành vai chính cho diễn viên trung niên. Có khi nào chị cảm thấy chạnh lòng?

trinh kim chi
"Vì diễn viên thời đó không có nhiều cơ hội làm phim như các bạn bây giờ nên khi có vai chúng tôi hết mình với nhân vật, đam mê và trách nhiệm với tác phẩm. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rất quí trọng giá trị lao động nghệ thuật"

Đúng là ở Việt Nam hiếm có kịch bản nào dành cho lứa diễn viên trung niên. Đôi khi tôi tự hỏi phải chăng khán giả chỉ thích diễn viên chính phải đẹp, hay đạo diễn không dám mạo hiểm làm bộ phim khai thác sâu vào tâm lý và ngoại hình chỉ đóng vai trò thứ yếu? Tôi không thể biết rõ lý do. Nhưng tôi vẫn có chút may mắn khi thỉnh thoảng các đạo diễn vẫn dành cho vài vai chính hiếm hoi.
 
Hiện tại tôi đang trên trường quay vai chính Kim Điệp trong phim "Hãy nói về tình yêu". Nhưng theo tôi vai chính hay phụ không phải là vấn đề đáng quan tâm mà quan trọng là vai diễn có để lại ấn tượng cho khán giả hay không mà thôi.

Có ý kiến cho rằng một diễn viên được mời tham gia phim điện ảnh nghĩa là họ ở đẳng cấp cao hơn diễn viên phim truyền hình. Chị có đồng tình với nhận định này?

Bản thân tôi có tham gia hai phim màn ảnh rộng nhưng là phim hài thương mại mang tính giải trí chứ không được liệt vào hàng nghệ thuật. Theo ý kiến cá nhân tôi, đẳng cấp một diễn viên không chỉ được đánh giá qua việc anh hay chị đã từng tham gia phim màn ảnh rộng, hay phim nghệ thuật.
 
Một khi đã là diễn viên thì mục đích hướng tới là mang đến cho khán giả cảm xúc thông qua tác phẩm. Khán giả chấp nhận ai, tung hô ai là tuỳ thuộc vào tài năng của mỗi người. Thực tế nhiều nghệ sỹ không tham gia phim điện ảnh nhưng về tài năng thì họ hơn đứt vô số người.

Ngoài đóng phim, chị còn thử nghiệm vai trò đạo diễn sân khấu qua vở "Cúc cù cu" tại sân khấu Supper Bowl. Chị có thể cho biết cảm xúc ban đầu đảm nhiệm vai trò này, và thực tế diễn ra trên sàn tập như thế nào?
 
Tôi đủ tự tin bắt tay vào dàn dưng kịch bản đầu tiên này nhờ sự khích lệ của các bạn đồng nghiệp, và nhất là NSND Hồng Vân. Tất cả các diễn viên trong vở của tôi đều là những người bạn thân thiết và họ đã hết mình với tôi nên không có trục trặc về nhân sự. 

Khi ngồi vào ghế đạo diễn tôi có hơi bất ngờ vì “ngộ” ra rằng làm diễn viên sướng hơn đạo diễn nhiều. Khi là một diễn viên tôi chỉ nghiên cứu vai diễn, tìm đất diễn cho mình, tung hứng với bạn diễn sao cho khớp.
 
Bây giờ vào vai trò đạo diễn tôi phải làm việc cật lực từ tìm ý tưởng, hoàn chỉnh nội dung, xây dựng đường dây kịch bản đến việc chỉ đạo diễn xuất cho toàn bộ diễn viên. Sau cùng là thăm dò hiệu ứng của khán giả...Ôi, trăm thứ trách nhiệm chứ không đơn giản chút nào, nhưng tôi thấy thú vị vì mình đã có những trải nghiệm đầy thử thách.

Vở kịch đầu tay của chị cũng đã nhận được phản hồi tốt. Chị có đang lên kế hoạch cho một vở diễn khác không?

trinh kim chi

Trước mắt tôi đang cố gắng hoàn thành xong hai bộ phim truyền hình gồm "Hãy nói về tình yêu" (đạo diễn Trương Dũng) và "Bằng chứng vô hình" (đạo diễn Minh Quang). Gần nhất tôi lại vào một vai trong bộ phim 4 tập chiếu tết 2013 "Tết yêu thương" (đạo diễn Chu Thiện- Văn Ruy).
 
Bên sân khấu tôi hy vọng sẽ tham gia kịp một vở kịch Tết. Còn việc dàn dựng vở tiếp theo ư? Tôi chưa biết sẽ thực hiện vào lúc nào, nhưng tôi muốn thử sức với một vở trinh thám, ma mị, tôi vốn thích  tiểu thuyết trinh thám mà ( cười).

Trịnh Kim Chi cũng từng là một người mẫu. Xin chị cho biết vì sao thời của chị, giới người mẫu ít có những hành động tạo dư luận theo hướng tiêu cực như  như bây giờ?

Thật ra nghề người mẫu lứa của tôi đều chỉ là tự phát và tự học hỏi chứ không được đào tạo bài bản và hội nhập như các bạn trẻ ngày nay. Tuy nhiên tôi vẫn phải hãnh diện vì cho tới bây giờ tên tuổi của chúng tôi vẫn còn ở trong lòng khán giả. Có lẽ do thời đó hiếm người mẫu và hoàn cảnh xã hội cũng khiến chúng tôi làm nghề hồn nhiên hơn chăng? (cười). 

Tôi rất ủng hộ các công ty người mẫu đã nỗ lực đào tạo, giúp đỡ các bạn người mẫu có chuyên môn và cơ hội để trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng giá như các công ty người mẫu chú trọng thêm vấn đề giáo dục về nhân cách sống, cách đối nhân sử thế thì tôi nghĩ những hệ lụy và những suy nghĩ "không tới" sẽ không phải là vấn đề đáng lo như hiện nay.
 
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn