Đạo diễn Phan Đăng Di (trái) tại LHP Cannes 2010 |
“Ngày tận thế” cũng là một trong những đề tài được Hollywood mổ xẻ nhiều nhất. Một bài báo còn gọi đó là một “nỗi ám ảnh văn hóa”. Anh có nghĩ thế?
- Gọi là “nỗi ám ảnh làm tiền” của Hollywood thì đúng hơn. Còn nếu có một nỗi ám ảnh về văn hóa thì chúng ta rất nên bị ám ảnh rằng tại sao chúng ta ngày càng vội vàng, tham lam và nghi kỵ lẫn nhau đến vậy. Chúng ta thích làm khổ hơn làm vui nhau và chúng ta cũng không tiếc công làm nát trái đất đến mức sẽ đẩy nó đến tận thế trước khi một thế lực tự nhiên có thể làm điều đó.
Nếu “ngày tận thế” xảy ra, điều anh tiếc nhất cho điện ảnh VN là gì?
- Áo dài Việt rất đẹp mà chưa lần nào được xuất hiện chính thức trên thảm đỏ, ở khu vực quan trọng nhất của 1 trong 3 LHP hàng đầu là Cannes, Venice và Berlin.
Theo anh, Hollywood đã đúng khi bám sát hiện thực?
- Mọi sáng tạo nghệ thuật, dù với mục đích “thiện” nhất thì cũng đều chứa một mối hiểm nguy nào đó khi nó kích thích con người ta suy nghĩ hay hành động. Chuyện sẽ chỉ đáng kể, nếu ai cũng được trao một khẩu súng. Lúc đó chỉ cần một ánh nhìn của một người dưng trên phố cũng có thể khơi nguồn cho thảm họa và câu chuyện vừa xảy ra ở Mỹ là rõ ràng nhất rồi đó!
Vậy sao những bộ phim như “We Need To Talk About Kevin” hay “Elephant” lại được Cannes vinh danh? Khi yếu tố bạo lực không chỉ có ở phim thị trường mà hiện diện cả trong dòng phim nghệ thuật, điều đó theo anh có đáng ngại?
- Thực sự thì tình dục và bạo lực, hay kết hợp của hai thứ đó là chủ đề lớn nhất của hầu hết mọi nền điện ảnh. Lượng phim về chủ đề này thậm chí nhiều đến mức nếu Cannes không trao giải cho những phim như vậy thì chỉ còn nước... giải tán LHP!
Đã bao giờ anh phải lúng túng giữa hai lựa chọn: Những thước phim nặng đô, dội thẳng vào người xem như chính sự trần trụi thô ráp của cuộc sống; hay cái đáng kể nhất ở điện ảnh, là vẽ ra được một giấc mơ?
- Sẽ rất lúng túng nếu làm được những thước phim nặng đô như chị nói mà không đồng thời tìm thấy trong đó một giấc mơ.
Trong nỗ lực bắt chước phim Mỹ để kéo khán giả đến rạp, nhiều bộ phim thị trường ở ta gần đây cũng sử dụng mạnh hơn yếu tố bạo lực. Điều đó theo anh có đáng quan ngại, hay chỉ là “lo bò trắng răng” vì hai lẽ: Kiểm duyệt và còn lâu điện ảnh Việt mới đủ trình độ “nhát ma”?
- Tôi chỉ quan ngại với bất kỳ cái gì nửa vời, kể cả nửa vời trong miêu tả bạo lực.
“Mỹ nhân kế” của Dũng "khùng” chẳng hạn, nghe nói sẽ câu khách bằng một nhóm sát thủ nữ. Khi đọc lời phi lộ này, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi sẽ tò mò đấy nếu lời phi lộ trên sẽ là: “Đây là bộ phim về một nhóm sát thủ nữ cực kỳ xinh đẹp mà... không cô nào có ngực!”
Đã thành quy luật: Hễ năm nào kinh tế suy thoái thì năm ấy Hollywood lập tức kiếm bộn tiền. Nhưng điện ảnh Việt dường như phải đứng ngoài quy luật đó…
- Hollywood mà đã giăng lưới thành công như vậy thì phần còn lại của thế giới chỉ có nước ngửa mặt than trời thôi và điện ảnh VN không nằm ngoài quy luật đó.
Vừa chứng kiến hai tiệc phim: LHP Quốc tế Hà Nội và Yxineff 2012, anh lạc quan hay bi quan về điện ảnh Việt?
- Lạc quan chứ, như Yxineff 2012 mới làm đến năm thứ 3 mà đã có một chất lượng rất là cao cùng một cách vận hành nhẹ nhõm, văn minh, tiết kiệm mà vẫn tràn ngập đam mê. Rất ít thấy được tinh thần như vậy trong các LHP nhà nước, trừ LHP Quốc tế Hà Nội mới đây.
Nhưng món chính trên bàn tiệc là phim Việt, mà cụ thể là LHP Quốc tế Hà Nội thì lại gây thất vọng sâu sắc. Đến nỗi gần như có thể nói một thế hệ đạo diễn đã “xong việc”?
- Vâng, về điểm này tôi sẽ thẳng thắn giống thế.
Với thế hệ đạo diễn đã “xong việc” ấy, theo anh, chúng ta nên giữ thái độ nào với họ?
- Chuyện dung dưỡng các “cây đa” thì đâu cũng thế thôi, ngay cả ở Cannes. Năm nào, chiếc chiếu của Cannes chả dành quá nửa cho các tên tuổi lớn.
Mà các ông lớn không phải bao giờ cũng làm được phim hay, thậm chí nhiều khi cực dở là đằng khác. Nhưng họ vẫn được đặt vào vị trí “trưởng lão danh dự”. Tuy nhiên, bên cạnh sự thiên vị có phần “độc tài” và vô lý này, Cannes lại làm rất tốt việc phát hiện và khuyến khích tài năng trẻ, khiến họ không cảm thấy bị bỏ rơi.
Truyền thống “kính lão” ở ta thì cũng tốt thôi, nhưng “kính trẻ” thì hiếm quá. Tôi luôn ngạc nhiên khi ở ta, nhà nước có thể rót hàng chục tỉ mỗi năm làm phim lễ lạt mà việc phát triển điện ảnh trẻ thì phó thác hoàn toàn cho các quỹ tài trợ nước ngoài.
Đến khi các quỹ này hết tiền thì các tài năng trẻ cũng hết cửa làm phim. Trừ một vài người bằng nỗ lực cá nhân vùng vẫy được tí chút ở bên ngoài, rất khó hy vọng một mùa quả ngọt. Cho nên hai năm nữa khi LHP Quốc tế HN đến hẹn lại lên mà VN vẫn không có phim hay thì có gì là lạ!
Theo Laodong