Hiện tại ở Trung Quốc xuất hiện vô số các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, ngoài các chương trình mang thương hiệu quốc tế được các đài địa phương mua lại bản quyền như Idol, The Voice, X- Factor…thì có không ít những cuộc thi tự phát có quy mô và danh tiếng không hề nhỏ.
Đấy chính là những bàn đẩy giúp cho các bạn trẻ thực sự có tài năng tỏa sáng, đồng thời là nơi nung nấu giấc mộng nổi tiếng của không ít người kém tài nhưng có lợi thế ngoại hình được đứng trên sân khấu.
Ca sĩ trẻ dễ mắc phải những hợp đồng ma chói chặt sự nghiệp của họ trong vòng 10 - 14 năm. |
Những cuộc thi tìm kiếm âm nhạc có sức lan tỏa và thừa khả năng để đưa tên tuổi một người trẻ trở nên nổi tiếng, dù người đó có thực lực hay không. Cách nổi tiếng của những người này được truyền thông quen gọi là “nổi tiếng sau một đêm”.
Dù vậy, trên thực tế, có không ít người sau khi đăng quang bước ra khỏi cuộc thi lại trở nên mờ nhạt, họ gần như dậm chân tại chỗ hoặc biến mất hoàn toàn khỏi làng giải trí.
Số ít khác lại bi-đát hơn khi dính phải hợp đồng với các công ty âm nhạc, thu âm hay giải trí có thời hạn từ 10 – 14 năm để đổi lại danh tiếng trong kìm kẹp.
Dẫn chứng về sự việc trên, trang giải trí Sina nổi tiếng của Trung Quốc đề cập đến nam ca sĩ Lâm Cách - một người có nhiều kinh nghiệm tại các cuộc thi ca hát và tìm kiếm tài năng âm nhạc ở Trung Quốc.
Ca sĩ Lâm Cách. |
Lâm Cách đã “chinh chiến” nhiều với các cuộc thi cũng với hy vọng đổi đời, tỏa sáng và theo anh, dù nhận được nhiều lời mời gọi từ phía các công ty ghi âm, công ty quản lý ca sĩ, anh đều lắc đầu từ chối.
Lâm Cách giải thích: “Loại hợp đồng mà các công ty này đưa ra gần như một cái bẫy, chỉ cần ký là bạn trở thành người của họ với thời gian từ 10 – 14 năm. Hơn nữa, trong hợp đồng không hề có một kế hoạch hay chiến lược chi tiết, cụ thể về sự nghiệp ca hát trong tương lai cho ca sĩ, chỉ đơn giản là những lời hứa kiểu như sẽ ra album trong vòng 3 – 5 năm và không hề nói rõ khi nào bạn sẽ thành danh, đương nhiên cũng có thể là chẳng bao giờ bạn nổi tiếng cả”.
Theo cách nhìn nhận của Lâm Cách, loại hợp đồng này thực sự là một sợi dây chói chặt ca sĩ trẻ với công ty quản lý. Khi đã là người của họ thì ca sĩ sẽ không được đưa ra quyết định hay lựa chọn của chính bản thân.
“Những ca sĩ vào tay họ sẽ giống như gà đẻ trứng vàng, họ vắt kiệt sức lực của bạn để mang lại lợi nhuận, bắt lao động bao nhiêu thì bạn phải hy sinh bấy nhiêu. Việc ký hợp đồng này không khác một canh bạc, do đó rốt cục thì tôi chọn cách là một ca sĩ tự do”, Lâm Cách tâm sự.
Tại các cuộc thi tài năng âm nhạc, thường các công ty ghi âm, quản lý ca sĩ sẽ chú ý đến những thí sinh có cá tính, giọng hát hay phong cách lạ. Họ cũng khá mặn mà với thí sinh được bầu chọn và yêu thích nhất từ phía khán giả, đặc biệt là những vị trí top 3 hay quán quân của cuộc thi.
Những hợp đồng được cho là không rõ ràng rất dễ trở thành cái bẫy cho những người trẻ mới bước ra từ các cuộc thi dính phải. Đây có lẽ là điều đáng tiếc và là bài học lớn cho các bạn trẻ nuôi mộng nổi tiếng ý thức về cái giá mà họ sẽ có thể hứng chịu khi đối diện với những “hợp đồng ma” từ các công ty quản lý âm nhạc ở Trung Quốc.
Theo GDVN