Hollywood vượt ải kiểm duyệt Trung Quốc như thế nào?

Thứ năm, 02/05/2013, 16:59
Phải đến vụ việc ầm ĩ “Iron Man 3” có “phiên bản Trung Quốc”, người ta mới té ngửa về những “đường vòng” giúp Hollywood thâm nhập thị trường này. 

Sự kiện “Người sắt 3” hốt bạc khắp thế giới gần như đã được dự báo trước không chỉ bởi sức hút của nhân vật, cách làm phim hoành tráng hay chi phí quảng bá lớn, mà còn ở cách phát hành khôn khéo của Disney.

Để làm hài lòng nhà kiểm duyệt và những khán giả dễ tổn thương lòng tự tôn dân tộc ở Trung Quốc, Disney đã có hẳn một phiên bản “Người sắt 3” cho thị trường Trung Quốc.

Với sự thêm thắt đôi chút và có sự góp mặt của ngôi sao địa phương Phạm Băng Băng và Vương Học Kỳ, phiên bản này được dành riêng chiếu tại Trung Quốc, nơi có thể bỏ túi dễ dàng hàng chục triệu USD!

Thậm chí, sau vài râm ran có thể gây khó cho bộ phim, rằng nhân vật phản diện Mandarin chính là…người Trung Quốc, nhà sản xuất Kevin Feige phải vội lên tiếng thanh minh về tính phi sắc tộc và mơ hồ về nguồn gốc của nhân vật này.

Ông nói chiếc áo choàng với đầy những biểu tượng Trung Quốc, vẽ Rồng vẽ Phượng của hắn chỉ thể hiện nỗi ám ảnh đối với Tôn Tử và các tài liệu binh pháp chiến tranh mà hắn nghiên cứu.

Có một điều chắc chắn: không nhà sản xuất nào ở kinh đô điện ảnh Hollywood có thể nhắm mắt làm ngơ trước thị trường chiếu bóng Trung Quốc với hơn 12 ngàn màn ảnh (theo Wikipedia). Tổng doanh thu phòng vé của nó được nói tăng hơn 30% trong năm ngoái, chạm mức 2,77 tỷ USD, chỉ đứng sau khu vực Bắc Mỹ. Tính trung bình mỗi ngày, đất nước rộng lớn với 1,34 tỷ dân lại mọc lên thêm một rạp mới.

phim Hollywood

“Iron Man 3” phiên bản Trung Quốc có sự góp mặt của Phạm Băng Băng.

Nhưng chiếc bánh ngon thường không dễ xí phần. Để kiếm được tấm giấy thông hành vào thị trường này, trước hết, phim phải thông qua một công ty nhập phim duy nhất do nhà nước Trung Quốc quản lý để được lọt vào danh sách hạn mức 34 phim nhập ngoại mỗi năm, trong đó 14 phim phải nằm ở định dạng 3D hoặc IMAX.

Tiếp theo, nội dung bộ phim phải được 37 thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua. Họ gồm các quan chức, viện sĩ, biên tập tạp chí điện ảnh và đạo diễn, cùng ngồi lại xem xét các chi tiết hình ảnh, lời thoại liên quan đến tình dục, bạo lực và yếu tố chính trị “nhạy cảm” của bộ phim.

Trung Quốc hiện không có hệ thống phân loại phim. Luật về điện ảnh cũng khá chung chung, mơ hồ. Do vậy, quyết định kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim thường bị phản ứng là xuất phát từ cảm tính của các thành viên. Mặt khác, hiện không có cơ chế để người nhận phán quyết có thể khiếu nại hội đồng.

Với đủ loại lý do khác nhau, các mức độ kiểm duyệt được đưa ra biến chuyển khá phong phú. Từ cắt gọt, chỉnh sửa vài cảnh, vài lời thoại cho tới mức cao nhất là cấm chiếu. Chẳng hạn như “Iron Man 2”, khi trình chiếu tại Trung Quốc hồi năm 2010, phải bỏ hết tất cả những từ “nước Nga”, “người Nga” trong phần phụ đề. Có lẽ để “giúp” cho quan hệ bang giao giữa hai nhà nước?

Còn “Iron Man 3” phải đổi tên nhân vật kẻ thù của người sắt là “Mandarin” (do Ben Kingsley đóng) thành “Man Daren” để tránh gợi ý hắn chính là… người Trung Quốc. Bên cạnh ý nghĩa là tiếng phổ thông ở Trung Quốc, Mandarin còn có nghĩa là quân sư.

phim Hollywood

“Cloud Atlas” bị cắt tới gần 40 phút khi trình chiếu tại Trung Quốc hồi tháng 1/2013.

Bi kịch gần đây nhất phải kể tới trường hợp của “Cloud Atlas”. Bộ phim dài 172 phút nhưng bị cắt gọt tới gần 40 phút, gồm các cảnh yêu đương đồng tính lẫn dị tính, khiến nội dung phim vốn đã phức tạp, lại càng thêm khó hiểu. Phim được 5 đề cử Oscar "Django Unchained" vừa công chiếu thì bị rút khỏi tất cả các rạp "vì lý do kỹ thuật".

Trường hợp cấm chiếu gần đây có phim đồng tính “Brokeback Mountain”, phim “Memoirs of a Geisha” có hai cô đào người Trung Quốc là Củng Lợi và Chương Tử Di đóng vai geisha Nhật, phim “Cướp biển 3” có Châu Nhuận Phát đóng vai cướp biển Trung Hoa…

Phim của các đạo diễn Trung Quốc làm về đề tài nhạy cảm như cách mạng văn hóa cùng chung số phận bị cấm chiếu như phim nhập ngoại. Điển hình là bộ phim đoạt Cành cọ vàng 1993 “Bá vương biệt cơ”. Hay các phim tố cáo hiện thực xã hội của Trương Nghệ Mưu như “Thu Cúc đi kiện”, “Phải sống”, “Đèn lồng đỏ treo cao”…

Đứng trước những khó khăn nói trên, Hollywood đang có nhiều động thái cho thấy sự “tranh thủ” cảm tình của quan chức điện ảnh Trung Quốc bằng cách cùng hợp tác sản xuất phim với doanh nghiệp nước này.

Mối giao lưu giữa hai nền điện ảnh đang dần nhộn nhịp lên qua hình ảnh hãng Paramount cử người đến nước này tuyển 4 nam diễn viên cho “Transformers 4” thông qua một show truyền hình thực tế. Dreamworks đang lên kế hoạch làm một phim hoạt hình đặt bối cảnh ở Tây Tạng. “Kungfu Panda 3” có sự góp vốn của đối tác Trung Quốc…

phim Hollywood

"Kungfu Panda”, phim hoạt hình của Hollywood khai thác hình ảnh gấu Trúc, một biểu trưng của đất nước Trung Quốc.

Thực tế, sự hợp tác nói trên đã cho ra một số kết quả gây nhiều phản ứng gần đây. Những bộ phim bom tấn Hollywood như “Looper”, “Iron Man 3” hẳn đã gây ngộ nhận cho giới chức Trung Quốc rằng chúng sẽ góp phần đưa hình ảnh đất nước và con người Trung Quốc đi khắp thế giới. Điều mà điện ảnh của họ nhiều năm qua vẫn chưa làm được, dù đã phô hết khả năng công nghệ làm phim, lục lọi di sản văn hóa để đem ra xào nấu đủ kiểu nhằm thị uy thiên hạ.

Những “phiên bản phim” dành riêng cho người Trung Quốc, với sự thêm thắt đôi chút nội dung xảy ra tại đây và sự góp mặt của một hai ngôi sao địa phương, hôm nay đã biến thành sự mỉa mai và trò cười cho cả thế giới.

Như một lon nước ngọt, hóa ra người ta cũng có thể “đóng hộp” một sản phẩm nghệ thuật cho vừa với chiếc khung kiểm duyệt của một không gian điện ảnh toàn trị. Riêng phần còn lại của thế giới vẫn có thể cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và gần gũi trong niềm chia sẻ chung sự đa dạng của những giá trị sống, mà nghệ thuật thứ bảy - bằng quyền năng của nó - đã mang lại.

Theo VNN

Các tin cũ hơn