Huy Khánh: Sao Việt đến Cannes là để ‘ăn liên hoan’

Thứ bảy, 25/05/2013, 09:29
Từng có mặt trên thảm đỏ của Cannes, diễn viên Huy Khánh đã có những chia sẻ để công chúng hình dung chính xác hơn về câu chuyện này.

"Đến hẹn lại lên”, năm nào cũng vậy, hễ nghệ sĩ Việt tham dự Liên hoan phim Cannes hay Oscar là công chúng trong nước lại có dịp bàn ra tán vào, từ việc họ mặc như thế nào, đi với vai trò gì... cho đến chê trách, giễu cợt họ chưa xứng tầm để tham dự một Liên hoan phim tầm cỡ như thế… Từng có mặt trên thảm đỏ của Cannes, diễn viên Huy Khánh đã có những chia sẻ để công chúng hình dung chính xác hơn về câu chuyện này.

Lien Hoan Phim Cannes

Đoàn nghệ sĩ Việt tham gia LHP Cannes 2013

Chả có gì phải ầm ĩ!

Đây là năm thứ 4, đoàn nghệ sĩ Việt Nam được mời tham dự Liên hoan phim (LHP) Cannes theo hình thức xã hội hóa (do một hãng rượu tài trợ). Dù đã rất cố gắng “dung hòa” các thành phần tham gia, có lớp nghệ sĩ đã thành danh - đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Dustin Nguyễn, có những gương mặt trẻ mới nổi - Vân Trang, Khương Ngọc, Trúc Diễm, Maya, Lý Nhã Kỳ… nhưng sự khắt khe, cầu toàn vẫn được công chúng đặt ra với nghệ sĩ.

Lien Hoan Phim Cannes

Trước áp lực mà đoàn nghệ sĩ năm nay đang gặp phải từ báo chí và công chúng trong nước, diễn viên Huy Khánh - người đã từng đến LHP Cannes2010 thở dài: “Đây là lần thứ 4 đoàn nghệ sĩ Việt Nam có mặt tại LHP này nhưng tôi thấy năm nào người ta cũng bàn tán về nó. Đó là do sự đố kỵ, thiếu hiểu biết hay coi thường nghệ sĩ thì tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi thấy sự việc chả có gì mà phải ầm ĩ.

Nếu để đi theo hình thức chính thống, tức là anh có phim tham gia Liên hoan và được ban tổ chức mời thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới được xuất hiện ở Cannes?! Chính vì vậy, việc chúng ta chưa có phim mà vẫn được đến đó là một vinh dự chứ sao lại xét nét nghệ sĩ?

Để được đến đó, đơn vị tài trợ đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để lo cho nghệ sĩ, nếu công chúng cứ khắt khe, chê trách như thế thì họ cũng không còn hứng thú để mà mời nghệ sĩ nữa. Vô tình lại làm mất đi cơ hội cho nhiều người mong muốn có mặt vào những năm sau…”.

Lý Nhã Kỳ không muốn đi chung là quyền của cô ấy

Về câu hỏi “có nhất thiết cứ phải là người có đóng góp mới được đếnCannes?”, diễn viên Huy Khánh chia sẻ: “Với một LHP tầm cỡ thế giới và lâu đời như Cannes thì có rất nhiều cách thức để điện ảnh các nước được tham dự. Ngoài các đoàn có phim tranh giải, được ban tổ chức trực tiếp mời thì phần lớn là khách mời danh dự. Nghệ sĩ Việt Nam đi trong diện được một hãng rượu là đơn vị tài trợ cho LHP Cannes mời.

Cứ coi như người ta đến để dự LHP thì mình đến để “ăn liên hoan”, đi du lịch, xem phim, học hỏi… Đừng nặng nề đòi hỏi họ phải ăn mặc đẹp, được lưu lại trên thảm đỏ bao lâu, có được chụp hình hay không…

Bởi ngay cả với những ngôi sao thế giới, nếu không thuộc thành phần chính - tức là không có mặt trong các phim được tham dự - thì cũng chỉ được lưu lại trên thảm đỏ vài giây thôi. Nếu đứng quá thì ngay lập tức sẽ có nhân viên nhắc nhở và mời tiến vào bên trong để nhường “đất” cho đoàn khác”.

Lien Hoan Phim Cannes

Tuy nhiên, diễn viên Huy Khánh cũng cho rằng, sở dĩ có sự khắt khe của công chúng là do họ chưa hiểu “tiêu chí” của LHP. Thế nên, anh cũng không lấy làm buồn khi nhận được những phản ứng chê trách của công chúng dành cho mình và các nghệ sĩ:

“Dư luận thì muôn thủa vẫn thế thôi. Cái mình học được, cảm nhận được mới là của mình. Những ai từng đến Cannes đều sẽ thấy đó là chuyến đi không hoài phí. Đó là sự chuyên nghiệp và bình đẳng, bất kể anh là ngôi sao hay là diễn viên mới nổi, thuộc nước giàu hay nước nghèo… Chỉ cần anh là nghệ sĩ, được mời đến Cannes thì đều được tôn trọng, ở chung một khách sạn, được ăn cùng một nhà hàng chứ không có chuyện phân biệt đối xử”.

Song song với việc mổ xẻ nghệ sĩ Việt làm gì ở LHP Cannes, nhiều ý kiến cũng tỏ ra bất bình trước việc Lý Nhã Kỳ “đánh quả lẻ” mà ít có sự gắn kết với người trong đoàn.

Diễn viên Huy Khánh cho rằng: “Mỗi người có một cách ứng xử khác nhau, nếu họ không muốn đi chung thì đó là quyền của họ, nhưng tôi nghĩ khán giả nhìn vào sẽ khó mà đồng tình với điều đó. Có thể vì họ nghĩ mình là “ngôi sao”, là “đẳng cấp” hơn nên mới cư xử như vậy. Như tôi đã nói, nghệ sĩ Việt đến đó là để xem phim, đi du lịch và “ăn liên hoan” nên việc họ làm gì, làm thế nào ở đó thì tôi thấy không có gì để phải bận tâm cả”.

 LHP Cannes có gì mà phải long trọng hóa?

Xung quanh câu chuyện này, một đạo diễn gạo cội chia sẻ: Tôi đã hai lần được mời đến Cannes (một lần do cá nhân mời, một lần do Cộng đồng Pháp ngữ mời) nên hiểu rõ cách thức tham gia LHP này.

Lien Hoan Phim Cannes

Có ba hình thức để đến Cannes: một là thành phần chính thức (có phim tham gia giải), hai là khách mời, ba là khán giả tự bỏ tiền ra mua vé đến xem. Cả ba hình thức này đều được xuất hiện trên thảm đỏ, vì Nhà hát nơi diễn ra LHP Cannes chỉ có duy nhất một con đường để dẫn vào khán phòng. Thế thì có gì mà phải long trọng hóa?

Nếu là sự kiện ban ngày thì việc ăn mặc như thế nào là quyền của họ, miễn là không quá nhếch nhác. Nhưng là sự kiện buổi tối thì khác. Bắt buộc phải là trang phục dạ hội cho nữ, comple có thắt nơ dành cho nam và họ ghi rõ trong thiệp mời. Tôi đã từng bị từ chối không cho vào chỉ vì trang phục không có nơ đen. Nhưng họ có hẳn một dịch vụ cho thuê trang phục, nơ để đề phòng những trường hợp bị mời ra như tôi.

Tóm lại một điều rằng, việc nghệ sĩ Việt đến Cannes không có gì để phải ầm ĩ bàn ra tán vào, vì thực chất họ cũng chỉ là khán giả đi xem phim mà thôi, sao lại phải chê bai, giễu cợt họ làm gì, mặc gì ở Cannes? 

Theo TTVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn