Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải, chủ tịch VAFI, nói:
- Thu ngân sách nhà nước khó khăn nhưng thực tế VN chủ yếu tập trung vào khu vực kinh doanh thuần túy trong khi còn rất nhiều tài sản, nguồn thu lại chưa được tính đến. Qua nghiên cứu, VAFI đề nghị Thủ tướng, các bộ, đại biểu Quốc hội xem xét năm kiến nghị.
Thứ nhất, tập trung bán cổ phần nhà nước tại các công ty đang kinh doanh hiệu quả, như MobiFone, Viettel, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk... Theo tôi, chỉ riêng khoản này Nhà nước đã có thể thu về khoảng 5 tỉ USD. Thứ hai, hiện chính quyền địa phương, như Hà Nội và TP.HCM, đang nắm những doanh nghiệp hoặc phần vốn góp ở những bất động sản giá trị lớn. Nên bán đi. Thứ ba, cần cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế nhằm thu cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Riêng khoản này nếu đặt ra, theo tính toán của chúng tôi, có thể thu về ít nhất 2 tỉ USD/năm. Thứ tư, cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vàng miếng để chấm dứt vàng hóa nền kinh tế. Thứ năm, ưu tiên phát triển thị trường chứng khoán để thu hút vốn...
Theo VAFI, chỉ cần bán 20% cổ phần của MobiFone, Vinaphone (thuộc Tập đoàn VNPT), Nhà nước sẽ thu được hàng tỉ USD - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Căn cứ vào đâu ông nêu có thể thu được 5 tỉ USD? Có ý kiến cho rằng những doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, tại sao lại phải bán đi. Khu vực kinh tế nhà nước cần giữ để định hướng thị trường theo đặc thù của VN?
"Những năm 1996 - 1997, chúng ta vẫn còn quy định thuế khi sử dụng vốn nhà nước giao với mức 4%/ năm. Nếu vẫn giữ mức thuế này thì mỗi năm nhà nước cũng thu được hàng tỉ USD" Ông Nguyễn Hoàng Hải |
- Hiện nay cổ phần hóa những doanh nghiệp bình thường thì khó, nhưng những doanh nghiệp tốt như Bia Sài Gòn, Vinamilk... nếu ta bán vốn nhà nước đi, rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng vào. Đơn cử, chỉ cần bán 40% cổ phần Bia Sài Gòn thôi, chúng tôi tính toán đã có thể thu về trên 1 tỉ USD.
Vì cách đây vài năm, có một số đối tác nước ngoài sẵn sàng trả giá nhưng giao dịch vẫn chưa thành công. Hay tính trên tài sản hiện nay, chỉ cần bán thêm 20% cổ phần của MobiFone, Vinaphone cũng thu được mấy tỉ USD. Đó là chưa kể Vinamilk, hiện nay phần vốn nhà nước đang do Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước nắm.
Chúng tôi tính nếu Nhà nước bán vốn tại những doanh nghiệp kể trên, có thể thu 5-10 tỉ USD. Nếu Chính phủ quyết bán đi, ngoài việc thu được tiền, cái được nữa là các doanh nghiệp sau đó thường hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn.
* Nghĩa là theo ông, Nhà nước không nên tay này điều hành xã hội, tay kia điều khiển doanh nghiệp kinh doanh?
- Cần xem lại vai trò của Nhà nước. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý xã hội, ra chính sách để tạo điều kiện phát triển kinh doanh, đảm bảo phúc lợi, an ninh quốc phòng... Còn việc kinh doanh nên giao lại cho dân doanh. Trên thế giới, không nhà nước nào có thể quản lý tốt việc kinh doanh cả, nên ngay cả Mỹ cũng phải để người dân kinh doanh.
Nếu cứ giữ như hiện nay, theo tôi, ngoài việc Chính phủ phải tăng vay, tăng bội chi có thể ảnh hưởng đến an toàn tài chính, thì bản thân các doanh nghiệp đang làm ăn tốt lại có nguy cơ mất giá và bị thiệt hại. Như Vinamilk, sự phát triển vượt bậc của nó thời gian qua gần như từ vai trò cá nhân lãnh đạo và bộ máy của doanh nghiệp, chứ không phải do điều hành từ Nhà nước.
Nhưng lãnh đạo hiện nay của Vinamilk, do Nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn, nên sẽ vẫn phải do đại diện Nhà nước bổ nhiệm. Nói thẳng vài năm sau, bà chủ tịch Mai Kiều Liên nghỉ hưu, người khác lên, liệu còn giữ được đà phát triển hay không? Rất nhiều trường hợp lãnh đạo mới, doanh nghiệp đi xuống...
* Tại sao ông đề nghị Hà Nội và TP.HCM cần bán những khách sạn, trung tâm thương mại?
- VAFI cho rằng TP.HCM và Hà Nội đang cần rất nhiều vốn để giải tỏa những bức xúc về hạ tầng, đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Nên hai thành phố cần đi tiên phong trong việc bán những bất động sản có giá trị lớn ở các vị trí trung tâm. Những địa chỉ đó còn rất nhiều, đang được quản lý bởi DNNN hay phần vốn góp của thành phố, như khách sạn Rex, Caravelle, Metropole...
Các khách sạn, trung tâm thương mại có vốn nhà nước này hiện không mang lại một đồng ngân sách nào cho các thành phố. Bởi làm ra lợi nhuận, chúng lại được phân phối về cho DNNN. Rồi chúng cũng có thể bị thiệt hại do DNNN đầu tư dàn trải.
Trong khi đó, hằng năm Nhà nước vẫn đang phải phát hành trái phiếu và trả lãi suất 8-9%/năm. Nếu bán các tài sản trên, chúng tôi tính Hà Nội và TP.HCM sẽ có tiền để làm ngay sáu đường tàu điện nội ô mà không cần chờ hỗ trợ của trung ương... Tôi tin nếu hai thành phố quyết tâm, làm tờ trình lên, nói bán để làm tàu điện ngầm, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thì trung ương sẽ đồng ý, dân sẽ vỗ tay...
* Với đề xuất thu cổ tức từ DNNN, có lo ngại các doanh nghiệp này sẽ không có vốn để tiếp tục phát triển?
- Nhà nước, với tư cách một chủ đầu tư vào doanh nghiệp, nên thu cổ tức như những nhà đầu tư khác. Nếu thu cổ tức hằng năm từ các doanh nghiệp như Vinaphone, MobiFone, Viettel, Tập đoàn Dầu khí, EVN, SCIC... thì hằng năm ngân sách sẽ có thêm ít nhất 2 tỉ USD.
Đó là khiêm tốn, bởi chỉ riêng trường hợp của PVN, với vốn điều lệ gần 10 tỉ USD, được giao khối tài nguyên thiên nhiên khổng lồ nhưng doanh nghiệp này không phải nộp một đồng cổ tức nào. Nếu doanh nghiệp này nộp cổ tức chỉ 10% như các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khác thì Nhà nước mỗi năm đã có ít nhất 1 tỉ USD.
Thực tế, hiện có nhiều doanh nghiệp lương nhân viên trung bình chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, kinh doanh ở ngành nghề cạnh tranh khốc liệt nhưng giám đốc vẫn phải cố để có thể trả cổ tức 10%/năm. Vậy tại sao các tập đoàn lương cao gấp 10 lần không làm được? Nếu VAFI được giao nhiệm vụ quản lý PVN, chúng tôi sẽ đảm bảo nộp cổ tức cho Nhà nước mỗi năm ít nhất 1 tỉ USD và năm sau sẽ cao hơn năm trước.
Ông Nguyễn Văn Phúc (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội): Gợi ý rất quan trọng Theo tôi, đề xuất của VAFI quanh việc bán bớt cổ phần tại các DNNN như Vinamilk, MobiFone, Saigontourist... là đáng suy nghĩ. Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế vừa tổ chức ở Huế, nhiều ý kiến cũng đồng tình như vậy. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, đây là gợi ý quan trọng cho Ủy ban kinh tế cũng như các đại biểu Quốc hội khi thảo luận kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng đã có nghị định, trong đó nêu lộ trình bán vốn nhà nước ở từng loại hình DNNN. Trong tình hình mới, nghị định của Chính phủ vẫn có thể hoàn thiện thêm. Đề nghị tăng bội chi ngân sách đang được cân nhắc nên hiện nay, nếu có thể sử dụng được các nguồn lực khác để giảm bội chi thì cũng cần cân nhắc và có thể chấp nhận được... tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước triển khai thực hiện các quy hoạch, sử dụng quỹ đất có hiệu quả, tránh thất thoát. |
Ông Đặng Quyết Tiến (Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính): 9 tháng, mới chỉ cổ phần hóa được khoảng chục DNNN Từ đầu năm đến nay, chỉ có khoảng chục DNNN được cổ phần hóa (CPH). Để đẩy nhanh tiến độ CPH các DNNN, Bộ Tài chính trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận việc thực hiện điều chỉnh cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN CPH. Theo hướng tất cả diện tích đất DN CPH đang quản lý và sử dụng phục vụ sản xuất kinh doanh phải chuyển sang ký hợp đồng thuê đất có thời hạn chứ không giao như hiện nay. Quy định này sẽ khắc phục bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình CPH. Đồng thời quy định này còn tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước triển khai thực hiện các quy hoạch, sử dụng quỹ đất có hiệu quả, tránh thất thoát trong công tác quản lý, sử dụng đất tại các DN trong thời gian qua. |
Theo Tuổi Trẻ