|
Đội hình của Australia ngày ấy, được dẫn dắt bởi HLV nổi tiếng Guus Hiddink, gồm toàn những cầu thủ đang chơi ở những đội bóng lớn ở châu Âu, đặc biệt là Premier League. Ta có thể kể ra thủ thành Mark Schwarzer, các hậu vệ Lucas Neill, Craig Moore, các tiền vệ Brett Emerton, Tim Cahill, Mark Bresciano và bộ ba Viduka, Kewell, Aloisi trên hàng tiền đạo. Đó là thế hệ đã góp phần tạo nên bộ mặt của bóng đá Australia trên trường thế giới, cũng là thế hệ đã tạo cảm hứng cho bóng đá ở xứ chuột túi, vốn không phải là môn thể thao được yêu thích nhất.
Nhưng Thế hệ vàng nào cũng có điểm dừng.World Cup2014, đội hình của Australia chỉ còn lại Cahill và Bresciano. World Cup 2018, Cahill vẫn còn đó, nhưng đã 38 tuổi và không còn tạo được ảnh hưởng như trước. Sự có mặt của anh hầu như chỉ mang tính biểu tượng; HLV Bert van Marwijk cần anh như một thủ lĩnh tinh thần để dẫn dắt lứa cầu thủ trẻ, còn thiếu kinh nghiệm đỉnh cao và đặc biệt là không phải những người nổi bật nếu xét về tài năng.
Rõ ràng là có khoảng trống lớn về lực lượng của Australia sau khi Thế hệ vàng lần lượt chia tay đội tuyển. Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng đó là vấn đề lớn. Cựu tuyển thủ Ljubo Milicevic chẳng hạn. Theo Milicevic, lứa cầu thủ của Australia hiện tại không có ngôi sao, nhưng làm được nhiều hơn Thế hệ vàng. Trong khi Thế hệ vàng hoàn toàn trắng tay trên khía cạnh thành tích đội tuyển, thì thế hệ này đã vô địch châu Á năm 2015, và tất nhiên đã giúp Australia lần thứ tư góp mặt ở World Cup.
Không có những cá nhân nổi bật, đôi khi, lại thúc đẩy các HLV chú ý nhiều hơn tới việc tổ chức lối chơi dựa trên sức mạnh tập thể. Và ở World Cup, thì sức mạnh tập thể mới là thứ giúp các đội bóng làm nên chuyện...
Theo BongdaPlus