B-Bình Dương: Bệnh nhà giàu và nỗi nhớ mang tên Huỳnh Kesley

Thứ năm, 01/03/2012, 23:20
Tập đoàn Becamex Bình Dương luôn được người ta ví như “bầu sữa” không bao giờ cạn sẵn sàng “nạp” năng lượng cho đội bóng đất Thủ bất cứ lúc nào. Vì thế, đội bóng B-Bình Dương luôn được xếp vào hàng những đội bóng giàu nhất V-League. Nhưng cũng chính vì cái danh này mà “căn bệnh” nhà giàu thường xuyên tái phát, khiến hình ảnh một Cựu vương V-League ngày càng nhạt nhòa.


Với mức lương và số tiền lót tay hậu hĩnh cùng với một chế độ đãi ngộ cao ngất ngưởng như cấp nhà, cấp đất, B-Bình Dương lâu nay luôn được xem là bến đỗ lý tưởng với những cầu thủ muốn đổi đời.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Chính sách mua sắm một cách ồ ạt không điểm dừng của HLV cũng như BLĐ đội bóng đất Thủ không những không mang lại hiệu quả mà có vẻ nó đang phản tác dụng bởi “ngôi sao” ở đây không thiếu nhưng mức độ lệch pha giữa các tuyến là điều có thể trông thấy rõ.

Những năm trước, BLĐ B-Bình Dương có một tôn chỉ là tự mình tìm kiếm và liên hệ với cầu thủ kể cả ngoại binh chứ hầu như không dựa dẫm vào “cò” môi giới. Với túi tiền của mình, B-Bình Dương đã mang về nhiều tên nổi đình nổi đám và đây chính là điểm tựa giúp họ ẵm hai chức vô địch V-League 2007 và 2008 cùng chức Á quân 2009.

Bước vào mùa giải 2012 sau hai năm đổ tiền đầu tư mà không mang lại lợi nhuận, BLĐ B-Bình Dương quyết tâm vực dậy hình ảnh một Cựu vương V-League như ngày nào. Bước đi đầu tiên của họ là gọi lại người cũ Lê Thụy Hải vào chiếc ghế “thuyền trưởng”, Trở lại sau 3 năm xa cách, gạt bỏ hết hiềm khích xưa cũ. Ông Hải bắt tay ngay vào việc cải tổ đội bóng.

Trước khi chia tay đội bóng cũ Thanh Hóa để đến B-Bình Dương, ông Hải kịp dẫn một loạt học trò của mình theo. Đó là những cái tên như: Công Huy, Tuấn Tùng, Quang Vinh, Trọng Giáp. Để tạo điều kiện cho ông Hải làm việc, B-Bình Dương đã đồng ý chiêu mộ số cầu thủ này, mặc dù có thể nói họ chỉ thuộc dạng tầm trung V-League.
Tại vị ở Bình Dương chưa đầy vài tháng, ông Hải phải khăn gói ra đi do mâu thuẫn với BLĐ nhưng con người mà ông mang đến thì vẫn tồn tại nơi đây.

Có một điều rất lạ ở đây là BLĐ lại sắm vai người đi chợ, mà thực chất công việc này phải thuộc quyền hạn của HLV. Ở đây, lãnh đạo đi mua “nguyên liệu” và HLV chỉ có quyền “nêm nếm gia vị” sao cho B-Bình Dương thành “món ăn” ngon nhất. Đây là một trong những nguyên nhân ông Hải “lơ” rời đất Thủ.

Tiếp quản đội bóng sau khi ông Hải “lơ” ra đi, HLV Đặng Trần Chỉnh đứng trước một mớ bòng bong giữa cái cũ và cái mới. Chính điều này làm ông Chỉnh phải đau đầu khi bố trí nhân sự cũng như sắp xếp đội hình. Và sự vận hành không mấy được trơn tru suốt những vòng đấu cho thấy sai lầm kiểu “bắt cóc bỏ dỉa” của BLĐ nơi đây.
 

 

Philani ( áo đỏ) không còn là chỗ dựa nơi hàng công của B-Bình Dương


Hàng công nghèo nàn

Sau 7 vòng đấu, đội bóng đất Thủ mới chỉ ghi được đúng 7 bàn thắng., chỉ hơn đội xếp cuối Thanh Hóa  2 bàn. Với những tiền đạo thuộc hàng sao số mà B-Bình Dương đang có trong tay như: Fortune, Philani, Việt Thắng, Tăng Tuấn, Anh Đức, Umony thì số bàn thắng trên quả thật đáng thất vọng.

Không khó để lý giải nguyên nhân này khi tiền đạo của B-Bình Dương đa nhưng không tinh. Trong số những tiền đạo B-Bình Dương đang có chưa ai đủ khả năng sắm vai một tiền đạo cắm đúng nghĩa với bản năng “sát thủ” của mình. Mỗi người đều có điềm mạnh riêng nhưng tựu chung lại việc ghi bàn thì chưa ai làm được cả.

Bộ 3 cầu thủ ngoại binh tuyến đầu là Fortune, Philani và Umony chưa phát huy được khả năng của mình. Fortune ngày càng sa sút phong độ ở vị trí tiền đạo cắm, Phillani đã luống tuổi nên không mạnh ở khả năng tỳ đè và buộc phải thường xuyên dạt biên để tìm khoảng trống. Ở B-Bình Dương, có lẽ Việt Thắng là mẫu tiền đạo cắm duy nhất có thể đảm đương tốt việc ghi bàn nhưng anh lại rất ít được ra sân thi đấu. Anh Đức là người được ông Chỉnh kỳ vọng nhất nhưng độ “củi” và sự vô duyên khiến anh đang ngày càng mất điểm.

Việc B-Bình Dương “khát” bàn thắng có phần nằm ở những sai lầm trong chiến thuật của ông Chỉnh. Lối đá quá cầu toàn mang phong cách Cảng Sài Gòn đang ngày càng triệt tiêu đi những ưu thế của cầu thủ nơi đây. Trong một vài trận gặp SLNA, Thanh Hóa, Navibank Sài Gòn và mới đây nhất là Cao Su Đồng Tháp, ông Chỉnh vẫn giữ quan điểm phải có 3-4 bóng dáng áo đỏ phần sân nhà. Điều này vô tình ngăn cản sức tấn công của B-Bình Dương và được xem là một sự lãng phí.

Có thể nói chưa bao giờ hàng công của B-Bình Dương lại bị đánh giá yếu đến thế. Sai lầm từ những chính sách mua sắm của lãnh đạo cộng với cách làm việc có phần chủ quan của HLV Đặng Trần Chỉnh đang khiến B-Bình Dương chuệch choạc. Ở sân Gò Đậu bây giờ, nỗi nhớ mang tên Huỳnh Kesly vẫn luôn ngự trị mỗi khi B-Bình Dương bế tắc.

Còn chờ gì nữa, cải tổ đi Cựu vương !

 

Minh Phước(TH)

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích