HLV nội cho ĐTQG: Đã đến lúc trao niềm tin

Thứ năm, 01/03/2012, 23:35
Từ Tavares đến Weigang, Murphy, Riedl, Calisto… những cái tên ngoại luôn hiện diện trong danh sách đăng ký trận đấu ở vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam. Nhưng bây giờ là lúc thích hợp nhất để đặt niềm tin vào các HLV nội.


 

HLV Nguyễn Hữu Thắng & HLV Lê Huỳnh Đức


ÁP LỰC TỪ DƯ LUẬN

Hãy trở lại với những ngày đầu bóng đá Việt Nam mở cửa với quyết định thuê HLV ngoại để nắm ĐTQG. Năm 1995, Edson Tavares chỉ hiện diện ở Việt Nam trong vòng 1 tháng nhưng đã để lại một ấn tượng vô cùng sâu đậm với NHM bóng đá nước nhà. Kể từ thời điểm ấy, đã có vài lần HLV nội như Trần Duy Long, Nguyễn Thành Vinh, Mai Đức Chung ở cương vị HLV trưởng nhưng chỉ đóng vai trò tạm thời.

Áp lực cầm quân ở ĐTQG là cực lớn và trong một thời gian dài chúng ta hầu như chỉ trọng HLV ngoại. Tâm lý của đại đa số NHM cũng gián tiếp tác động đến các HLV nội, khi nhiều HLV nội có năng lực tốt cũng thường lắc đầu từ chối mỗi khi được hỏi về việc có sẵn sàng ngồi vào ghế nóng.

Mọi việc dường như đã thuận lợi cho HLV nội khi năng lực của họ bắt đầu được nhìn nhận. Thành tích ở đấu trường khắc nghiệt như V-League được xem là thước đo quan trọng trong việc đánh giá tài năng của những nhà cầm quân. Từ A.Riedl (từng nắm XM.HP), E.Tavares (làm HLV V.NB) cho đến Stephan Hansson (từng là HLV trưởng Myanmar và ĐT.LA), David Booth (HLV ĐT Myanmar và Khatoco Khánh Hòa)… những vị HLV cầm quân cấp đội tuyển ở Việt Nam và ở một vài nước trong khu vực Đông Nam Á khác không cho thấy sự khác biệt nhiều lắm so với HLV nội khi ở cấp CLB.

Thực tế cho thấy trí tuệ Việt không hề thua kém. Cái mà HLV nội thiếu là khả năng ngoại ngữ, cập nhật kiến thức và cách đương đầu với áp lực. Nhưng điều này cũng được trui rèn nhiều khi V-League có đầy rẫy ngoại binh.

CHẶNG ĐƯỜNG 17 NĂM

Đã 17 năm tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV ngoại (tính từ 1995 đến nay). Quãng thời gian như thế có thể coi là đủ cho chúng ta tích lũy về mặt kinh nghiệm và trao trọng trách lại cho người Việt?

Hãy nhớ rằng trong 17 năm ấy, lứa cầu thủ như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng… từ độ tuổi 23 đã thành những HLV ở tuổi 40. Từ cầu thủ lên HLV, khoảng thời gian đủ dài để họ có thể học hỏi được nhiều thứ từ chính kinh nghiệm bản thân.

Nếu còn một chút gì đó không thực sự tự tin, chúng ta hãy lấy minh chứng từ một trong những ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu của đất nước là dầu khí để xem quá trình chuyển đổi từ ngoại sang nội là bao nhiêu năm? Từ khi thành lập năm 1981 cho đến 1994, Tổng giám đốc của Vietsovpetro - một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam - luôn là ngoại và kể từ năm 1994, các TGĐ luôn là người Việt. Vietsovpetro vẫn phát triển vững mạnh đến nay và luôn nằm trong số các doanh nghiệp đóng góp ngân sách lớn nhất Việt Nam.

Dầu khí thay đổi tư duy sau 13 năm thì tại sao sau 17 năm, bóng đá không thể? Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng bóng đá cũng được xem là môn thể thao đi đầu về tính chuyên nghiệp so với các môn khác.

CHUYỆN TIỀN LƯƠNG

Hai năm trước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  bàn đến việc phá khung trần lương của TGĐ ngân hàng thương mại nhà nước. Lúc đó TGĐ NHTM thuộc nhà nước có mức lương trần là 40 triệu đồng/tháng trong khi lương của TGĐ các ngân hàng cổ phần đã là 100-500 triệu đồng/tháng và rất nhiều quyền lợi khác.

Chuyện dỡ bỏ những rào cản về tiền lương ở các vị trí cần thiết đã được nói nhiều. Lương TGĐ của ngân hàng cổ phần đã lên gấp đôi hoặc thậm chí gấp 3. Lại một lần nữa câu hỏi đặt ra: ngành ngân hàng làm được thì bóng đá có thể hay không?

Mức thu nhập 200 triệu đồng/tháng cho HLV nội có thể xem là rất cao nếu so với mặt bằng thu nhập người Việt Nam. Song, với ví dụ từ ngành ngân hàng thì mức lương dành cho những vị trí đặc biệt cũng cần phải đặc biệt. Đó là một sự ghi nhận cần thiết cho những người đủ tài năng và bản lĩnh dấn thân vào thử thách.

 

Theo bongdaplus

Các tin cũ hơn