Nhớ một thế hệ vàng của bóng đá sông Hàn
Nghĩ lại, đúng là chua chát cho một thế hệ đã làm nên lịch sử của bóng đá Đà Nẵng cách đây 2 mùa bóng. Chỉ 2 mùa thôi, một cơn biến động quá lớn với nội tình đội bóng này. Phan Thanh Phúc, thủ môn Đức Cường Bắc tiến. Phúc “gà” độc chiếm vị trí tiền vệ phải mãi đến nay Hùng Sơn mới dần khỏa lấp. Võ Văn Hạnh, Văn Học đầu quân cho K.KH, dù cả 2 vẫn còn khát khao ở lại cống hiến cho đội bóng bên sông Hàn. Hạnh “cậu” năm đó bắt xuất thần.
Văn Học cũng có một mùa giải đá hay “thôi rồi” trong vai trò hậu vệ trái. Nguyễn Rogerio đầu quân cho Sài Gòn FC, để lại lỗ hổng chưa thể thay thế. Những người ở lại thì không phải ai cũng tỏa sáng như mùa giải 2009, thậm chí bỗng dưng sa sút “cả cụm”. Kể cả Phước Vĩnh, nội binh “đỉnh” nhất mùa bóng 2009, sau chấn thương giờ đây cũng chỉ chơi ở mức trung bình. Đội trưởng Quang Cường có lẽ cay đắng hơn cả. Ở tuổi anh không hẳn đã già, nhưng giờ đây số lần được ra sân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ai đã từng là công thần, từng khoác tấm băng đội trưởng, mới cảm nhận nỗi đau của người thừa.
Cũng có không ít đội bóng trả tiền cao để sở hữu hậu vệ chạy cánh phải có tiếng này. Thế nhưng, Cường không đi, quyết tâm ở lại quê nhà. Cường không thiếu tiền vì gia cảnh anh có điều kiện. Hậu vệ này chỉ muốn được chơi bóng, nhưng ước mơ đấy đã tan vỡ.
Hải Lâm (15) và Phước Vĩnh (6) từng có thời được coi là cặp trung vệ hay
nhất nhì của V-League. Ảnh: VSI
Sự “biến mất” của một trung vệ cừ
Kết thúc mùa giải 2011, Hải Lâm lên tập luyện ở HA.GL. Anh có ý định đi, khi biết thời của mình đã qua, không còn được trọng dụng. Có điều, hợp đồng của Lâm vẫn còn, nên trung vệ này buộc phải trở về Chi Lăng. Từ đó, Lâm luôn mài quần trên băng ghế dự bị.
Mùa bóng 2009, nếu bầu ra cặp trung vệ nào tốt nhất, không ai khác Phước Vĩnh-Hải Lâm xứng đáng nhất. Trong hệ thống chiến thuật của SHB.ĐN năm đó, Merlo dĩ nhiên là niềm hy vọng nhất. Tuy thế, 2 vị trí quan trọng nhất vẫn là cặp trung vệ kể trên. Điểm mạnh của Vĩnh là những pha chủ động cắt bóng trước khi đến chân tiền đạo đối thủ. Tuy thế, trung vệ này thường chơi thấp với vai trò bọc lót. Đôi chân của Vĩnh rất khéo, thậm chí khi cần vẫn có thể chơi như một tiền vệ trung tâm. Lâm thì khác, chơi bóng không khéo nhưng chịu va chạm, khả năng không chiến tốt. Cặp Lâm-Vĩnh đã để lại ấn tượng đậm nét trong hành trình lên đỉnh của SHB.ĐN.
Vĩnh vẫn là số một, vị trí số 2 là trung vệ nước ngoài Timar. Hải Lâm đang là dự bị thứ 3, sau cả Cao Cường, Thành Trung. Đấy thực sự là nỗi buồn với trung vệ người Bắc Ninh. Nếu không có cơ hội ra sân, có khi Lâm đánh mất năng lực vốn có. Lại sợ cho Cao Cường, trung vệ từng được HLV Calisto đánh giá là số một trước thềm SEA Games 25. Thế mà giờ đây, anh cũng quá ít được trao cơ hội ra sân.
Không ít cầu thủ có chất của SHB.ĐN đã có dấu hiệu không còn phát triển. Điển hình như Nguyên Sa, được coi là tiền vệ trung tâm “thần đồng” ở giải U21, vậy mà không cách nào bật lên được ở SHB.ĐN, kể cả khi Nguyễn Rogerio đã ra đi. Hà Minh Tuấn nếu không xuống đội trẻ, có vị trí ở đội một là chuyện xa xỉ.
Nếu bóng đá là áp lực, thì áp lực ở SHB.ĐN đặc biệt hơn nhiều đội. Dường như có một rào cản về tinh thần đang giăng ra trước mặt nhiều cầu thủ SHB.ĐN nên mỗi khi ra sân chưa thể thanh thoát, thậm chí ức chế cái đầu. SHB.ĐN vẫn cần lắm một không khí gia đình, anh em, chiến hữu để cùng đồng cam, cộng khổ và ai cũng cảm thấy được tôn trọng.
Theo Thethaovanhoa