Vụ tranh cãi bản quyền truyền hình: AVG tung chiêu, VPF cô đơn

Thứ bảy, 03/03/2012, 11:41
Từ chối VPF thẳng thừng, AVG tuyên bố chia sẻ thương quyền với VTV và VTC. Cú ra chiêu rất độc của AVG nhận được cái gật đầu ngay của VTV, VTC vô tình biến VPF thành “chàng cô đơn”.

 

Các đài truyền hình lớn chấp thuận liên kết với AVG, đã đẩy
VPF vào thế khó. Ảnh: Quang Minh

Biến thù thành bạn

Hôm qua, gần như đồng loạt VTV và VTC cùng có công văn phúc đáp AVG về đề nghị chia sẻ thương quyền. Công văn của VTV do Phó Trưởng Ban Giải trí, Thể thao và Thông tin kinh tế Phan Ngọc Tiến ký khẳng định, đơn vị này không tham gia tranh chấp bản quyền dưới bất kỳ hình thức nào. Mặt khác, VTV ủng hộ nguyên tắc về việc cùng AVG tham gia vào hợp đồng chuyển nhượng thương quyền bóng đá từ VFF để khai thác thương quyền theo tỉ lệ phù hợp. Chi tiết của việc bắt tay, chia sẻ tỷ lệ thương quyền bóng đá sẽ được thống nhất sau.

Ngoài ra, do đã chấp nhận làm “bạn” AVG, vì vậy, VTV tuyên bố những đơn vị có chung bản quyền đều được sử dụng sóng sạch của nhau trong tất cả các giải đấu thuộc bản quyền truyền hình của các bên. VTV đồng ý cho các nhà đài địa phương tiếp sóng nguyên vẹn tất cả các trận đấu.

Trong khi đó, VTC nêu quan điểm, nhà đài này luôn nỗ lực quảng bá rộng rãi các giải bóng đá để phục vụ khán giả cả nước. Vì lẽ đó, VTC đồng ý với đề xuất của AVG về việc hợp tác, chia sẻ khai thác thương quyền. VTC hẹn AVG cơ chế hợp tác, bởi cần có thời gian bàn bạc, thống nhất.

Cái gật đầu của VTV, VTC đã giúp AVG kéo 2 “đối thủ” này ra khỏi vòng tay của VPF một cách ngoạn mục. Bởi trước đó, khi nổ ra vụ tranh cãi, VTV đã ngầm ký thỏa thuận hợp tác với VPF. Chính bản thỏa thuận trị giá hơn 70 tỷ là một “vũ khí” để VPF tấn công AVG. Trong khi đó, VTC liên tục phản ứng AVG bằng cách ngang nhiên truyền trực tiếp các trận đấu, bất chấp AVG không đồng ý. Thậm chí, sau khi có phán quyết của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, VTC đã từ chối truyền trực tiếp như một cách thể hiện “theo” VPF đến cùng.

Đá 4-3-3, VPF thủng lưới?

Theo phương án AVG khởi xướng, AVG, VTV và VTC cùng đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng thương quyền từ VFF với toàn bộ các giải đấu bóng đá Việt Nam. Tỷ lệ chịu trách nhiệm sản xuất tín hiệu là 4-3-3, tùy thuộc vào kết quả bốc thăm, chia sẻ. Do cùng đứng tên trên hợp đồng, VTV, VTC và AVG đều phải trả thương quyền bóng đá cho VFF theo tỷ lệ nói trên.

Bên cạnh đó, bất kỳ nhà đài nào muốn nhận tín hiệu bóng đá sẽ được nhận sóng sạch kèm theo quảng cáo đề bù đắp chi phí thương quyền và chi phí sản xuất tín hiệu. AVG, VTV và VTC nhận sản xuất tín hiệu phải cam kết phát sóng ít nhất 50% V-League và ít nhất 20% số trận đấu ở các giải khác. Riêng AVG, đơn vị này giữ nguyên cam kết sẽ đóng góp toàn bộ lợi nhuận từ kinh doanh thương quyền truyền hình bóng đá cho thể thao Việt Nam, đồng thời kiến nghị Bộ VH-TT&DL cử 1 đơn vị giám sát chi tiêu lợi nhuận của AVG từ kinh doanh thương quyền bóng đá.

“Chiến thuật” 4-3-3 mà AVG làm HLV trưởng thực sự là đòn hiểm, đánh vào nỗ lực phản kèo của VPF. Trước đó, VPF đã cố lôi VTV và phần nào đó là VTC tham gia vào cuộc lật đổ AVG. Tuy nhiên, sau cái gật đầu của VTV và VTC với AVG, xem chừng khả năng giữ trắng lưới của VPF là rất khó, đặc biệt là khi họ còn đang phải chờ VFF chuyển giao quyền giữ thương quyền bóng đá Việt Nam ở các giải đấu mà đơn vị này tổ chức.

Theo tiết lộ của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, VFF sẽ chuyển giao nhưng với điều kiện, VPF phải chấp nhận các điều khoản được quy định trong hợp đồng chuyển giao thương quyền bóng đá Việt Nam.

Theo SGGP


 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn