Terry chỉ đạo thì đã sao?

Thứ sáu, 16/03/2012, 16:12
Roman Abramovich nghĩ gì khi chứng kiến đội bóng của ông ngoạn mục lội ngược dòng trước Napoli? Một trong những ý nghĩ đầu tiên có lẽ là: Tại sao không sa thải Andre Villas-Boas từ sớm.

Chỉ 10 ngày sau khi Andre Villas-Boas ra đi, Chelsea đã thắng 3 trận liên tiếp, trên 3 đấu trường khác nhau là Cúp FA, Premier League và Champions League. Để có 3 chiến thắng, Villas-Boas đã cần đến 2 tháng cuối cùng ở Stamford Bridge, với tổng cộng 10 trận tất cả.
 

Terry thay Boas chỉ đạo - Ảnh Getty

Villas-Boas có lẽ đã mất quyền kiểm soát ở phòng thay đồ những ngày cuối cùng ở Chelsea. Cách đây đúng 1 tháng, vào ngày 16/2, chính ông thừa nhận mình không còn được cầu thủ ủng hộ. Hai ngày sau đó, Chelsea bị Birmingham cầm hòa ở Stamford Bridge. Thêm 2 ngày nữa, Chelsea thua tan tác 1-3 ở Napoli trong trận đấu mà Frank Lampard, Michael Essien và Ashley Cole không được đá chính.

Trận làm khách ở Napoli ấy, với nửa đội hình chính là các gương mặt mới được đưa về Chelsea trong vòng 1 năm, là canh bạc cuối cùng của Villas-Boas trong cuộc chiến với các cầu thủ công thần. Thất bại ở West Brom, đội bóng cũ của Roberto Di Matteo, không lâu sau đó chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi.

Rõ ràng Abramovich và BLĐ thừa hiểu nội tình ở phòng thay đồ Chelsea. Họ cũng thừa biết khi cầu thủ đã không còn tin tưởng hoặc chống đối HLV, đội bóng chỉ có đường đi xuống mà thôi. Jose Mourinho, Avram Grant, Felipe Scolari và kể cả Carlo Ancelotti đã phải ra đi khi không còn được cầu thủ ủng hộ tuyệt đối.

Với trường hợp của Ancelotti, phòng thay đồ của Chelsea đã bắt đầu lục đục từ khi ông thuyết phục BLĐ mua Fernando Torres vào mùa Đông năm ngoái. Theo một số tờ báo ở Anh, vào thời điểm đó, Drogba đã cảm thấy lo lắng cho vị trí của mình. Vây cánh của anh, gồm những gương mặt quen thuộc trên hàng công là Malouda, Anelka, Kalou..., đã tìm cách cô lập Torres. Hễ có Torres trên sân, họ không chịu đá hết sức hoặc không tạo cơ hội ghi bàn cho tiền đạo tân binh người Tây Ban Nha. Khi cầu thủ không chịu đá, bất hợp tác, HLV chỉ biết... bó tay, bất lực đứng nhìn. Chelsea trắng tay mùa trước và Ancelotti đã phải ra đi.

Trong một cuộc họp báo gần đây, HLV Pep Guardiola khẳng định rằng: "Cầu thủ đóng vai trò quan trọng nhất và trực tiếp nhất trong chiến thắng của đội bóng". HLV đưa ra chiến thuật này nọ, nhưng cầu thủ không chịu đá hết mình, nỗ lực hết mình thì cũng vô nghĩa. Đó cũng là lý do lớn nhất dẫn đến kết quả tồi tệ của Chelsea trong quãng thời gian cuối cùng với Villas-Boas.

Ở Stamford Bridge rạng sáng qua, ống kính truyền hình cho thấy rõ John Terry đã hăng hái chỉ đạo như thế nào từ băng ghế dự bị sau khi rời sân vì kiệt sức. Rốt cuộc, ai mới là HLV của Chelsea thời hậu Villas-Boas, là Terry hay Di Matteo? Rồi còn đó nghi ngờ rằng chính Terry lên danh sách đội hình thi đấu chứ không phải Di Matteo. Chelsea đã kết thúc trận lượt về với Napoli với đội hình chẳng khác gì mùa trước.

Trong ngắn hạn, như từ đây cho đến hết mùa, ai là HLV thực sự không quan trọng bằng việc cầu thủ phải thi đấu hết mình, nỗ lực hết mình, đoàn kết vì thành tích chung của đội bóng. Hình ảnh Drogba ở Stamford Bridge rạng sáng qua hoàn toàn đối lập với chính anh ở lượt đi. Tại San Paolo, anh thi đấu nhợt nhạt, lười di chuyển, ngại tranh chấp. Nhưng trong trận lượt về, anh ghi bàn, kiến thiết, chạy như người không phổi, tả xung hữu đột, lên công về thủ, thậm chí còn "làm trò" để câu giờ... Tóm lại là làm đủ mọi cách vì chiến thắng của Chelsea.

Nhưng trong dài hạn, sự can thiệp, vượt quyền kiểu Terry là cản trở cho sự phát triển lâu dài và ổn định đối với CLB. Chelsea luôn chơi hay trong thời gian đầu sau khi thay tướng. Nhưng càng về sau thì càng đuối, những vấn đề nổi cộm, bất cập lại tái hiện. Sự già nua của đội hình sẽ quay trở lại ám ảnh họ. Mà như trường hợp của Villas-Boas, cuộc cách mạng trẻ hóa lại không được đón chào.


Theo Thethaovanhoa

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn