Tin liên quan
>>Chuyện những tay “cò” cầu thủ: Hái ra tiền nhờ môi giới
Bóng đá, làm gì có lời?
Hai sự kiện diễn ra liền nhau. Ngày 7.4, câu lạc bộ TP.HCM hớn hở thông báo nhận được số tiền tài trợ 5 tỉ đồng để cứu đói (cứu đói đúng nghĩa của nó) bởi ông giám đốc điều hành câu lạc bộ đã lên đài truyền hình quốc gia xác nhận chuyện đó. Đây là đội bóng đá đã mang lại cho ngành thể thao Sài Gòn bao nhiêu là tự hào.
Thế nhưng, theo họ, dòng đời xô đẩy thế nào khiến các công ty gắn với đội bóng như Cảng Sài Gòn hay Thép Miền Nam lần lượt phủi tay vì “chịu không thấu” khi cứ nhìn dòng tiền chảy đi mãi. Cứ đổ tiền vào đội bóng, tới giờ cầu thủ ra sân đá, cuối năm thứ hạng cao thì được địa phương khen ngợi rồi... thôi. Giờ thì câu lạc bộ TP.HCM đang trở thành gánh nặng và đang sống bằng lòng hảo tâm.
Mới hơn, bầu Thuỵ của Sài Gòn FC – đội bóng duy nhất hiện nay đủ sức kéo khán giả đến sân Thống Nhất một cách đông đảo, đội bóng duy nhất của Sài Gòn đủ sức cạnh tranh chức vô địch – đã thông báo việc sẽ đổi tên. Sẽ không còn là Sài Gòn FC mà quay lại là Sài Gòn Xuân Thành.
Lý do được chính bầu Thuỵ đưa ra là đội bóng của ông cứ như đang “khóc thuê” cho Sài Gòn, việc gắn lại tên công ty Xuân Thành vào là vì đến thời điểm này, Sài Gòn FC đang gặp khó khăn về tiền và cần nguồn tiền hỗ trợ để đội tồn tại. Ông Thuỵ nói thẳng, làm bóng đá làm gì có lời, mà ông nào có nhận được gì từ TP.HCM.
Muốn có tiền thì phải tìm
Thật ra tình cảnh các ông bầu bóng đá đuối dần khi kinh tế ngày càng khó khăn thể hiện rất rõ trong việc siết chặt, thu hẹp dần các khoản chi tiêu của các đội bóng.
Nguyên nhân rất rõ đã từng được ông bầu Tiến Anh của Khánh Hoà chỉ ra: các ông bầu đến với bóng đá thường vì nghĩa tình với địa phương, vì những quyền lợi ngoài bóng đá mà địa phương sẽ “thối lại”. Và ngay ở hội nghị các ông bầu, người ta cũng chỉ thấy “rên rên toàn rên” là chính, rồi lại nói về tình yêu bóng đá, hay sự chịu đựng.
Trong bức tranh xám xịt của ngành thể thao mà nổi rõ nhất là môn bóng đá bỗng có một điểm sáng đó là bóng rổ Việt Nam. Thật ra, giải quốc nội được điều hành bởi người nhà nước và các đội bóng quốc doanh vẫn èo uột. Nhưng đội bóng Saigon Heat do một Việt kiều đầu tư thi đấu ở giải quốc tế lại là hiện tượng.
Trả lời với phóng viên báo chí khi chuẩn bị bắt tay vào làm đội bóng, ông Connor Nguyễn đã nói: “Tôi muốn chứng minh, kinh doanh thể thao đúng cách vừa có lợi cho người dân và vừa có lời cho công ty. Đó mới là kinh doanh đúng nghĩa, thể thao đúng nghĩa”.
Để hút được giới trẻ đến sân, đội bóng đã làm tất cả mọi thứ để “dụ”. Họ mời đến sân các ngôi sao ca nhạc, thời trang để ngồi cùng khán giả cho vui, tổ chức trò chơi, giao lưu, tặng áo... và tất nhiên là các cầu thủ của đội luôn được yêu cầu phải “tình cảm” với khán giả, phải chơi thật tốt.
Khi mà giới trẻ đã ngấm, khi mà Saigon Heat trở thành hiện tượng đến độ một diễn viên, người mẫu thay vì “bảo vệ môi trường” đã chọn cách chụp hình cùng một quả bóng với tuyên bố để “ủng hộ đội Saigon Heat”, đội bóng bắt đầu đi tiếp bước thứ hai.
Họ tổ chức các lớp học kỹ năng, ở đó các học viên sẽ được học hỏi rồi đối đầu với chính các thần tượng vào ngày 14, 15.4 tại trường quốc tế ACG và sân Phan Đình Phùng. Giá vé cho người hâm mộ nước ngoài lên đến 30 usd chứ chẳng ít.
Chưa hết, để trả lại quyền lợi cho chính các nhà tài trợ đội bóng, phía Saigon Heat còn khôn ngoan chọn thời gian bắt đầu là 9 giờ sáng kết thúc lúc 2 giờ trưa, người tham dự muốn ăn, uống thì xin mời chi tiền cho các nhãn hàng đã chi tiền. Dòng tiền đang bắt đầu quay trở lại với Saigon Heat khiến nhiều người từng cười khẩy trước phát biểu của ông Connor trước đây bắt đầu nghĩ lại.
Một đàng suy nghĩ theo kiểu xin – cho, một đàng tự thân vận động theo đúng nghĩa của từ kinh doanh. Nó bắt đầu từ thói quen, lề lối làm việc của những người hoạch định chiến lược. Ngặt cái hoạch định chiến lược thế thao ở xứ mình hình như là thứ xa xỉ...
Theo SGTT