Là người được toàn quyền quyết định chuyên môn nhưng nhiều HLV trưởng dễ dàng trở thành “kép phụ” hưởng lương cao trong cuộc chơi do các ông bầu giàu có điều hành. Đặc biệt, khi đụng đến vấn đề tiền bạc, nhiều HLV không biết cách giữ mình có nguy cơ trở thành người bị lệ thuộc, bị chi phối đằng sau phòng thay đồ.
Lương thấp, nói cầu thủ không nghe!
Đã qua thời bóng đá bao cấp, người hâm mộ Việt Nam bắt đầu quen với những vụ chuyển nhượng công khai, có giá trị đình đám của các cầu thủ. Nắm bắt sự thương mại hóa bóng đá, nhiều nhà cầm quân bắt đầu biết định giá thương hiệu của chính mình. Khái niệm “lót tay” bạc tỉ cho HLV dần trở nên phổ biến.
Đi đầu thực hiện trào lưu này phải kể đến HLV Lư Đình Tuấn. Năm 2008, khi thương lượng ký hợp đồng 3 năm cùng CLB Bóng đá TPHCM, Tuấn “nhím” gây sốc khi đòi được khoản lót tay và mức lương loại 1 dù đội bóng này vẫn đang chơi ở Giải Hạng nhất.
Khi một quan chức của LĐBĐ Việt Nam (VFF) tỏ ý không hài lòng, Tuấn “nhím” nói thẳng: “Nếu không chấp thuận thì tôi không ký. Làm HLV mà thu nhập chỉ bằng cầu thủ làng nhàng trong đội, nói ai nghe”.
Ngay sau HLV Lư Đình Tuấn, hàng loạt HLV khác cũng đua nhau tự định giá khi được các đội bóng đặt điều kiện. Mùa giải 2009 chứng kiến Bình Dương chi tiền tỉ mời HLV Mai Đức Chung, đồng thời mức lương mà ông nhận được cũng ngang ngửa với các cầu thủ trụ cột như Như Thành, Quang Thanh... HLV Lê Thụy Hải cũng từng được Hải Phòng mời về với mức lương “khủng” gần 150 triệu đồng.
HLV Lê Thụy Hải, một trong những nhà cầm quân tự tin “hét giá” khi thương thảo hợp đồng với các đội bóng. Ảnh: HẢI ANH
Tuy nhiên, khi đó ông Hải “lơ” nhất quyết từ chối đề nghị này vì ở lại Thể Công, ông cũng nhận được khoản tiền không thấp hơn là bao. Theo HLV Lê Thụy Hải, đã qua rồi cái thời cào bằng lương HLV trưởng 20-30 triệu đồng/tháng, người nào tự cảm thấy làm được việc thì “hét giá” 100-200 triệu đồng cũng là bình thường.
Đồng quan điểm với HLV Lê Thụy Hải, cựu HLV Bình Định Dương Ngọc Hùng cho biết: “Thực tế với những ông bầu, chất lượng HLV nội ra sao họ đều nắm rõ. Không có chuyện HLV hét giá cao thế nào họ cũng chấp nhận”.
Sau lần từ chối Hải Phòng năm 2009, đến trước vòng 5 V-League 2012, HLV Lê Thụy Hải cuối cùng cũng gật đầu đồng ý đến sân Lạch Tray. Để có được ông thầy người Hà Đông, V.Hải Phòng đã bỏ ra khoản lót tay hơn 1 tỉ đồng cùng chế độ lương, thưởng rất lớn mà nếu đội trụ hạng thành công và vào tốp 5, khoản tiền mà ông Hải “lơ” bỏ túi có tổng trị giá suýt soát 5 tỉ đồng.
Mất ghế cũng vì tư lợi
Không ít trường hợp vì quá tư lợi mà nhiều HLV bị giới cầu thủ khinh thường, đồng nghiệp phê phán, gọi họ là “kép phụ hưởng lương cao”. Ở mỗi đội bóng, từ chuyện đi hay ở, đá chính hay phụ, HLV trưởng thường là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Từ đó thường nảy sinh một số vấn đề như cầu thủ cũ muốn được thanh lý hợp đồng để ra đi hoặc cầu thủ mới muốn đến đầu quân đều phải tỏ ra “biết điều” với HLV trưởng.
Có HLV thân tình thì chỉ nhận 5% - 10% của khoản tiền lót tay mà cầu thủ được nhận khi ký hợp đồng với CLB. Thế nhưng, cũng có những người sẵn sàng ra giá “muốn vào đội thì chi 30% - 40%, còn không thì tìm chỗ khác xin việc...”.
Tuy nhiên, đối với nhiều HLV quá tư lợi, giới cầu thủ cũng chẳng thiếu cách để “bẻ ghế” thầy. Thậm chí, không ít HLV phải cay đắng ra đi chỉ vì có va chạm với một số nhà môi giới cầu thủ - những người khi cần thì hoàn toàn có thể tác động đến tâm lý một số cầu thủ trong đội bóng để hợp sức chống lại HLV trưởng.
Ông bầu trọng, cầu thủ nể
Tất nhiên, cũng có không ít HLV có tâm, được giới cầu thủ nể trọng mà Lê Thụy Hải và Nguyễn Văn Sỹ là 2 ví dụ. Khi HLV Thụy Hải vừa về dẫn dắt B.Bình Dương chuẩn bị cho mùa giải 2012, một cầu thủ vốn là học trò cũ của ông ở Thể Công mới chuyển đến đá cho B.Bình Dương đã lên tận phòng biếu một khoản tiền rất lớn trích ra từ khoản lót tay mới nhận được.
Ông Hải đuổi thẳng cậu học trò ra khỏi phòng và không quên dặn một câu đầy thấm thía: “Cậu đem tiền đó về quê mà xây nhà cho bố mẹ, chứ để ông bà ở vậy mãi sao được!”.