Ông Trần Tiến Đại có trong tay hàng chục cầu thủ sẵn sàng đáp ứng
nhu cầu của các CLB.
Nào là nguồn tiền dồi dào sẵn sàng lót tay cho cầu thủ và chi phí ăn, ở, đi lại của họ, nào là phải có tài ăn nói thuyết phục CLB về nguồn hàng của mình, đặc biệt muốn làm “cò” bạn phải rất giỏi ngoại ngữ và mối quan hệ với đội bóng tốt.
Hiện nay, thị trường bóng đá Việt Nam có rất nhiều cò hoạt động nhưng nhìn chung chỉ là “cò nhỏ”, trong đó có rất nhiều cầu thủ ngoại binh đến từ các nước châu Phi như : Samson, Felix, Achilefu, Aniekan…
Ngoài số tiền lót tay và lương lên đến vài ngàn USD thì nhờ những thương vụ môi giới thành công nguồn hàng từ các nước châu Phi, ngoại binh cũng đút túi không dưới 2000 USD. Đặc biệt là giai đoạn nóng như giữa mùa giải, họ có thể kiếm được vài chục ngàn USD là chuyện trong tầm tay.
Đây chỉ là lợi nhuận của một vài “cò nhỏ” làm cầu thủ kiêm môi giới chứ một vài “cò” có số má như ông Trần Tiến Đại hay bà Mae Mua thì lợi nhuận một mùa chuyển nhượng có thể lên tới vài tỷ đồng.
Bằng việc môi giới cầu thủ cho CLB nếu được ký hợp đồng, họ sẽ nhận được tiền hoa hồng từ CLB hay thậm chí bằng tài ăn nói của mình họ sẽ đẩy giá cầu thủ lên cao, sau đó ăn số tiền chênh lệch so với giá trị cầu thủ mà họ lùng mua từ nước ngoài.
Một cầu thủ không tên tuổi đang “ khát” việc được “cò” đưa về với giá chỉ vài ngàn tới vài chục ngàn USD. Với những “cò” sẵn tiền, họ mua luôn cầu thủ đó và sau đó bán lại cho CLB với giá vài trăm ngàn USD là chuyện thường.
Đây chính là cách làm của “cò” Đại khi trong tay ông luôn có vài chục cầu thủ từ nội đến ngoại binh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bất kỳ CLB nào.
Chính lợi nhuận khổng lồ này mà đầu mùa cũng như giữa mùa, tại bản doanh của các CLB có rất nhiều cò đưa cầu thủ đến chào hàng. Trung tâm Thành Long ( Bình Chánh) được xem là nơi “cò” hoạt động mạnh nhất. Một vài “cò” thậm chí “ăn dầm, nằm dề”, giới thiệu nguồn hàng hết CLB này đến CLB khác để hy vọng giới thiệu được “hàng” của mình.
Có cung ắt có cầu
Để củng cố lực lượng cho giai đoạn khốc liệt còn lại của mùa giải, hầu hết các CLB đều mong muốn “săn” được nguồn cầu thủ vừa nhanh lại chất lượng. Nếu ở đầu mùa, thời gian chuẩn bị nhiều, các CLB như: HA-GL, Navibank SG, V-Hải Phòng… có thể sang tận trời Âu hay đất Phi để “săn tìm” nguồn hàng chất lượng.
V-Hải Phòng cần nhiều nguồn cầu thủ để bổ sung thay thế
Nhưng thời gian giữa mùa chỉ chưa đầy một tháng khiến việc này trở nên khó khăn. Bởi thế, biện pháp chữa cháy vẫn phải dựa vào nguồn hàng của “cò”.
Hầu hết các CLB V-League đều cần bổ sung thay thế lực lượng, đặc biệt là ở vị trí ngoại binh. K- Kiên Giang đang muốn tìm một ngoại binh ở vị trí tiền đạo thay cho Akindele, Navibank SG tương tự khi tiền đạo Fonseca thi đấu quá tệ.
V-Ninh Bình và SLNA đang thử một loạt ngoại binh từ nhiều nguồn “cò” để thay thế cho bộ khung ngoại binh cũ. Đặc biệt là đội bóng đất Cảng khi việc bổ sung thay thế ở giữa giai đoạn được xem là cứu cánh nhằm cứu vớt con tàu đắm V-Hải Phòng.
Chính nhu cầu này khiến “cò” có điều kiện làm ăn. Nhiều khi họ chỉ cần ngồi đợi tự khắc sẽ có CLB gọi điện “cầu cứu” để đem cầu thủ tới thử việc.
Đây chính là điểu kiện tốt để các “cò” hét giá cầu thủ, đặc biệt là những chân sút có chuyên môn tốt. CLB thì sẵn sàng “bung két” để có cầu thủ ưng ý, vì thế chuyện tiền nong với CLB không phải là điều đáng ngại. Bởi thế, tiền không ngừng “chui” vào túi của “cò” môi giới.
Với những “cò” có mối quan hệ rộng với giới HLV, GĐĐH , cầu thủ như ông Trần Tiến Đại thì quả thật giai đoạn này chính là “mỏ vàng” để khai thác và thu về nguồn lợi nhuận cao ngất ngưởng”.
Vì thế sẽ không quá khó hiểu khi càng ngày càng có nhiều “cò” xuất hiện với vai trò một cầu thủ, một người phiên dịch hay thậm chí cả những phóng viên thể thao…
Phạm Minh