Người Việt mua thị trấn Mỹ: Bình thường như cân đường!

Thứ hai, 09/04/2012, 09:18
Nhiều tờ báo khá lớn trên thế giới đăng tin mang tính giật gân: 2 doanh nhân người Việt đã chiến thắng trong cuộc đấu giá để "mua đứt" một thị trấn ở Mỹ.

Tin liên quan
>>
Người Việt mua nhà ở Mỹ có dễ dàng?
>>Chân dung doanh nhân Việt Nam mua thị trấn Mỹ
>>Người mua thị trấn 1 cư dân ở Mỹ là một doanh nhân TP.HCM 
>>Dư luận "phát sốt" với thương vụ mua lại thị trấn Mỹ của người Việt
>>Báo chí quốc tế bất ngờ với tin 2 người Việt “mua đứt” thị trấn của Mỹ

Thị trấn ấy là Buford thuộc bang Wyoming, miền trung nước Mỹ. Thị trấn có diện tích khoảng 4 hecta, gồm một trường học, một trạm xăng, một tháp phát sóng thông tin di động, vài căn nhà và một tiệm tạp hóa. Burford có mã số bưu điện độc lập.

Mức giá khởi điểm mà ông Don Sammons, 60 tuổi, người chủ cũ đồng thời là cư dân duy nhất của Buford rao bán chỉ là 100 ngàn USD. 2 doanh nhân Việt có cả thị trấn khi chấp nhận bỏ ra 900 ngàn USD.

Mua cả… thị trấn nghe thì rất "oách" nhưng với giá tiền thì lại là chuyện nhỏ. 900 ngàn USD chỉ tương đương 1 siêu xe, 10 chiếc ô tô hạng trung ở Việt Nam, một nửa cái biệt thự và chỉ đáng giá vài mét vuông đất ở trung tâm Hà Nội hay TPHCM.


Truyền thông thế giới "choáng" với quyết định mua thị trấn Mỹ của doanh nhân Việt Nam

Vẫn là một thị trấn ở Mỹ, số tiền để mua nó chỉ bằng 1/500 khoản tiền sai phạm ở một tập đoàn lớn như tập đoàn Sông Đà.

Nếu nhìn ra bóng đá, số tiền 900.000USD chỉ đủ mua 2 cầu thủ nội tầm tầm ở V.League. Câu hỏi cho những người mua cả thị trấn đó là… để làm gì thì chưa có lời giải đáp.

Thực ra mua bán cái gì thì cũng phải có mục đích. Danh thì có lẽ hai doanh nhân bây giờ là chủ của Buford không cần vì họ đã quyết định giấu tên.

Trong cái thời buổi và không ít người có trạng thái "người nghèo thị khinh mà kẻ giàu thì bị ghét" thì chuyện bỏ ra một khoản đầu tư vào cái thị trấn chỉ còn lại đúng một… cư dân ấy thì thì hoặc là thiên tài, hoặc là đầu óc không bình thường.

Nhưng thôi, cứ nhắc đến 2 chữ Việt Nam trên báo nước ngoài trong những khía cạnh tích cực thì ít nhiều cũng mang lại cảm giác khoái.

Chứ ngay trong nước, thiếu gì những hạng mục đầu tư cả ngàn tỷ rồi bỏ đó, như là để chơi thôi.

Nghịch lý ấy, giống như câu chuyện thường ngày, khi công chức mồm thì kêu lương ít, nhưng nhậu thì phải cực đã, đến mức có cả một sắc lệnh cấm công chức ăn nhậu buổi trưa. Tiền lương nhỏ giọt nhưng bia bọt cứ phải đều đều.

Một tờ báo vừa dẫn, sơ bộ số lỗ chưa kiểm toán của TCT xi măng Việt Nam Vicem 10 tháng của năm 2011 đã là 220 tỉ đồng, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Một doanh nghiệp có thương hiệu như Vicem mà thua lỗ nặng như vậy, thì những doanh nghiệp mới tham gia thị trường còn bi đát hơn.

Nhưng ít nhất vẫn có 2 đội bóng được xi măng đỡ đầu là V.Hải Phòng và V.Ninh Bình vẫn tiêu đều đều gần trăm tỷ mỗi năm mà phần thu thuộc loại siêu nhỏ giọt, cũng có sao đâu.

Ở Việt Nam, các ông bầu đầu tư vào bóng đá mới là những người dũng cảm, chứ không phải hai ông doanh nhân giấu tên bỏ tiền ra mua cái "thị trấn yên tĩnh" không một bóng người bên Mỹ.

Thành ra, khi nghe chuyện mua thị trấn, có đại gia từng làm bóng đá chỉ cười: bình thường như mua cân đường, thế thôi.

Theo VTC

Các tin cũ hơn