Bóng đá Tây Ban Nha nợ như "chúa chổm"

Thứ năm, 19/04/2012, 07:48
Bóng đá Tây Ban Nha đang trải qua thời kỳ thành công trên đấu trường châu Âu. Nhưng ít ai biết đằng sau vầng hào quang rực rỡ đó là cái bóng u ám của gánh nặng nợ, thuế khổng lồ.


Tin liên quan
>>
Luis Figo nợ thuế lên đến 2,4 triệu euro
>>Nadal trốn thuế thu nhập?
 

Real Madrid gặt hái nhiều thành công trong mùa này, nhưng đang nợ gần 800 triệu USD - Ảnh: AFP.

 

Mặt trái của vinh quang

Năm 2011, Barcelona giành cúp vô địch Champions League. Năm nay, đội bóng xứ Catalonia và đại kình địch Real Madrid dễ dàng hạ gục mọi đối thủ để vào đến vòng bán kết giải đấu danh giá nhất châu Âu. Ba câu lạc bộ Tây Ban Nha khác cũng đi tới vòng bốn đội Europa League. Nhưng cái giá của chiến thắng là quá lớn.

Theo Hãng tin AFP, khảo sát của Chính phủ Tây Ban Nha cho thấy tất cả đội bóng ở Tây Ban Nha đang nợ tới 3,5 tỉ euro (4,6 tỉ USD). Trong đó, Real Madrid nợ khoảng 589 triệu euro (772 triệu USD), Barcelona nợ 578 triệu euro (758 triệu USD). Hai đội bóng lọt vào bán kết Europa League là Valencia và Atletico Madrid cũng nợ lần lượt 382 triệu euro (500 triệu USD) và 514 triệu euro (674 triệu USD).

Nợ tiền người dân Tây Ban Nha

Có sáu trong số 20 đội tại Giải vô địch Tây Ban Nha (La Liga) gồm Rayo Vallecano, Racing Santander, Real Betis, Zaragora, Granada, Mallorca và sáu câu lạc bộ giải hạng hai đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là các câu lạc bộ hàng đầu La Liga nợ thuế (nghĩa là nợ người dân Tây Ban Nha chứ không phải nhà đầu tư hay ngân hàng) tổng cộng 752 triệu euro (986 triệu USD).

Báo Anh Independent cho biết, Real Madrid không nợ đồng thuế nào, nhưng đương kim vô địch Champions League Barcelona nợ thuế khoảng 76 triệu USD. Atletico Madrid hiện nợ thuế khoảng 203 triệu USD. Năm 2011, Atletico Madrid bán tiền đạo Sergio Aguero cho đội bóng Anh Manchester City với giá 50 triệu euro (65,2 triệu USD) và toàn bộ số tiền này được chuyển thẳng tới cơ quan thuế.

Real Betis, Zaragora, Racing Santander, Levante và Mallorca cũng đang nợ thuế tổng cộng 118 triệu euro (154,7 triệu USD). Independent nhận định nếu cơ quan thuế đến gõ cửa đòi nợ, cỡ đại gia như Barcelona sẽ dễ dàng vay mượn được 76 triệu USD để trả tiền thuế. Ngược lại, Atletico Madrid sẽ lập tức rơi vào khủng hoảng tài chính.

Independent dẫn lời một quan chức đảng chính trị Tây Ban Nha IU chỉ trích việc chính phủ quá ưu ái các câu lạc bộ bóng đá trong tình cảnh nền kinh tế đất nước đang suy sụp, nợ công quá lớn và tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ lên tới 50%. “Đây là chuyện không thể chấp nhận được, khi mà hàng triệu người Tây Ban Nha đang mất nhà cửa, rơi vào cảnh khổ cực do chính sách cắt giảm chi tiêu” - quan chức này nhấn mạnh.

Mới đây, báo Đức Bild đặt câu hỏi người dân Đức sẽ còn phải è cổ đóng tiền thuế trong bao lâu nữa để các câu lạc bộ Tây Ban Nha trả lương cao ngất cho những siêu sao như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo. Nguyên nhân bởi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Đức đang cứu trợ nền kinh tế Tây Ban Nha, trong khi các đội bóng nước này lại chây ỳ không chịu đóng thuế.

Vung tay quá trán

AFP dẫn lời chuyên gia kinh tế Jose Maria Gay de Liebana, thuộc ĐH Barcelona, nhận định các con số cho thấy nền bóng đá Tây Ban Nha không được quản lý tài chính một cách hiệu quả. “Bóng đá là tấm gương phản chiếu nền kinh tế.

Trong nhiều năm, chúng ta vung tay quá trán, chìm sâu trong hố nợ - chuyên gia De Liebana khẳng định - Các câu lạc bộ liên tục thực hiện những vụ đầu tư quá lớn nhưng thiếu hiệu quả. Không có vốn riêng, họ phải đi vay nợ”.

Một ví dụ điển hình là việc câu lạc bộ Valencia xây sân vận động mới Mestalla. Năm 2007, giữa thời điểm thị trường địa ốc Tây Ban Nha phất lên, Valencia quyết định xây sân vận động mới 70.000 chỗ ngồi với giá 300 triệu euro (393 triệu USD) dù chỉ có 39.000 thành viên. Valencia rao bán đất sân vận động cũ với giá 400 triệu euro (524,5 triệu USD) để lấy tiền đầu tư.

Hai năm sau, bong bóng bất động sản tan vỡ, Valencia không kiếm đâu ra người mua sân cũ. Hoạt động xây dựng sân mới bị ngừng trệ.

Hay như Atletico Madrid dù nợ đầm đìa nhưng mùa hè năm ngoái vẫn bấm bụng chi 52,5 triệu USD mua tiền đạo Falcao từ đội bóng Bồ Đào Nha Porto. Lương cao, thưởng lớn cho các cầu thủ và huấn luyện viên cũng là nguồn gốc dẫn tới tình trạng nợ nần chồng chất, lấy nợ mới trả nợ cũ.

Các chuyên gia tài chính chỉ trích Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha không quản lý tài chính hiệu quả và không đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với các câu lạc bộ yếu kém về tài chính.

AFP cho biết mãi tới tháng 1-2012, chính phủ mới áp dụng luật cho phép nhà chức trách buộc một câu lạc bộ xuống hạng hoặc giải thể nếu vỡ nợ. Dù vậy, Chính phủ Tây Ban Nha đang lo ngại việc loại bỏ một câu lạc bộ bóng đá có thể khiến cử tri nổi giận, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.


Theo TTO

Các tin cũ hơn