Cựu CEO Apple thập niên 1980 John Sculley (người khiến Steve Jobs bị đuổi khỏi Apple năm 1984) trong một bài phỏng vấn gần đây đã nói rằng: “Nếu tôi có cơ hội làm lại từ đầu, tôi sẽ cố gắng hết sức làm thay đổi mối quan hệ với Steve Jobs”.
Với thành công của Steve Jobs ở lần tái ngộ Apple sau đó và những lời tiếc nuối của John Sculley, người ta có thể nói quyết định sa thải Steve hồi năm 1984 là sai. Thế nên, có thể hiểu phần nào tâm trạng của cựu CEO của Apple khi tự rút bài học từ vụ mâu thuẫn với Steve Jobs. Bài học ấy nói rằng sự đồng cảm, tôn trọng, minh bạch và quan trọng hơn là phải đặt lợi ích của tập thể trên lợi ích cá nhân.
Quay lại với chuyện V-League. Mùa này, B.BD thua 3 trận liên tiếp và Vissai Ninh Bình còn hơn thế với 4 trận thua. Nếu căn cứ theo tiền lệ Sài Gòn FC sa thải HLV Lư Đình Tuấn sau 3 trận thua liên tiếp thì chiếc ghế của HLV Văn Sỹ ở V.NB và Đặng Trần Chỉnh ở B.BD đang nóng chẳng thua gì ghế của chiến lược gia Lê Thuỵ Hải ở V.HP.
HLV Văn Sỹ
Thay thế hay không thay thế họ? Câu hỏi ấy nay đã thường trực đối với lãnh đạo B.BD và V.NB. Nhưng người ta hẳn cũng phải nhớ lại đây không phải lần đầu tiên mà B.BD chọn HLV Đặng Trần Chỉnh làm thuyền trưởng và đây không phải là lần đầu họ lại đứng trước nguy cơ phải sớm chia tay ông này.
Mùa giải 2010, ông Chỉnh thay HLV Mai Đức Chung đưa B.BD giành chiến thắng liên tiếp nhưng rồi chỉ sau vài trận tuột dốc ở lượt về thì B.BD lại sa thải… ông Chỉnh. Tương tự như thế là trường hợp Văn Sỹ ở V.NB. Năm ngoái, đội bóng cố đô Hoa Lư từng nói lời chia tay Văn Sỹ sau trận thua SHB Đà Nẵng nhưng chỉ sau 2 vòng đấu thì mời lại HLV này.
Đưa những người cũ quay lại nắm quyền nghĩa là ở một khía cạnh nào đó quyết định thay thế trước đây là sai. Còn nếu coi quyết định thay thế đầu tiên là đúng thì việc mời lại những người từng bị sa thải và bây giờ tiếp tục tính chuyện… sa thải họ lại có nghĩa rằng chính những ông chủ đội bóng, những tác nhân đẩy các vị HLV ra đường, dường như vẫn chưa rút được bài học cốt lõi nào từ việc thay tướng.
Theo Bongdaplus