Tin liên quan
>>Bầu Kiên đình chiến, bắt tay AVG
>>Vụ Bầu Kiên-Thanh Trung: Nhà giàu còn tiếc lá rau?
>>Thanh Trung, bầu Kiên và… Khổng Tử
Đinh Thanh Trung đã phải nghĩ tới việc đưa CLB Bóng đá Hà Nội của ông bầu Nguyễn Đức Kiên ra Tòa để có thể có được cái giấy thanh lý hợp đồng hòng dễ dàng đầu quân đội khác – một câu chuyện rất nhỏ giữa một cầu thủ với một đội bóng, một ông bầu buộc người ta phải nghĩ đến “bài toán lợi ích” của những con người đã từng hơn một lần tuyên bố là luôn hành động “vì tương lai một nền bóng đá”.
Xin tóm tắt lại diễn biến vụ việc của Đinh Thanh Trung để bạn đọc dễ hiểu: Sau khi Hòa Phát.Hà Nội giải thể và được chuyển giao cho bầu Kiên để hình thành nên cái gọi là “CLB Bóng đá Hà Nội” thì cùng với nhiều cầu thủ Hòa Phát khác, Đinh Thanh Trung tất lẽ dĩ ngẫu thuộc thành phần đội bóng Thủ đô.
Rắc rối nằm ở chỗ, sau khi bản hợp đồng cũ giữa Đinh Thanh Trung với Hòa Phát hết hạn, Chủ tịch CLB Nguyễn Đức Kiên muốn Thanh Trung ký một bản hợp đồng mới có thời hạn khoảng 2 năm với giá lót tay vào khoảng 2 tỷ đồng.
Thanh Trung “OK” thời hạn 2 năm nhưng lại muốn một số tiền lót tay cao hơn, vì như giải thích của cầu thủ này thì “nhiều đội bóng khác sẵn sàng trả tôi cao hơn con số đó”. Bầu Kiên không đồng ý đề xuất của Thanh Trung, nên kiên quyết không cho cầu thủ người Hà Tĩnh rời đội bóng.
Bầu Kiên đang mất điểm rất nhiều trong vụ Đinh Thanh Trung. Ảnh: Quang Minh.
Khi vụ việc được đưa lên VFF thì VFF đã phán xử rất rõ rằng bầu Kiên không có lý do gì để giữ cầu thủ khi hợp đồng lao động của cầu thủ đã hết hạn và như thế, Thanh Trung đã chính thức là một cầu thủ tự do. Là cầu thủ tự do, nghiễm nhiên Thanh Trung có thể đầu quân cho các đội bóng khác.
Nhưng vấn đề là vì ngại đụng chạm với bầu Kiên nên tất cả những đội bóng muốn có Trung chỉ đồng ý việc ký hợp đồng mới nếu cầu thủ này trình ra giấy thanh lý hợp đồng với đội bóng cũ của mình.
Thanh Trung đã nhiều lần điện thoại tới lãnh đạo CLB BĐ HN, trong đó có bầu Kiên, nhưng rốt cuộc sau năm hẹn mười hẹn vẫn không có được cái giấy mình muốn có. Ở bước đường cùng, Trung cùng luật sư của mình đang tính đến chuyện đưa vụ việc lên Tòa dân sự.
Trong câu chuyện này, cần thiết phải đặt ra câu hỏi: Vì sao bầu Kiên cứ phải cố giữ cầu thủ, chính xác là cố giữ cái giấy thanh lý hợp đồng với cầu thủ khi mà VFF đã tuyên bố rõ ràng là cầu thủ ấy đã hoàn toàn tự do? Vì, bầu Kiên vẫn tự tin về mặt pháp lý rằng mình sẽ sở hữu được Thanh Trung, bất chấp phán quyết của VFF?
Hay vì ông đã nhận ra sự thất thế của mình, nhưng vì tâm lý hiếu thắng nên vẫn muốn theo đuổi vụ việc đến cùng, để ít ra cũng khiến cho cầu thủ bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo tới mức cao nhất có thể?
Bất luận câu trả lời có nghiêng về phía nào thì xuyên suốt câu chuyện này, người ta cũng có cái cảm giác quyền lợi riêng của một ông bầu dường như đã được đặt cao hơn tất cả.
Từ mối quan hệ giữa bầu Kiên với Đinh Thanh Trung và cách xử lý quan hệ của ông bầu này, chúng tôi sực nhớ tới mối quan hệ giữa ông bầu Đoàn Nguyên Đức (HA.GL) với chân sút Nguyễn Tăng Tuấn trước đây. CLB HA.GL đã từng cất công đào tạo nên Tăng Tuấn và góp phần quan trọng vào việc giúp Tuấn có thể trở thành một trong những tiền đạo có chút ít dấu ấn trong số các tiền đạo nội hiện nay.
Thế nhưng, khi hợp đồng giữa HA.GL với Tăng Tuấn kết thúc và khi “đại gia” Bình Dương bất ngờ trả Tuấn một khoản lót tay trên dưới 8 tỷ đồng thì cầu thủ này đã lập tức bỏ HA.GL về Bình Dương. Thế là bầu Đức uất ức trách cầu thủ của mình “mất dạy”.
Đứng ở góc độ tình cảm, có thể lời trách của ông Đức hoàn toàn có lý. Nhưng đã có người lật ngược vấn đề để đặt ra câu hỏi: Hồi mới bước chân vào làng bóng, chẳng phải chính bầu Đức cũng dựa vào ưu thế tiền bạc của mình để hút một loạt nhân tài của các đội bóng khác đó sao? Hồi ấy, những đội bóng bị mất người vì đồng tiền của bầu Đức dù rất đau và rất cay, nhưng cũng chẳng ai công khai trách cầu thủ của mình là “mất dạy” như bầu Đức cả.
Bầu Đức, bầu Kiên - những ông bầu chủ chốt trong bộ máy điều hành của VPF hiện nay từng hơn một lần tuyên bố rằng mình sẽ làm tất cả vì sự phát triển của BĐVN, chứ không phải vì lợi ích cá nhân của mình hoặc của doanh nghiệp mình. Nhưng nhìn vào cái cách họ đã “ứng xử” với cầu thủ của mình là đủ hiểu khi đứng trước bài toán lợi ích và khi phải chọn lựa giữa các lợi ích thì rốt cuộc họ đã chọn lựa như thế nào.
Hôm qua, trên một diễn đàn của các CĐV bóng đá, đã xuất hiện một ý kiến rất đáng suy ngẫm thế này: “Cứ nhìn vào những gì bầu Kiên đã và đang thực hiện với Đinh Thanh Trung là sẽ thấy có nên hy vọng vào VPF – một tổ chức mà bầu Kiên là “cha đẻ” hay không…!?”.
Có nên hy vọng không, theo bạn?
Theo CAND