Cứ xem qua một loạt diễn biến gần nhất để thấy, sau thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games, chẳng còn cái gì gọi là bóng đá cả. Đội tuyển thua, thay vì chấp nhận trình độ của chúng ta thấp hơn đối thủ, dư luận lại dồn hết sang chuyện “bán độ” cứ như là thỏa cái tự ái vì đã lỡ quá tin vào các cầu thủ.
Thất bại nào thì HLV trưởng cũng phải chịu trách nhiệm, nhưng ông thầy người Đức Falko Goetz lại cho rằng, giao cho ông ta chỉ tiêu HCV là quá sức. Rồi VFF đổ lỗi cho HLV cũng như tinh thần thi đấu kém cỏi của các cầu thủ. Rồi một vị CĐV nhân danh người hâm mộ gởi thư yêu cầu HLV F.Goetz và Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn từ chức.
Thất bại của đội U23 Việt Nam tại SEA Games là lỗi cả hệ thống, cần phải làm lại triệt để từ đầu
Một thất bại, dù nặng nề, cũng chỉ là một thất bại. Bóng đá, nói cho cùng, cũng chỉ là một trò chơi. Dằng dặc nhau như thế càng thêm rối.
Thành ra, câu nói “trả bóng đá về cho bóng đá” tưởng chừng là sáo rỗng, hóa ra lại phức tạp ghê gớm. Tại sao chúng ta không thể nhìn nhận những trận đấu kém cỏi tại SEA Games là hệ quả tất yếu của một nền bóng đá thiếu nền tảng, là kết quả của một thế hệ cầu thủ kém về chuyên môn lại được dẫn dắt bởi một ông thầy không phù hợp. Thất bại chẳng qua trở nên nặng nề hơn bởi sự quan liêu của VFF cũng như sự kỳ vọng quá mức của xã hội vốn chịu ảnh hưởng của thói quen chạy theo thành tích và sự thổi phồng quá mức của một bộ phận truyền thông nuông chiều thị hiếu.
o0o
Bóng đá là một trò chơi. Điều hành một đội bóng hay một nền bóng đá cũng chẳng phải là cái gì đó ghê gớm hay nặng nề nhiệm vụ chính trị, xã hội.
Trong bóng đá, thắng là thắng, thua là thua. Thua thì tìm cách sửa chữa sai sót để mà thắng lại. Chứ cứ đặt nặng mọi thứ đến mức đi sâu vào từng tiểu tiết thì biết đến bao giờ mới trở lại với con đường chiến thắng.
Ví dụ như nếu vẫn cho rằng cầu thủ Việt Nam có chất lượng tốt thì cứ sa thải HLV F.Goetz vì ông này không hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu cho rằng, lứa cầu thủ này quá kém thì nếu có giữ ông ta lại chưa chắc đã làm tốt hơn HLV nội địa. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là nâng chất cả nền bóng đá chứ không phải lại trông đợi vào “chiếc đũa thần” của thầy ngoại. Cứ ở trong cái cảnh chẳng ai cho mình là sai, tranh thủ tiếp thu kinh nghiệm thì sang năm, hoặc năm tới cũng xảy ra điều tương tự như SEA Games 26 mà thôi.
Đã là lỗi hệ thống thì phải làm lại triệt để chứ cứ đi tìm những sai sót chi tiết thì biết đến bao giờ.
Hãy trả bóng đá về cho bóng đá. Hãy để giá trị cầu thủ, chất lượng các trận đấu, danh tiếng các CLB do chính người hâm mộ quyết định. Chừng nào bóng đá chưa thật sự phục vụ khán giả và được nuôi sống bởi khán giả thì chừng ấy vẫn còn sự nghi ngờ, dằng dặc, đổ lỗi lẫn nhau.
(Theo SGGP)