Malaysia tố Indonesia dùng mánh khóe để đoạt gần 100 HCV

Thứ ba, 29/11/2011, 05:58
SEA Games 26 đã chính thức khép lại được một tuần, nhưng những dư âm của ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á vẫn khiến các đoàn thể thao cảm thấy bức xúc, đặc biệt là Singapore và Malaysia.


Tờ New Straits Times – một trong những nhật báo hàng đầu của Malaysia, đã thẳng thắn chỉ trích công tác tổ chức của Indonesia cũng như thái độ kì thị, thiếu tinh thần thượng võ của các cổ động viên nước chủ nhà SEA Games 26. Qua đó, tờ báo này cho rằng, các đại hội thể thao Đông Nam Á trong tương lai cần được cải thiện cả trong khâu tổ chức và thi đấu.
 

Với tiêu đề “Nước chủ nhà bất lịch sự”, New Straits Times đã chỉ ra rất nhiều mặt tiêu cực của nước chủ nhà SEA Games 26. Tờ báo này cũng khẳng định, Indonesia đã đánh mất hình ảnh thân thiện, thay vào đó là sự “thù địch” từ không ít người hâm mộ của các đoàn thể thao.
 


Các VĐV Wushu nước chủ nhà khoe huy chương. Dù không phải đất nước có thế mạnh về Wushu, Indonesia vẫn lấn lướt ở SEA Games 26 với 8 HCV, 3 HCB


Indonesia đã giành tổng cộng 476 bộ huy chương, trong đó có 182 HCV, bỏ xa đoàn đứng thứ hai là Thái Lan (329 huy chương tất cả, trong đó có 109 HCV). Malaysia – đoàn thể thao từ lâu vẫn được coi là kình địch của Indonesia, chỉ đứng thứ tư sau Việt Nam với 190 huy chương các loại, trong đó có 59 HCV (Việt Nam có 96 HCV, 92 HCB và 100 HCĐ). Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, Indonesia mới có được ngôi đầu bảng tổng sắp SEA Games (năm 1997, SEA Games cũng diễn ra ở Jakarta và Indonesia nhất toàn đoàn).


New Straits Times tính toán, gần 100 HCV mà Indonesia giành được đều “có mùi”. Cụ thể, có tới 62 tấm HCV của nước chủ nhà đến từ những môn thể thao độc và lạ, ít người biết, cùng với đó là 33 HCV ở các môn võ có sự thiên vị trắng trợn của các trọng tài.
 

“Ở rất nhiều nội dung, huy chương vàng đã sớm thuộc về nước chủ nhà ngay cả khi chưa thi đấu, vì đơn giản không VĐV nào được phép thắng đối thủ Indonesia ở nội dung ấy. Rất nhiều VĐV giành chiến thắng rõ ràng nhưng phải khóc hận vì bị nước chủ nhà cướp mất tấm huy chương một cách trắng trợn. Đây là vấn đề nan giải ở các kì SEA Games sau, khi các nước khác cũng sẽ học theo Indonesia”,New Straits Times nhấn mạnh.
 

Đồng quan điểm với tờ báo của Malaysia, hai tờ Channel NewsAsia và Straits Times của Singapore cũng chỉ ra hàng tá vấn đề tồn đọng ở SEA Games 26. Mặc dù Djoko Pramono – Chủ tịch Ủy ban điều hành SEA Games 26 của nước chủ nhà khẳng định, Indonesia xứng đáng được chấm điểm 7/10 cho công tác tổ chức sau hàng loạt những khó khăn về tài chính, chính trị nhưng dư luận khu vực lại không nghĩ vậy.
 

Channel NewsAsia và Straits Times cho biết, nước chủ nhà đã “chơi xấu” khi không công bố chi tiết về các địa điểm tranh tài, thậm chí không gắn bảng hiệu ở một số nhà thi đấu, khiến VĐV các nước khác vất vả trong khâu tìm đường. Chưa hết, các cổ động viên chủ nhà cũng để lại ấn tượng xấu tại SEA Games 26.
 

HLV Ong Kim Swee của U23 Malaysia đã viết thư kiến nghị lên LĐBĐ châu Á (AFC) vì hành động thiếu tôn trọng của hàng vạn cổ động viên nước chủ nhà trên sân Bung Karrno ở trận chung kết môn bóng đá nam. Gần 100.000 cổ động viên Indonesia đã la ó ầm ĩ khi các cầu thủ U23 Malaysia hát quốc ca, một hành vi đáng lên án. Tương tự, khi VĐV cầu lông của Singapore là Fu Mingtian đoạt HCV ở nội dung cá nhân nữ, khiến Indonesia không thể vô địch tất cả các nội dung của môn thể thao số 1 đất nước vạn đảo, cô cũng bị 10.000 cổ động viên chủ nhà gây ức chế bằng cách hát quốc ca Indonesia khi lá cờ Singapore được kéo lên trong lễ trao giải, lấn át quốc ca của Singapore.
 

(Theo Bưu điện Việt Nam)

Các tin cũ hơn