Lance Armstrong: Cú lừa đảo thế kỷ?

Thứ bảy, 20/10/2012, 10:58
Năm 2000, Lance Armstrong xuất bản cuốn tự truyện dày 300 trang It’s not about the bike (tạm dịch: Không chỉ là những vòng xe) chia sẻ về cuộc hành trình chiến thắng tử thần bằng nghị lực phi thường, khi mà sự sống đối với anh lúc đó chỉ còn 20% hy vọng mong manh bởi căn bệnh ung thư tinh hoàn. 

>>Lật mặt trùm doping Armstrong 
>>Lance Armstrong có thể bị tước 7 chức vô địch Toure de France
>>HLV Roberto Mancini và niềm đam mê xe đạp đua
>>Evans vẽ lại bản đồ xe đạp 

Đến bây giờ, sau nhiều năm trở thành hình mẫu chuẩn mực về một vận động viên thể thao phi thường, câu chuyện “không chỉ là những vòng xe” lại đang có những diễn biến khác, không đáng mong đợi chút nào cho Armstrong. Những kẻ cáo buộc đang lớn tiếng khẳng định Lance Armstrong, cua-rơ bảy lần giành danh hiệu Tour de France, là một kẻ lừa đảo thế kỷ!
 
 
Sụp đổ một tượng đài
 
Chưa cần đến lúc bản cáo trạng dài 200 trang buộc tội Armstrong sử dụng doping của USADA (Ủy ban chống Doping Mỹ) được công bố rộng rãi, người ta mới thực sự tin vào một cuộc gian lận lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới.

Hồi tháng 8, sau khi đâm đơn kiện USADA tại tòa án liên bang cho rằng cơ quan này đã đi quá giới hạn, thời gian thực thi và phạm vi quyền lực của mình trong việc điều tra về cáo buộc sử dụng doping của anh, Armstrong lại là người đóng vai kẻ thua trận, “giương cờ trắng” trước khi kháng cáo với lý do:
 
“Ngày hôm nay, tôi sẽ lật cuộc đời mình sang một trang khác. Bất kể trong trường hợp nào, tôi cũng không muốn mình dính líu tới những phiền phức pháp luật như thế này nữa. Tôi sẽ trở lại với công việc yêu thích của mình trước cả khi tôi giành được danh hiệu Tour de France đầu tiên: giúp đỡ những bệnh nhân, gia đình bị ung thư và đặc biệt là những người khó khăn cần sự trợ giúp của cộng đồng”.
 
Nhưng USADA, vì bổn phận, trách nhiệm và thêm vào đó là mong muốn vạch trần toàn bộ những chiêu gian lận mang danh anh hùng của Amrstrong, quyết làm tới chuyện này để đòi lại sự trong sạch cho thể thao mà đặc biệt là bộ môn đua xe đạp.

Hôm 10/10, USADA tung ra đòn đánh quyết định với bản cáo trạng kể trên, liệt kê chi tiết từng người, từng hoạt động dính đến nghi án doping của Armstrong. Trong đó có 26 người, gồm 11 đồng đội cũ của Armstrong tại đội Bưu điện Mỹ đã tình nguyện làm nhân chứng cung cấp những lời khai khẳng định cua-rơ này đã sử dụng doping một cách chuyên nghiệp, tinh vi và thành công nhất trong lịch sử thể thao thế giới.
 
Một trong số đó có lời thuật lại đầy đủ, cặn kẽ việc làm mờ ám của Armstrong từ cua-rơ George Hincapie, người vẫn được Armstrong ưu ái gọi là “người anh em tốt nhất”. Bản thân Hincapie đã thừa nhận rằng chính anh giúp Armstrong thoát khỏi một vụ kiểm tra doping trong chặng đua tại Tây Ban Nha năm 2003 bằng việc đánh tiếng cho đồng đội của mình để anh ta kịp chuồn khỏi đường đua trước khi đoàn kiểm tra đến nơi.
 
Cũng trong năm ấy, Hincapie cho biết trước khi Tour de France diễn ra vài ngày, Armstrong đã ngỏ ý mượn căn hộ của anh tại Girona để làm một số việc cá nhân. Lý do mà Armstrong đưa ra là nhà riêng của anh đang có khách và không đủ yên tĩnh để làm việc.

Ngày hôm đó Hincapie thấy Armstrong đi cùng bác sĩ của đội Del Moral, và ông này thì cầm trên tay một túi máu. Họ cùng nhau đi vào phòng ngủ của Hincapie rồi bác sĩ Moral bảo Hincapie ra ngoài và đóng cửa lại tới gần một giờ đồng hồ. Bằng kinh nghiệm cá nhân, Hincapie tin rằng chắc chắn bác sĩ Moral đã giúp Armstrong truyền túi máu đó vào người, trực tiếp, cách truyền doping hữu hiệu nhất.
 
Armstrong đã thoát được tới 500 lần kiểm tra doping trong suốt một thập kỷ nhờ vào nhiều mánh khóe khác nhau, trong đó điển hình là hai tội được USADA đặc biệt nhấn mạnh là hối lộ và đe dọa đồng đội (nhân chứng).

Ngoài ra, cơ quan này cũng khép nhà vô địch Tour de France vào các tội: sống chung với doping và thuốc kích thích, ép buộc đồng đội phải sử dụng phương pháp của mình, liên tục nói dối nhà chức trách khi bị điều tra, rời khỏi cuộc đua để tránh những đợt kiểm tra doping.

Hơn nữa, Armstrong còn nhận được sự đồng thuận, tiếp tay của cả một hệ thống và ê-kíp gồm các bác sĩ chuyên về doping, những kẻ buôn bán chất kích thích (chủ yếu là chất cấm EPO) và thậm chí là những lãnh đạo của Tour de France.
 
Nếu còn có ngày mai
 
USADA đã nhiều lần lên tiếng về việc tước cả bảy danh hiệu Tour de France của Armstrong. Dù không đủ thẩm quyền để thực thi điều đó, nhưng những bằng chứng mỗi ngày một nhiều thêm họ thu thập được để đệ lên tòa án và liên hiệp xe đạp quốc tế hoàn toàn có thể tác động đến cục diện giải đấu này suốt những năm Armstrong giành danh hiệu.

Nếu điều đó xảy ra, người hâm mộ sẽ buộc phải quên đi một phần lịch sử trác tuyệt của bộ môn đua xe đạp, của người hùng Lance Armstrong đã mang lại cho họ biết bao cảm xúc.
 
Trước khi dính vào scandal doping, những mỹ từ dùng để nói về Armstrong chưa bao giờ thiếu trong giới thể thao, hơn nữa là cả những người có số phận không may mắn.

Kể từ năm 1997 tới nay, anh đã gây quỹ Livestrong (Sống khỏe) với số tiền lên đến 500 triệu đô la Mỹ để ủng hộ cho những bệnh nhân ung thư có thể điều trị bệnh. Giữa tâm bão scandal, nhưng tuần sau, Armstrong sẽ vẫn chủ trì một chương trình gây quỹ mới của Livestrong trong đó có sự tham gia đóng góp của 4.000 cua-rơ trên toàn thế giới, với con số ước tính lên đến 2 triệu USD.

Anh trở thành nguồn sống, tấm gương cho những người mắc bệnh hiểm nghèo tin vào phép màu và sự kỳ diệu của cuộc sống, rằng trên đời tồn tại một con người tài đức vẹn toàn như thế.
 
Nhìn theo hướng tích cực, nếu Armstrong không gian lận để có tiền tài, và quan trọng hơn là danh tiếng như ngày hôm nay, sẽ có nhiều người chết vì bệnh ung thư hơn là được cứu sống. Chưa kể về tiền mà là tinh thần. Hơn nữa, nếu không phải Armstrong mà là những tay đua khác, không phải con số bảy danh hiệu mà chỉ là một vài, sẽ chẳng có cá nhân nào có đủ tầm ảnh hưởng để gây quỹ và kêu gọi ủng hộ được như anh.
 
Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, vết nhơ này sẽ khó mà gột rửa được chỉ vì bằng những số tiền biết nói ở trên. Suy cho cùng, những người đã từng phong thánh cho Armstrong, từng coi anh là thần tượng, từng vì anh mà có được nghị lực sống phi thường vượt qua bệnh hiểm nghèo, sẽ nghĩ gì về kẻ nói dối đáng sợ nhất lịch sử thể thao thế giới?

Rằng tất cả những đức tin họ từng có ở một con người, giữa cuộc đời mỗi lúc một công nghiệp hóa, bon chen và chất hẹp này cũng chỉ là một trò gian lận kéo dài cả thập kỷ?
 
Armstrong từng bất mãn lên tiếng: “Những gì tôi đã cống hiến, bảy danh hiệu của tôi, thế giới hiểu rõ rằng tôi là một kẻ gian lận hay một anh hùng thực sự. Tôi chẳng có gì để nói với những người luôn xúc phạm tôi và gia đình mình”. Nhưng bây giờ, trước 200 trang bằng chứng ấy, Armstrong sẽ nói gì để một lần nữa khẳng định mình trong sạch. Và chuyện anh có còn là một người hùng nữa không, có lẽ chẳng quan trọng nữa, bởi thế giới còn đang đau hơn anh.
 

Theo Thethaovanhoa

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích