Bởi đó là một sự bất nhẫn khi người nghèo ở VN còn nhiều. Số tiền ấy tương đương việc lo cho cả trăm ngàn trẻ em ăn no bụng hơn và không phải tím tái khi mùa đông đến do thiếu áo ấm để mặc.
Trong vài ngày gần đây, có một xu hướng thông tin ra chiều ủng hộ việc mua bản quyền với giá 37,5 triệu USD khi dẫn chuyện Thái Lan, Singapore... để rồi kết luận: cái giá của VN vẫn còn “mềm”! Những người này mắc bệnh giống như ngành điện mỗi khi tăng giá vẫn bảo rằng “giá điện ở VN rẻ hơn ở Mỹ”, hay ngành xăng dầu trấn an người dân rằng “giá xăng của chúng ta rẻ hơn ở Úc”. Song tất cả đều chẳng chịu so sánh thu nhập của chúng ta so với Thái Lan, Singapore, Mỹ, Úc... là như thế nào.
Do thiếu áo nên dù trời rất lạnh nhưng em Long Ding K’Pạ (9 tuổi) ở thôn Liêng Trang, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng vẫn phải ở trần ra đồng từ sáng sớm. Nhìn cảnh này, có xót xa không khi bỏ ra 37,5 triệu USD để xem bóng đá Anh? |
Nhưng nói không với bóng đá Anh không chỉ vì mỗi chuyện tiền bạc quá tốn kém cho một thú vui giải trí trong khi kinh tế đang khó khăn. Hôm qua, nhiều người hâm mộ bóng đá là dân giáo viên còn nhìn nhận ở một khía cạnh khác rất thú vị.
Anh Thanh, một giáo viên cấp III, nói với chúng tôi: “Tôi không cho con mình xem bóng đá Anh. Bởi đã xem thì chúng sẽ mê các cầu thủ. Nếu chỉ mê tài nghệ đá bóng thì chẳng có gì để nói, đằng này một khi mê thì nó sẽ tìm tòi thông tin về các thần tượng. Và nói thật, thông tin về lối sống, lối chơi buông thả của nhiều cầu thủ Anh được tung đầy trên mạng là không có lợi cho việc dạy dỗ con cái. Vì vậy, tôi ủng hộ việc nói không với bóng đá Anh”.
Trong một cuộc trò chuyện dài 120 phút với tổng giám đốc J-League (Công ty điều hành bóng đá Nhật Bản), ông Nakano cho rằng Liên đoàn Bóng đá Nhật cũng không chọn Anh làm mô hình để học tập, bởi kiểu làm bóng đá này nghiêng quá nhiều về tiền bạc mà không chăm chút đến chuyện đạo đức làm người.
Thật ra, bóng đá Anh không phải là quá chất lượng khi thời gian gần đây cũng hụt hơi trước Tây Ban Nha, Đức... Chẳng qua, những người làm tiếp thị bóng đá Anh quá giỏi, khiến cả châu Á lên cơn sốt, chấp nhận bỏ ra những món tiền khổng lồ để mua bản quyền. Chúng ta hãy so sánh: Ở VN, xem bốn giải Đức, Tây Ban Nha, Ý và Pháp trong ba mùa từ năm 2012-2015 chỉ tốn có 11,5 triệu USD; còn mỗi giải Anh là 37,5 triệu USD. Phi lý!
Cuối cùng, đã có người thắc mắc tại sao Tập đoàn IMG của Mỹ chỉ kiếm lãi 2,5 triệu USD trong vụ mua đi bán lại bản quyền truyền hình bóng đá Anh ở VN ba mùa 2013-2016 (mua 35 triệu USD và bán lại 37,5 triệu USD)? Quá thấp nếu so với MP & Silva kiếm đến cả chục triệu USD (mua 9 triệu USD, bán lại cho các nhà đài VN được 19 triệu USD).
Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết thực chất IMG với ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh (PML) là một, vì chính IMG là đối tác sản xuất chương trình truyền hình cho PML. Ba mùa trước, bản quyền truyền hình bóng đá Anh trên lãnh thổ VN chỉ đem lại cho PML 9 triệu USD từ MP & Silva. Còn lần này, MP & Silva bị hất khỏi cuộc chơi, để IMG vào cuộc và giá đã nâng lên cao ngất ngưỡng, giúp PML thắng lớn. Đến đây thì chúng ta lại càng thấy rõ hơn những đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền của VN chỉ là những chú cừu non thật sự.
Những lý do trên càng khiến chúng ta thêm vững tin rằng đã đến lúc phải đấu đến cùng với các nhà kinh doanh bóng đá Anh.
Theo Tuoitre