Pele, Maradona, Zidane.., đã qua lâu rồi cái thời họ "làm mưa làm gió" trên sân cỏ thế giới. Vậy mà lúc này, có ai không nhớ? Nỗi nhớ ấy khủng khiếp đến thế nào khi chứng kiến hình ảnh hàng ngàn người đã kéo đến xung quanh bệnh viện hồi tháng 4/2004 cầu nguyện cho Cậu bé vàng Maradona qua cơn nguy kịch (vì nghi ngờ “sốc thuốc”).
Họ thắp nến, hát vang những bài ca ngợi Diego thành Thánh và giương cao hình ảnh của anh, của gia đình anh. Có Maradona, người dân Argentina, Italia như quên đi những mệt mỏi gắn với “cơm-áo-gạo-tiền”...!
Đến cả Tổng thống Argentina cũng gửi tới bức thông điệp: "Trân trọng ôm hôn Diego. Chúc anh chóng bình phục. Như tất cả mọi người dân Argentina, tôi vô cùng đau xót khi được tin Diego lâm bệnh. Tất cả chúng ta đứng bên Diego. Anh đã làm cho cả dân tộc này khóc lên vì sung sướng. Anh là một con người vĩ đại".
Công Vinh (trái) và Văn Quyến đều đang cần "một vé đi về tuổi thơ" |
Trong thời khắc đó, dường như không chỉ người dân xứ sở Tango mà cả triệu triệu trái tim người hâm mộ trên thế giới đều hướng về Maradona. Người ta như quên hết tất cả những lỗi lầm của anh (đơn giản, đời người ai không mắc lỗi, biết nhận ra lỗi mà sửa sai, ấy là Thánh vậy), mà chỉ còn nhớ tới những gì Maradona đã tận hiến cho môn thể thao vua.
Mọi so sánh luôn khập khiễng nhưng tất cả những người làm bóng đá có tâm trên mảnh đất hình chữ S đều phải đặt câu hỏi và đau với câu hỏi ấy: “Tại sao ở một nơi mà người dân dành cho bóng đá một tình yêu mãnh liệt, cuồng tín, vô điều kiện đến vậy, mà bóng đá Việt Nam vẫn loanh quanh ở “vùng trũng” Đông Nam Á?”
Chúng ta có những cầu thủ được hâm mộ, mà gần nhất là Nguyễn Hồng Sơn. Sau Sơn “công chúa” là Văn Quyến, Minh Phương, Tài Em, Công Vinh. Trong suy nghĩ cuả người viết vẫn nhớ như in cái ngày bình luận viên Quang Huy hét to trên truyền hình ca ngợi “đã thấy những phẩm chất tài hoa của Tài Em”. Có lẽ khi “tâng” Tài Em lên mây, anh Huy “béo” đang khao khát, chờ đợi lắm một người có thể “xóa” đi hình ảnh của Hồng Sơn!
Sau này, sứ mệnh ấy được chuyển sang Công Vinh – một cầu thủ chuyên nghiệp về mọi mặt. Có người nói Vinh sẽ phát triển hơn nhiều nếu như sinh ra trong môi trường bóng đá châu Âu. Cũng như cách, ông thầy Dido (Brazil) tếu táo nói Hồng Sơn có thể đạt tới đẳng cấp siêu sao nếu sinh ra ở xứ sở Samba (?!).
Thực tế, trong quá khứ, Công Vinh cũng đã nỗ lực hết mình để thỏa mãn kỳ vọng ấy. Nhưng giờ, có lẽ anh đang muốn nghĩ cho mình nhiều hơn, như cái thời anh muốn “phát điên”, muốn đập đầu vào tường khi thấy mình tập mãi mà không sao vượt qua nổi “cái bóng” của Văn Quyến.
Dư luận cứ bàn ra tán vào mà đôi khi không cần biết Vinh muốn gì. Cũng phải thôi, cái biệt danh hoành tráng CV9 cũng là dư luận khoác lên cho Vinh. Chứ bản thân anh, có lẽ cũng chưa nghĩ (hoặc không thể nghĩ) tới cái “vầng hào quang” đẹp, nhưng chứa đầy cạm bẫy đó.
Khổ nỗi, với cách hành xử của CV9 thời gian qua, dường như anh lại đang đi từ sai lầm này tới sai lầm khác. Một đội bóng Nhật Bản cần Vinh để làm gì nếu không phải là quảng bá thương hiệu. Nói cách khác, lợi dụng Vinh để làm những chuyện hậu trường? Có thể và tin CV9 hiểu quá rõ điều đó nhưng anh lại không dám hành động theo cách mình muốn!
Sự thật là Vinh đã xuất phát điểm và thành công, tạo dựng được danh tiếng bằng sự nỗ lực khổ luyện không ngừng. Và chẳng có cách kết thúc nào tốt hơn nếu đi tới cùng của cuộc chơi theo đúng cách của mình cả.
Những người hiểu chuyện, đều biết tên tuổi của Công Vinh đang lu mờ, và ở đâu đó, Vinh không còn “hot” bằng Văn Quyến!!!
Theo Danviet