Mua sữa cho con hay xem bóng đá ngoại hạng Anh?

Thứ hai, 25/02/2013, 14:20
Mấy ngày gần đây, các bà mẹ sốt xình xịch chuyện sữa rởm cho con, còn các ông bố thì quan tâm đến chuyện bản quyền giải ngoại hạng Anh.

Sữa cho trẻ em, và giải ngoại hạng Anh, hai cái này thì có điểm gì chung? So sánh khập khiễng, nhưng 2 món này đều là 2 “món ăn”, một thứ là món ăn trực tiếp cho trẻ con, còn một thứ, đúng là món ăn tinh thần không thể thiếu cho những đứa trẻ con đã lớn, đã biết xem bóng đá, món ăn tinh thần cho người trẻ, người già. Sữa cho con thì chẳng thể thiếu, còn bóng đá cho ông bố nếu thiếu, liệu có “chết” không?

Câu hỏi đặt ra: liệu có nhất thiết cứ là phải có bóng đá ngoại hạng Anh để mà xem trên TV các buổi tối cuối tuần bằng mọi giá không?

Các bà mẹ trẻ đang sốt xình xịch với chuyện một loại “sữa” có tên là Danlait, được quảng cáo là “sữa dê Pháp”, nhưng rút cuộc nó lại chỉ là thứ thực phẩm chức năng, quảng cáo láo ăn tiền, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.

Các bà mẹ trên diễn đàn đã rất quyết liệt, khi vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con em mình, và sau đó thì báo chí truyền thông, các cơ quan chức năng vào cuộc, và mọi thứ đã dần sáng tỏ. Chắc chắn, với hành vi kinh doanh kiểu chộp giật lừa đảo này, với chất lượng của thứ thực phẩm dinh dưỡng chỉ 80 nghìn đồng/ 1 hộp khi nhập về kia, thì sẽ chẳng còn ai dám dùng thứ thức ăn nguy hiểm này cho con nữa.

 
 Tiền bản quyền TH giải ngoại hạng Anh rút cuộc đều là từ túi người dân

Nhà có trẻ em, mỗi tháng hết 2 hộp sữa loại to, tính trung bình là 500 nghìn đồng 1 hộp, một tháng sẽ hết 1 triệu đồng. Nhà có người lớn, nếu mua một cái đầu K+ và xem bóng đá, sẽ hết khoảng 250 nghìn đồng thuê bao/1 tháng. Thôi thì con có sữa uống, thì bố cũng cần có bóng đá để xem, nhưng tính tổng lại, cả gia đình sẽ mất thêm một khoản chi tiêu kha khá hàng tháng nếu muốn đảm bảo có được cả hai loại “món ăn” này.

Có điều là, người ta “bán” bóng đá cho ông bố, sẽ bán theo kiểu độc quyền, nếu tôi có bản quyền ngoại hạng Anh, thì ông chỉ có thể mua cái đầu của tôi, làm thuê bao của tôi, và hàng tháng nộp tiền cho tôi, không thì mời ông lên mạng mà xem kết quả.

Chưa rõ ai, nhà đài nào sẽ có bản quyền ngoại hạng Anh trong giai đoạn 2013 – 2016. Mùa giải 2002-2003, bản quyền giải ngoại hạng Anh là nửa triệu USA, giai đoạn 2007-2010 là 4 triệu USD, còn giai đoạn 2010-2013 thì giá để có bản quyền TH giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam là khoảng 20 triệu USD.

Giai đoạn tới 2013-2016, đối tác chào bán bản quyền TH giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam là khoảng 40 triệu USD, tính ra tiền Việt là khoảng 840 tỷ đồng. Số tiền này là một số tiền quá lớn, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, và chính vì thế, các nhà đài đã phải hợp tác nhau lại trong việc đàm phán mua bản quyền TH giải ngoại hạng Anh, để tránh bị bên bán ép giá cao, tránh tình trạng tiêu tốn quá nhiều ngoại tệ.

Nếu việc chung tay đàm phán thành công, đương nhiên khán giả được lợi. Còn bằng không, một đơn vị lại có độc quyền, thì muốn xem, tất cả cùng phải bỏ tiền ra mua thuê bao của đơn vị đó.

Một đơn vị có độc quyền giải ngoại hạng Anh dù trên cơ sở hợp tác nào đó, thì số tiền phải bỏ ra, vẫn cứ là tiền của người dân Việt Nam, từ túi người dân, bởi họ mua 1 món hàng, và bán lại. Tất nhiên, trong cơ chế thị trường, thì đó vẫn là điều chúng ta phải chấp nhận.

Còn riêng với mỗi hộ dân, mỗi hộ gia đình, sữa cho con là thứ không thể thiếu, bởi đó là vun đắp tương lai, sức khỏe, trí tuệ cho thế hệ sau, sữa phải sạch, phải có nguồn gốc chuẩn, không có sữa thì không thể được. Còn với bóng đá, vẫn biết đó là niềm đam mê lớn lao, mạnh mẽ, nhưng có là tốt, không có, liệu có chẳng thể sống nổi không? Có nhất thiết cứ nhà nhà cùng phải dốc túi ra thêm để tất cả chúng ta cùng được xem MU mỗi tối chủ nhật không?

Hi vọng ở chuyện bản quyền TH ngoại hạng Anh, sẽ có một cách nào đó để vẫn có mà xem, và không phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn. Trong tình hình kinh tế hiện nay, thì thiết nghĩ, tiết kiệm được cho người dân đồng nào là hay đồng ấy.

Bóng đá, giải trí là cái cần thiết, nhưng khi chưa giàu, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, thì thực hành tiết kiệm trong xã hội vẫn là cái nên làm, trong mọi lĩnh vực, không chỉ ở chuyện bản quyền bóng đá.

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn