Lydia Nsekera: “Người đàn bà thép” của bóng đá

Thứ sáu, 08/03/2013, 14:33
Tháng 5/2012, điều tưởng như không bao giờ xảy ra đã đến - FIFA bổ nhiệm bà Lydia Nsekera làm thành viên nữ của Ủy ban điều hành, một khoảnh khắc đáng ghi nhận nhất trong lịch sử 108 năm “toàn nam” của cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới.

1. Những ai làm việc cùng vị Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Burundi (FFB) đều có nhận xét rằng bà là người chân thành và chính trực - phẩm chất đang vô cùng cần thiết đối với những người nắm giữ quyền lực trong làng bóng đá hiện tại. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất nắm giữ cương vị chủ tịch trong 209 Liên đoàn thành viên của FIFA.

“Tôi không cảm thấy cô đơn bởi vì tôi và đồng nghiệp của tôi cùng có chung ngôn ngữ, đó là bóng đá. Tôi tham gia vào làng túc cầu năm 2000 bởi tôi yêu môn thể thao này. Tôi luôn nghĩ mình là một trong số những chàng trai khi nói về bóng đá...” - bà Lydia chia sẻ.

Lydia Nsekera

Tình yêu bóng đá của bà Lydia xuất phát từ cha, một thành viên của gia đình Hoàng gia Burundi và bản thân ông là chủ tịch một CLB bóng đá. Lên 5 tuổi, Lydia đã theo cha tới sân bóng. Thế nhưng, với lợi thế chiều cao, bóng rổ lại là con đường mà Lydia lựa chọn, tiếp đến nhảy cao, rồi sau đó mới đến túc cầu.

Năm 2003, sự nghiệp của Lydia gián đoạn sau cái chết của chồng. Bà phải tạm dừng mọi kế hoạch để thay ông điều hành một garaga ô tô. Khi đã đặt mọi thứ vào guồng, bà quay trở lại và một năm sau đó, đắc cử chức Chủ tịch FFB.

Những người không ưa Lydia thì lại coi bà là người “độc đoán”. Nhưng những gì chúng ta cần nhìn nhận là những cải cách, sửa đổi mà Nsekera đã thực hiện để giúp bóng đá nước nhà phát triển mạnh mẽ sau quãng thời gian dài bị tê liệt.

“Lydia thiết lập mọi thứ theo cách của riêng mình và ngay lập tức mang lại sự ổn định cho FFB. Nhờ đạo đức công việc và quyền hạn của mình, cô ấy đã đạt được những thành tựu” - thư ký Jeremie Manirakiza nhận xét về “sếp”.

2. Thành công của Lydia không trải đầy hoa hồng và may mắn như người khác lầm tưởng. Đối mặt với không ít sự ganh ghét, đố kị và hiện tại, bà là tâm điểm của “cách mạng nữ quyền” trong lòng FIFA.

Tại Đại hội năm 2012 ở Budapest, Hungary, một số thành viên có tiếng nói của FIFA trong đó có Chủ tịch UEFA Michel Platini đã không chào đón sự xuất hiện của bà Lydia. Đó chính là lý do vì sao bà chỉ được trao nhiệm kỳ 1 năm thay vì 4 năm như các đồng nghiệp nam và phải chờ đến năm 2013 này mới biết mình có tiếp tục được lựa chọn làm thành viên thứ 25 của Ủy ban điều hành hay không.

Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) cũng gây khó cho Lydia với quy định rằng "đại diện châu Phi trong Ủy ban điều hành FIFA có trách nhiệm tham dự tất cả các cuộc họp của Ủy ban điều hành CAF nhưng không có quyền bỏ phiếu”.

Dù vậy, những cản trở đó chẳng thể làm người phụ nữ 45 tuổi phá vỡ ranh giới và tìm kiếm những thử thách mới. “Có nhiều phụ nữ làm Tổng thống hay Thủ tướng nên tôi chắc chắn rằng sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ được bầu chọn vào vị trí cao trong làng bóng đá” – bà thẳng thắn.

Theo Thethaovanhoa

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn