10 bộ phim xứng đáng đoạt Oscar 2012

Chủ nhật, 09/12/2012, 10:00
Vẫn quá sớm cho tới khi kết quả giải Oscar 2012 được công bố vào tháng 2/2013, nhưng giới phê bình hiện đã điểm danh được những bộ phim sáng giá nhất.
 
Trừ vài phim đã ra mắt vào mùa hè, hầu hết các phim nhắm tới giải Oscar như một vinh dự và sự bảo đảm cho doanh thu chọn ra mắt vào thời điểm này để gây chú ý cho các thành viên hiệp hội đang cân nhắc lá phiếu đề cử của mình.

Đây cũng là dịp mà giới truyền thông quốc tế dò đoán những ứng viên sáng giá nhất để đón đầu mùa giải thưởng điện ảnh đầy sôi động. Dưới đây là danh sách 10 bộ phim xứng đáng được đề cử Oscar phim xuất sắc do hội đồng biên tập của tờ The Week bản điện tử (Anh) đề nghị.
 
1. Zero Dark Thirty
 

Zero Dark Thirty

Bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Kathryn Bigelow, người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Oscar dành cho đạo diễn xuất sắc nhất nhờ phim “The Hurt Locker”, cùng đề tài chống khủng bố. Lần này, bà tái hợp với biên kịch Mark Boal, trực tiếp đi phỏng vấn những người lính biệt kích Mỹ từng tham gia cuộc săn đuổi và giết chết trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Những thông tin mà họ tiếp cận được nhờ quyền tự do ngôn luận đều được thể hiện trong bộ phim giật gân “Zero Dark Thirty” (tạm dịch: Đêm xuất kích). Triển vọng của phim là rất lớn khi trong tuần qua, nó đã thắng liên tiếp các giải của Hội đồng phê bình phim quốc gia và Hội phê bình phim New York.

Nhưng liệu khán giả có hứng thú trở lại đề tài khủng bố nữa hay không, khi mà hình ảnh truy sát Bin Laden cách nay gần 2 năm còn nguyên trong đầu họ?

2. Những người khốn khổ
 
 
Những người khốn khổ

Bộ phim ca nhạc đầu tay này của đạo diễn “The King's Speech” Tom Hooper quy tụ cả dàn sao: Hugh Jackman, Anne Hathaway, Russell Crowe. Điểm khác biệt là ông yêu cầu họ khả năng của một diễn viên của sân khấu nhạc kịch, tức hát trực tiếp tại trường quay để phần diễn xuất thêm sống động. Phim có lợi thế khi chưa ra mắt rộng rãi nhưng đã được tán dương nhiệt liệt bởi giới phê bình.

3. Lincoln
 
 
Lincoln

Một phần đời của vị tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đáng kính, khi đứng trước cuộc nội chiến Bắc Mỹ, được mô tả lại trên màn ảnh bởi bậc thầy Steven Spielberg, người đã mất 12 năm thai nghén kể từ khi có ý tưởng và ra được kịch bản ưng ý.

Chừng đó thôi đủ để khán giả phải kéo nhau đi xem bộ phim này bất chấp sự ầm ĩ của điệp viên 007 hay những con ma cà rồng. Vai tổng thống Lincoln do nam diễn viên từng hai lần đoạt Oscar Daniel-Day Lewis thể hiện.

4. Silver Linings Playbook
 
 
Silver Linings Playbook

Từng gây tiếng vang tại LHP Toronto năm nay với giải bình chọn của khán giả, Silver Linings Playbook (Sách tìm phúc trong họa) kể câu chuyện đầy bi hài về ông thầy giáo trở về nhà làm lành với vợ cũ sau thời gian điều trị tâm thần.

Phim của đạo diễn David O. Russell (phim “The Fighter”), có sự góp mặt của Bradley Cooper, Jennifer Lawrence và Robert De Niro. Giữa một rừng phim nghiêm túc và tham vọng trong những chủ đề lớn, bộ phim này lọt thỏm vì tiếng cười sâu cay những vấn đề của đời sống thường nhật. Nhưng nó vẫn có khả năng đoạt giải nếu Oscar muốn đi tìm một bộ phim thật khác biệt.

5. Argo
 
 

Argo
 
Vừa ăn khách vừa được giới phê bình khen ngợi, cả hai yếu tố đưa bộ phim do tài tử Ben Affleck đạo diễn và đóng chính đủ sức có mặt ở giải Oscar năm nay. Argo dựa trên một điệp vụ có thật của CIA nhằm giải cứu 6 người Mỹ bị bắt làm con tin tại Teheran năm 1980.

Giả trang thành một đoàn làm phim Canada là cách mà họ đã dùng để trốn thoát. Tuy nhiên, thời điểm ra mắt vào tháng 10 có thể là một bất lợi cho phim trong trường hợp các thành viên bỏ phiếu quên mất là Argo đã cuốn hút như thế nào.

6. The Hobbit: An Unexpected Journey
 

  The Hobbit: Hành trình vô định

Phần đầu tiên của bộ ba phim “The Hobbit” đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Peter Jackson đối với thế giới trung địa trong tác phẩm của nhà văn J.R.R. Tolkien, mà ông dàn dựng thành công trong loạt phim ba phần “Chúa nhẫn”. Chính xác hơn, “The Hobbit” là phần tiền truyện của “Chúa nhẫn”, kể lại chuyến phiêu lưu của một nhóm người lùn do Bilbo Baggins dẫn đầu để đòi lại một kho báu bị đánh cắp bởi rồng Smaug.

Ngoài việc thêm hình ảnh 3D cho loạt phim tốn kém này, có vẻ như Peter Jackson đang lặp lại những gì mà ông đã sáng tạo, khiến bộ phim là một ẩn số tại Oscar năm nay.

7. The Master 
 
 
The Master

Một bộ phim khó xem của đạo diễn Paul Thomas Anderson (phim “There Will Be Blood”). Được xem là một gợi ý về sự ra đời của giáo phái khoa luận giáo, “The Master” (Giáo chủ) có câu chuyện khảo sát về cách mà một niềm tin được đẩy lên thành tín ngưỡng và gây ảnh hưởng lên những cá nhân.

Câu chuyện đen tối và xa lạ của bộ phim có thể là yếu tố khiến Oscar phải cân nhắc nếu muốn gần hơn với đại chúng. Nhưng có lẽ dàn diễn viên gạo cội Joaquin Phoenix, Phillip Seymour Hoffman và Amy Adams sẽ kiếm được các đề cử diễn xuất.

8. Django Unchained
 
 
 
 
Django Unchained

Đem phong cách hài hước bạo lực một cách quá đà vào thể loại phim lịch sử thời kỳ nô lệ, đạo diễn Quentin Tarantino khiến các “fan” của ông phải háo hức chờ đợi ngày ra mắt 25/12 của Django Unchained (Django đã tháo xiềng).

Ông quy tụ được dàn sao tài năng gồm Jamie Foxx, Christoph Waltz, Leonardo DiCaprio để thuật lại hành trình tìm công lý và báo thù của nô lệ Django. Tính chất gây tranh cãi vì bạo lực và cách giễu nhại văn hóa đại chúng khiến các bộ phim của Quentin Tarantino dù được nhiều đề cử Oscar nhưng ít khi đoạt giải, trừ giải cho kịch bản của Pulp Fiction năm 1995.

9. Beasts of the Southern Wild
 
 
Beasts of the Southern Wild

Phim ra mắt vào mùa hè, dù rất được khen ngợi nhưng không chắc các thành viên bỏ phiếu cho Oscar có còn nhớ hay không. “Beasts of the Southern Wild” (Quái vật của miền nam hoang dã) là cuộc phiêu lưu sông nước, lần đầu giới thiệu cái tên đạo diễn Benh Zeitlin và ngôi sao trẻ Quvenzhane Wallis.

10. Cuộc đời của Pi
 
 
Cuộc đời của Pi

Bộ phim khiến bậc thầy James Cameron phải lên tiếng khen ngợi vì kỹ xảo 3D xuất sắc này có lẽ sẽ nhận được nhiều đề cử Oscar ở hạng mục kỹ thuật. Hình ảnh tuyệt đẹp khiến khán giả bị mê hoặc theo cuộc phiêu lưu của Pi, cậu thiếu niên 17 tuổi sống sót sau vụ đắm tàu, trên một chiếc xuồng cùng với một con hổ.

“Life of Pi” (Cuộc đời của Pi) không có dàn diễn viên hạng A, nhưng diễn xuất thuyết phục của cậu sinh viên Ấn Độ Suraj Sharma khiến nhiều nhà phê bình cho rằng cậu xứng đáng nhận được một đề cử diễn xuất.

Theo Vietnamnet 

Các tin cũ hơn