"Không phải ai cũng có cơ hội ra với thế giới, nên tôi có cơ hội thì tôi sẽ ra, tôi muốn đại diện cho hình ảnh Việt Nam lan rộng trên khắp thế giới và được mọi người trân trọng", Lý Nhã Kỳ chia sẻ.
- Ngày 20/4 Lý Nhã Kỳ đã có một cuộc thăm nước bạn Campuchia, chị có thể chia sẻ về chuyến đi của mình không?
Thực sự, tôi rất ngạc nhiên khi đến đất nước Campuchia, trong vai trò quảng bá du lịch cho hai nước, mang tính chất hữu nghị, nhưng không ngờ tôi được đón tiếp rất là trọng thị. Khi đáp máy bay xuống, tôi thấy cả một đoàn người tiếp đón, cả nhà báo, truyền thông, lãnh đạo đi đến đón mình, thực sự tôi rất xúc động.
Họ rất nhiệt tình, đưa tôi đi tới những nơi, những kiến trúc, những di tích lịch sử của đất nước Campuchia. Hiểu thêm về nền văn hóa của người Khơmer, có những kiến trúc mà mình không thể nào nói được giá trị của nó là như thế nào (!?), nhưng đó thực sự là một giá trị tinh thần, một giá trị lịch sử, một giá trị cho bất kì công dân nào cũng phải hãnh diện.
Lý Nhã Kỳ được nhân dân Campuchia yêu thích. |
Tôi rất vui khi được lãnh đạo và nhân dân của đất nước Campuchia yêu thích, du khách quốc tế cũng rất là ưu ái mình, luôn muốn được đến Việt Nam, luôn muốn có được những bức ảnh kỉ niệm với mình, thậm chí dưới cái nắng gần 40 độ của Campuchia mà rất nhiều du khách và người dân sẵn sàng đứng đợi để được chụp hình với tôi.
Các lãnh đạo Campuchia cũng nói, nếu có một vị Đại sứ mà thu hút được sự chú ý, gây được sức ảnh hưởng như vậy thì đó cũng là một điểm thuận lợi cho ngành du lịch, về một hình ảnh để quảng bá.
Khi tôi hỏi lãnh đạo Campuchia là đất nước của ông có cần một vị ĐSDL không, thì ông nói, chắc chắn bất cứ một nước nào nếu có một người đem lại hình ảnh đẹp cho quốc gia thì họ sẽ làm, tìm được một vị Đại sứ đủ tầm, đủ tâm, tạo được sức ảnh hưởng không phải là dễ.
Nếu một vị Đại sứ am hiểu tất cả mọi thứ, ví dụ như tôi, khi tôi đến Campuchia, rõ ràng người dân Campuchia làm sao biết hết được về tôi, tôi đã làm được những gì cho đất nước Việt Nam, nhưng mà khi họ nhìn tôi, họ có thiện cảm, kể cả du khách Pháp, Thụy Sỹ, Đan Mạch...Vì họ nghĩ đất nước Việt Nam sẽ rất đẹp, họ có một một vị ĐSDL hết sức thân thiện.
Lý Nhã Kỳ sang thăm đất nước Campuchia để tham quan kiến trúc cổ. |
Nhưng ngược lại, nó cũng có hai mặt, một vị Đại sứ không làm tốt công việc và tên tuổi cô ấy có những điều xấu thì cũng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, quảng bá du lịch của đất nước ấy, nên để tìm một người làm Đại sứ không phải dễ.
- Có thông tin là chị đang có kế hoạch kêu gọi bảo tồn và phục hồi Angkor, một kinh đô Đế quốc Khmer của đất nước Campuchia?
Tôi rất khâm phục những kiến trúc cổ, cũng như người Khmer đã để lại một công trình đồ sộ đến vậy. Chúng ta không thể so sánh với kiến trúc của phương Tây, của châu Âu, nhưng rõ ràng ở đây người Khmer đã làm được rất nhiều thứ, có những cái là thiên nhiên ban tặng, nhưng cũng có những thứ là do con người tạo ra, tôi được tận mắt chứng kiến, nên tôi cũng không thể nào tin được con người có thể tạo ra được những công trình ấy.
Ở góc độ tôi không phải người Campuchia, tôi là người Việt Nam, nhưng tôi lại kêu gọi mọi người ở Campuchia hãy bảo tồn, hãy giữ gìn di sản này, thì hiệu quả cũng gây được sự chú ý hơn, tốt hơn. Bởi vì, tôi không phải là một vị Đại sứ của họ, nhưng tôi cảm nhận và trân trọng cái giá trị của kiến trúc này.
Về việc ưu thế của tôi sau khi kêu gọi bình chọn Vịnh Hạ Long thì thực ra đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, dù sao đi nữa thì tôi cũng xuất thân là một ĐSDL Việt Nam, tuy nhiên cái trách nhiệm dành cho đất nước, cho con người Việt Nam, cũng như trách nhiệm một công dân thì tôi luôn dành hết mọi tâm huyết, sức lực cũng như mọi mối quan hệ của tôi dành cho Việt Nam là trước hết, còn về việc tôi kêu gọi bảo tồn và phục hồi Angkor chỉ là một vị Đại sứ nước ngoài giúp đỡ Campuchia.
Còn trong công việc cũng giống như một chiếc bánh phải biết chia phần lớn, phần nhỏ, nhưng về mặt quan hệ hữu nghị, nếu mà mình giúp đỡ được một đất nước khác, làm những điều tốt hơn cho đất nước họ, thì mọi người sẽ ủng hộ chị.
Lý Nhã Kỳ có sức ảnh hưởng trên thế giới. |
- Tại sao chị lại có dự định giúp đỡ kêu gọi cho du lịch nước bạn? Trong khi ở Việt nam chị lại xin rút lui khỏi danh sách ứng cử ĐSDL 2013?
- Hiện giờ, tôi chỉ giúp nước bạn kêu gọi bảo tồn, cũng như bảo vệ những kiến trúc, nhưng tôi đâu phải Đại sứ của Campuchia? Nếu như bây giờ tôi bỏ chức ĐSDL Việt Nam đi nhận chức ĐSDL Campuchia thì có thể trách móc tôi.
Nhưng tôi là một người có sức ảnh hưởng ở thế giới, mà vẫn giúp được ở Việt Nam về ngành du lịch, quảng bá du lịch ra thế giới, mà vẫn giúp được những nước khác, thì tôi nghĩ rằng đó cũng là một thế mạnh giúp cho hình ảnh đất nước Việt Nam lên cao hơn.
Vì sao, vì khi mình giúp nước bạn thì nước bạn cũng sẽ giúp mình, các cụ vẫn nói "Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao". Nếu bây giờ, tôi giúp được nhiều nước cho hình ảnh du lịch của họ, thì rõ ràng rất nhiều nước cũng sẽ chung tay để giúp cho chị quảng bá được hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới và khẳng định vị trí Việt Nam ở thế giới.
- Sau khi làm việc với lãnh đạo nước bạn, chị nhận xét khâu quản lý, công tác phát triển du lịch của Campuchia so với Việt Nam giống và khác nhau ở điểm nào?
- Thực ra mỗi một nước có một cách quảng bá cũng như phát triển du lịch khác nhau và cũng phụ thuộc vào cái gì của nước đó được ưu ái, chả hạn như Việt Nam thì được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho, còn Campuchia cái họ có được là do con người tạo ra chúng.
Cách quản lý, phát triển du lịch ra thế giới của mỗi nước khác nhau, mình không thể so sánh được. Có một điều tôi nhìn thấy được ở người dân Campuchia, họ rất có ý thức làm du lịch, ý thức đó tạo nên mỗi con người đều đồng lòng như vậy. Khách du lịch họ đều nhìn vào cái tổng quan, có thể nhìn thấy hình ảnh đất nước trên từng con người.
Điều đặc biệt, tôi đến Siêm Riệp không phải là thủ đô, nhưng thực sự rất là sạch, chỉ là một con đường xa lộ thôi nhưng cực kì sạch, trong khi hai bên là rừng mà họ có thể quét, có thể giữ gìn sạch sẽ như vậy. Đến các quán ăn bên đường nằm trong rừng, thế nhưng rất sạch, đó cũng là một ấn tượng tốt về phát triển du lịch ở nước bạn.
Về con người có thể nhìn thấy được sự thân thiện, sự vui vẻ cũng như là tình cảm dành cho các du khách quốc tế. Vì thế, họ lấy được tình cảm của du khách dành cho đất nước mình.
Lý Nhã Kỳ vẫn muốn gắn bó với hình ảnh du lịch Việt Nam. |
- Được nước bạn tin tưởng phần nào chứng minh thế mạnh quảng bá du lịch của chị, chị có ý định xin ứng cử lại vị trí ĐSDL của VN hay không?
Chắc chắn tôi sẽ không ứng cử nữa, vì tôi muốn để lại vị trí ứng của đó cho những bạn trẻ, hoặc cho những người cũng có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí còn lớn hơn tôi, để có thể cống hiến và làm được nhiều hơn cho đất nước.
Nhưng nếu các lãnh đạo vẫn tin tưởng, cũng như là mọi người dân công chúng vẫn muốn tôi gắn bó với hình ảnh du lịch Việt Nam thì tôi có thể làm cố vấn hoặc tôi có thể nhận một chức danh nào đó.
- Sắp tới chị có dự định nào cho việc quảng bá du lịch ở VN hay không?
Thực ra tôi có rất nhiều kế hoạch quảng bá cho du lịch Việt Nam, khi làm ĐSDL tôi cũng đã có những dự định dài hơi, muốn xây dựng hình ảnh cần có một khoảng thời gian và nhiều sự hỗ trợ.
Một năm thì không đủ để có thể xây dựng một hình ảnh về Việt Nam dưới nhiều góc nhìn trong mắt của bạn bè thế giới. Những kế hoạch mà tôi sẽ làm tiếp, tôi đang chờ khi có ĐSDL mới thì tôi sẽ nhường lại những kế hoạch của mình cho Đại sứ mới để họ có thể xem, có thể góp sức vào không.
Tôi cũng sẽ trình bày với lãnh đạo Bộ văn hóa thể thao và du lịch về những cái kế hoạch mà tôi chưa hoàn thiện, nếu Bộ muốn tôi cùng đồng hành trong các sự kiện, quảng bá du lịch thì tôi luôn sẵn sàng.
Lý Nhã Kỳ muốn mang hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. |
- Dường như quảng bá du lịch Việt Nam thì chưa xứng với sức của Lý Nhã Kỳ, có phải chị đang hướng tới một mục tiêu cao và mang tính quốc tế hơn?
Khi tôi làm ĐSDL Việt Nam là một năm gắn liền với danh hiệu ấy, tôi rất yêu chức danh này, vì tôi là người đầu tiên mang danh hiệu này, có cả nước mắt, có cả tiếng cười, có cả niềm hạnh phúc. Cái tên ĐSDL cũng như cái tên thứ hai của tôi.
Hiện nay, tôi có rất nhiều mối quan hệ trên thế giới yêu quý, ủng hộ, tôi có mục đích đi ra thế giới, nhưng không phải cá nhân tôi mà cái đi ra này cũng là một hình thức quảng bá du lịch, là một hình thức đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới và không phải dễ để đi.
Tôi đang có một điều kiện thuận lợi để đi, được mọi người đón nhận một cách trân trọng, thì tại sao mình không ra. Không phải tôi không ứng cử vì du lịch Việt Nam không xứng tầm với tôi, rồi đi nhận chức Đại sứ liên quốc gia nào đó.
Không phải ai cũng có cơ hội ra với thế giới, nên tôi có cơ hội thì tôi sẽ ra, tôi muốn đại diện cho hình ảnh Việt Nam lan rộng trên khắp thế giới và được mọi người trân trọng.
Theo Đất việt