Đáng quan tâm vì đây là một trường hợp sinh năm thực hiện bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo lần đầu tiên xảy ra ở bệnh viện này (việc thụ tinh thực hiện ở đâu chưa được tiết lộ); hơn nữa, 5 em bé mới chào đời này – dù chỉ nặng từ 1,3 – 2 kg, đều có chiều hướng hoàn toàn khoẻ mạnh.
Với bấy nhiêu yếu tố đó thôi, việc giới truyền thông vào cuộc mạnh mẽ để thông tin cho công chúng không có gì lạ. Tuy nhiên, cách tiếp cận sự kiện của báo chí, với sự hỗ trợ thông tin của giới chuyên môn, khiến người ta băn khoăn khi thấy câu chuyện ngả về “báo cáo thành tích y học” là chính, không thấy sự cảnh báo nào về mặt trái nặng nề của việc mang đa thai.
Sinh đa thai: Nguy cơ sức khỏe cho mẹ và con. |
Tiếp xúc với giới chuyên môn, ai cũng lo sợ khi nghe nói đến đa thai. BS Võ Đức Trí, phó khoa sơ sinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nói: “Mang đa thai nguy hiểm cho mẹ lẫn con. Với mẹ, mang đa thai sẽ làm tăng nguy cơ tiền sản giật và sanh non.
Nếu chỉ mang hai thai thôi, tỷ lệ sanh non đã tăng lên 66% so với một thai. Nếu sanh ba trở lên, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều.
Với một đứa trẻ sanh non, do cơ thể chưa trưởng thành đầy đủ nên dễ gặp nhiều mối đe doạ như suy hô hấp, dễ bị nhiễm trùng, còn ống động mạch ở tim, không dung nạp thức ăn, dễ bị viêm ruột hoại tử, bệnh lý võng mạc, vấn đề thính lực, kém phát triển tâm thần – vận động”.
Hậu quả của đa thai đâu chỉ trên con, mà còn cho gia đình – đặc biệt là người mẹ, và cả cho xã hội.
Theo BS Trí, người mẹ sanh đa thai thường bị stress nặng do phải lo lắng, chăm sóc cho nhiều đứa con cùng lúc. Những trường hợp này có thể phải cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Dĩ nhiên, với những cá thể sinh ra không khoẻ mạnh, sự phát triển sau này cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí cá thể đó phải mang những tật bệnh suốt đời, khổ cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Vì thế, theo nhiều chuyên gia hiếm muộn, xu hướng hiện nay trên thế giới là cho phụ nữ mang tối đa hai thai, bởi những đứa trẻ sinh ra phải là một con người hoàn chỉnh với chất lượng cao nhất.
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Sương, khoa hiếm muộn bệnh viện Hùng Vương, nói: “Khi thực hiện phương pháp hỗ trợ sinh sản, nếu thấy thai phụ mang nhiều thai, chúng tôi thường tư vấn họ bỏ bớt, chỉ giữ lại 1 – 2 thai”.
Đối với ca sanh năm ở bệnh viện Từ Dũ, thông tin trên truyền thông cho thấy bác sĩ cũng đã tư vấn gia đình bỏ thai, nhưng gia đình không đồng ý.
Vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng đã đến lúc cần có quy định số lượng thai được giữ khi thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản, điều mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng từ lâu – xuất phát từ sự an toàn cho mẹ, con và vì lợi ích cho cả xã hội.
Phát biểu trên một tờ báo, thứ trưởng bộ Y tế, PGS.TS.BS Nguyễn Viết Tiến, cho rằng “tiến bộ của y học là thực hiện thành công các biện pháp hỗ trợ sinh sản, giúp cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha, mẹ nhưng tiến bộ hơn nữa là cần khống chế đa thai”.
Đó là một ý tưởng hoàn toàn đúng, nhưng sẽ đúng hơn nếu những người có trách nhiệm nhanh chóng đưa ý tưởng này thành quy định rõ ràng.
Một bác sĩ hiếm muộn lâu năm chia sẻ: “Do không có quy định nên một số trung tâm hỗ trợ sinh sản hiện nay ở nước ta khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, người ta chuyển nhiều phôi như một cách để tăng khả năng thụ thai, đặc biệt khi các phôi đó có chất lượng thấp, gần như bất chấp mọi hậu quả sau này. Đây là một trong những vấn nạn của lĩnh vực này”.
Vì thế, nếu đứng ở góc độ này, hãy coi câu chuyện sinh năm là “thất bại” của y học chứ không phải là “thành tích”. Điều đó cũng tương tự như việc cắt bỏ những khối u khổng lồ ở bệnh viện này hay bệnh viện kia mà giới truyền thông thường mô tả.
Một khi nền y tế không phát hiện và chữa trị kịp thời cho những người mang khối u này khi chúng còn nhỏ, thì có cắt bỏ chúng thông qua những ca phẫu thuật kéo dài và phức tạp, cũng chỉ là “thất bại” chứ không thể xem là “thành tích”!
Theo SGTT