Tờ báo của Al-Akhbar (Lebanon) cho biết rằng, Moscow và Washington đang tiến hành đàm phán về một thỏa thuận, theo đó căn cứ quân sự của Mỹ ở Al-Tanf nằm ở phía Nam của Syria (gần biên giới với Iraq) sẽ được chuyển giao cho lực lượng của Nga kiểm soát.
Quân đội Mỹ rời khỏi khu vực chiến lược quan trọng Al-Tanf và bàn giao lại quyền kiểm soát cho Nga. (Ảnh: flickr.com/ U.S. Department of Defense) |
“Cuộc đàm phán sơ bộ về thỏa thuận mới giữa Nga và Mỹ đang được tiến hành, trong đó nhiều khả năng Mỹ sẽ rút quân khỏi căn cứ quân sự ở khu vực Al-Tanf và chuyển giao quyền kiểm soát căn cứ này cho Nga”, phóng viên chiến trường của tờ Al-Akhbar cho biết.
Nguồn tin này cho biết rằng, cuộc đàm phán đã bắt đầu sau khi nhóm khủng bố “quân đội chỉ huy cách mạng” đầu hàng quân đội chính phủ. Nhóm khủng bố này là một phần trong liên minh “quân đội Syria tự do” đóng quân trong khu vực căn cứ của Mỹ.
Một trong những chỉ huy quân đội Syria cho biết rằng, nhóm khủng bố “quân đội chỉ huy cách mạng” đã giao nộp vũ khí và trang thiết bị quân sự của họ cho quân đội Syria.
Những kẻ khủng bố đã quyết định rời khỏi Al-Tanf sau khi biết được thông tin về khả năng có thể có thỏa thuận giữa Nga và Mỹ.
Trong ngày 2/8 một số đơn vị của các nhóm khủng bố ở phía Nam tiếp tục đầu hàng quân đội Syria.
Nguồn tin này cũng cho biết rằng, chỉ huy quân đội Mỹ đã cho 24 giờ để lực lượng liên minh của mình ở các nhóm khác nhau hạ vũ khí. Nhà báo của tờ Al-Akhbar cho rằng, Mỹ đang lên kế hoạch nhằm giảm căng thẳng ở phía Nam Syria và tập trung lực lượng của mình tới khu vực Raqqa và Deir ez-Zor.
Trước đó cũng đã xuất hiện thông tin về việc quân đội Mỹ và lực lượng phiến quân FSA do Mỹ hậy thuẫn dự định rời bỏ khu vực Al-Tanf do khu vực này bị quân đội Syria và đồng minh của họ bao vây xung quanh và không còn đường nào để tấn công.
Tuy nhiên sau đó Mỹ đã bác bỏ tin tức này, nhưng nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, sớm muộn gì quân đội Mỹ cũng phải bỏ khu vực.
Hiện tại các căn cứ ở khu vực này có khoảng 500 binh lính Mỹ đóng quân nhằm đào tạo và huấn luyện phiến quân FSA và các nhóm khủng bố khác.
Nên nhớ rằng, Al-Tanf là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm gần ngã 3 biên giới Syria-Jordan-Iraq trên đường cao tốc Damascus-Baghdad.
Hoa Kỳ đã tập trung tăng cường lực lượng ở khu vực này nhằm tạo ra một vùng đệm chạy dọc theo biên giới Syria-Jordan và Syria-Iraq. Và Al-Tanf coi như là một trung tâm chỉ huy vùng đệm của Mỹ.
Thậm chí để bảo vệ khu vực Al-Tanf, Hoa Kỳ đã triển khai hệ thống pháo phản lực cơ động tầm bắn xa ở căn cứ tại Al-Tanf, để tăng cường khả năng phòng thủ/tấn công cho lực lượng đồn trú của liên minh quân sự do họ lãnh đạo ở phía Nam Syria, đồng thời tiến hành xây dựng căn cứ không quân ở khu vực này nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của họ duy trì thế đối xứng với Nga ở nam Syria.
Chính vì vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng như vậy nên việc Mỹ rời bỏ khu vực này và nhường lại quyền kiểm soát cho đối thủ không đội trời chung khiến các chuyên gia nghi ngờ.
Theo Đất Việt