|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump tháng 11/2017 - Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh đã có động thái trả đũa đầu tiên đối với kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về dựng hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc.
Trong động thái "ăn miếng trả miếng" này, Chính phủ Trung Quốc ngày 23/3 công bố kế hoạch đánh thuế đối với nhiều mặt hàng Mỹ có kim ngạch nhập khẩu tổng cộng tới 3 tỷ USD vào Trung Quốc mỗi năm.
128 mặt hàng Mỹ vào danh sách cảnh báo
Theo tin từ Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc dự kiến đánh thuế nhập khẩu 15% đối với hoa quả khô, rượu vang, ống thép nhập khẩu từ Mỹ, và đánh thếu 25% đối với các sản phẩm thịt lợn từ nhôm tái chế nhập khẩu từ Mỹ.
Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc nói nước này đã lập một danh sách gồm 128 mặt hàng Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa trong trường hợp hai nước không thể đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết xung đột thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 ký một bản ghi nhớ về đánh thuế nhập khẩu mạnh tay đối với nhiều sản phẩm từ Trung Quốc có kim ngạch vào Mỹ tới 60 tỷ USD mỗi năm. Danh sách chính thức về các sản phẩm bị đánh thuế sẽ được công bố trong vòng 15 ngày, và kế hoạch sẽ chỉ được thực thi sau 30 ngày tham vấn kể từ khi danh sách được đưa ra.
Về kế hoạch đánh thuế hàng Mỹ vừa được công bố, Bắc Kinh nói đây là sự đáp trả đối với việc Mỹ dựng hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Mới đây, ông Trump tuyên bố đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ, nhưng miễn trừ Mexico và Canada. Ngày 22/3, chính quyền Trump nói sẽ tạm thời miễn thuế này cho các nước đồng minh, gồm các nước Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và Brazil. Sự điều chỉnh như vậy cho thấy thuế thép và nhôm đang chủ yếu hướng vào Trung Quốc.
Việc Trung Quốc "tung đòn" đầu tiên là một lời cảnh báo cứng rắn đối với Mỹ, khi mà cả hai bên đều chuẩn bị sẵn sàng "vũ khí" cho một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực. Khi ký kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc ngày 22/3, ông Trump nói đây mới chỉ là "kế hoạch đầu tiên".
Tuyên bố đánh thuế hàng Mỹ được Trung Quốc đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump ký kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc. Bắc Kinh cũng nói sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp.
Boeing, đậu tương, trái phiếu
Trung Quốc dự kiến sẽ thực thi kế hoạch đánh thuế hàng Mỹ theo hai giai đoạn: đầu tiên là đánh thuế 15% đối với 120 sản phẩm gồm ống thép và rượu vang, với tổng kim ngạch 977 triệu USD mỗi năm; tiếp đó là đánh thuế 25% đối với thịt lợn và nhôm, với tổng kim ngạch 1,99 tỷ USD.
Giới phân tích đánh giá rằng Trung Quốc có thể nhằm vào một loạt công ty lớn và mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Mỹ để đáp trả. Trong đó, hãng chế tạo máy bay Boeing và đậu tương là hai đối tượng có nguy cơ lớn nhất bị Trung Quốc nhằm vào.
Boeing, công ty có 140.000 nhân viên trên toàn cầu, nói rằng cứ 4 máy bay mà hãng này xuất xưởng hiện nay, thì có 1 máy bay được khách hàng Trung Quốc mua. Hiện Boeing đang cạnh tranh mạnh mẽ với đối thủ châu Âu Airbus tại Trung Quốc, thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá cổ phiếu Boeing sụt 5,2%.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tố Mỹ bán phá giá đậu tương tại thị trường Trung Quốc, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Theo giới phân tích, bài báo này là một lời cảnh báo ngầm rằng Trung Quốc có thể đánh thuế chống bán phá giá mạnh tay đối với đậu tương Mỹ, mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu 14 tỷ USD mỗi năm vào Trung Quốc.
Ngoài ra, một lựa chọn khác để Trung Quốc đáp trả Mỹ là bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, một động thái có thể khiến thị trường tài chính Mỹ và thế giới chao đảo, đẩy lãi suất ở Mỹ tăng vọt.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng các hành động thương mại gần đây của Mỹ gây phương hại cho hệ thống thương mại đa phương và đảo lộn trật tự thương mại thế giới. Trước đó, đại sứ quán Mỹ tại Washington tuyên bố nếu chiến tranh thương mại xảy ra, "Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình".
Theo VnEconomy